VnReview
Hà Nội

Covid-19 có ngừng lây lan ra cộng đồng khi thời tiết ấm lên hay không?

Sự lan truyền nhanh đến chóng mặt của Covid-19 trên khắp thế giới đang khiến rất nhiều người hoảng sợ và hy vọng rằng khi thời tiết ấm lên, mọi chuyện sẽ chấm dứt.

Có hàng chục loại virus Corona tồn tại trong tự nhiên nhưng chỉ có 7 loại là gây bệnh cho con người. 4/7 loại đó gây cảm lạnh nhẹ ở người và số còn lại có thể gây chết người, được truyền vào cơ thể từ động vật như dơi hay lạc đà.

Viễn cảnh mùa hè, thời tiết ấm áp hơn sẽ có thể ngăn chặn đại dịch đang khiến nhiều người quan tâm. Đầu tháng 2, Tổng thống Mỹ - Donald Trump trong một đoạn tweet của mình đã động viên những nỗ lực của Trung Quốc trong phòng chống dịch bệnh và cho rằng đất nước của Đông Á sẽ thành công, đặc biệt là khi thời tiết bắt đầu ấm lên.

Điều này không phải là không có cơ sở khi virus gây cảm lạnh thường có xu hướng giảm dần sức ảnh hưởng khi thời tiết bắt đầu ấm áp hơn. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới hiện nay vẫn không chắc chắn rằng điều này có đúng với Covid-19 hay không. Stuart Weston - một nhà nghiên cứu tại Đại học Maryland cho biết: 'Tôi hy vọng Covid-19 sẽ thể hiện được tính thời vụ, theo mùa. Nhưng thật khó để biết điều này có diễn ra hay không'. Tính đến nay, Covid-19 đã lây lan ra toàn cầu, hơn 80.000 ca nhiễm bệnh và khiến 2.763 người tử vong.

Chúng ta cần biết gì về virus

Về cơ bản virus là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên khi được ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Chúng có thể được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc vật lý. Tuy nhiên, virus cũng có thể tồn tại trên bề mặt cứng hoặc lây lan qua đường hô hấp.

Một khi ra ngoài cơ thể, virus sẽ yếu đi. Ví dụ, chất cồn trong nước rửa tay sẽ phá vỡ protein và lipid khiến virus kém ổn định hơn và ít có khả năng gây nhiễm trùng thành công. Đã có nghiên cứu tìm hiểu lý do tại sao một số loại virus gây ra cúm lại tập trung vào mùa đông. Ví dụ như mùa cúm ở Mỹ thường kéo dài từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm.

Nguyên nhân được các nhà khoa học chỉ ra là vào mùa đông con người thường tập trung trong nhà nên việc lây truyền từ người sang người trở nên dễ dàng hơn. Một vài nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng không khí khô và lạnh cũng có thể giúp virus tồn tại trong không khí lâu hơn và di chuyển xa hơn. Một nghiên cứu khác vào năm 2007 với các thử nghiệm trên chuột cũng cho thấy rằng nhiệt độ và độ ẩm cao làm chậm sự lây lan của virus cúm. Đặc biệt, ở môi trường độ ẩm rất cao thì virus ngừng lây lan hoàn toàn

Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng độ ẩm thấp vào mùa đông có thể làm suy giảm chức năng của chất nhầy trong mũi. Đây là cơ quan của con người dùng để ngăn chặn các yếu tố tác động từ bên ngoài như virus hoặc vi khuẩn. Không khí lạnh và khô có thể làm chất nhầy khô hơn và kém hiệu quả hơn trong việc 'bẫy virus'.

Nhưng Covid-19 có như cúm mùa hay không?

Mặc dù các loại virus Corona và cúm mùa đều gây nhiễm trùng đường hô hấp nhưng đến hiện giờ vẫn chưa có đủ thông tin rằng Covid-19 có phải là loại virus theo mùa hay không.

Để hiểu rõ hơn, các nhà khoa học đã xem xét lại ổ dịch Sars và Mers cách đây không lâu. Sars bắt đầu lây lan vào cuối năm 2002, có DNA giống tới 90% so với Covid-19. Tuy nhiên, dịch bệnh do virus Sars gây nên bùng phát từ tháng 11/2002 kéo dài đến tận tháng 7/2003. Điều này có nghĩa virus này không yếu đi nhiều khi thời tiết ấm hơn vào tháng 4 và việc ngăn chặn được nó chủ yếu nhờ sự can thiệp tích cực của con người.

Dịch bệnh do virus Mers gây nên được gọi chung là hội chứng hô hấp Trung Đông, bắt nguồn ở Saudi Arabia vào tháng 9/2012 - nơi thường có nhiệt độ cao. Nó cũng lây lan ra rất mạnh ở một số đất nước Trung Đông khác như Iran hay UAE. Như vậy, đây là một chủng virus Corona không yếu đi khi thời tiết ấm. Stuart Weston cho biết: 'Chúng tôi không thấy có quá nhiều bằng chứng về tính thời vụ của virus Mers'.

Như vậy, chúng ta chưa biết Covid-19 có phải là một loại virus theo mùa hay không. Tuy nhiên, 2 dịch bệnh do các loại virus Corona gây nên gần nhất đều dường như không phải cứ thời tiết ấm lên là sẽ suy giảm.

Nhà dịch tễ học Marc Lipsitch cho biết: 'Tôi không nghĩ rằng sự thay đổi thời tiết sẽ ảnh hưởng đến tốc độ lây lan của Covid-19'. Ngoài ra, ông cũng cho rằng nếu Covid-19 giống virus cúm thông thường, đến khi thời tiết bắc bán cầu ấm hơn thì nam bán cầu lại lạnh và nó lại lây đến nam bán cầu. Ông David Heymann đến từ Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London cho biết hiện tại chưa đủ thông tin về loại virus mới này có thay đổi trong các điều kiện thời tiết khác nhau hay không.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng Covid-19 nhiều khả năng trong tương lai sẽ gia nhập danh sách những loại virus Corona gây cảm lạnh nhẹ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nó sẽ trở thành mối nguy hại cho sức khỏe và trở thành một loại virus cúm mùa, tồn tại lâu dài với con người.

TiTi Theo National Geographic

Chủ đề khác