VnReview
Hà Nội

Bệnh nhân Covid-19 có thể tái nhiễm không?

Có một số trường hợp ở Trung Quốc và mới nhất một trường hợp ở Nhật Bản được xác nhận dương tính với Covid-19 lần thứ hai sau khi khỏi bệnh. Từ "tái nhiễm" virus corona được chạy thành tít báo, khiến dư luận không khỏi lo ngại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, thông tin về các vụ việc quá ít ỏi và chưa thể khẳng định đây là trường hợp tái nhiễm.

Hôm thứ Tư, nhà chức trách Nhật Bản đã báo cáo trường hợp tái nhiễm đầu tiên. Nữ hướng dẫn viên du lịch ở Osaka lần đầu tiên dương tính với coronavirus vào cuối tháng 1/2020, sau đó được điều trị cho đến khi có dấu hiệu hồi phục. Cô đã được xuất viện cách đây 3 tuần, nhưng rồi phải trở lại bệnh viện sau khi bị đau họng và đau ngực. Kết quả xét nghiệm cho thấy cô lại dương tính với Covid-19 một lần nữa.

Các quan chức y tế Osaka đặt ra hai giả thuyết, hoặc là SARS-CoV-2 còn sót lại trong người bệnh nhân đã nhân lên hoặc là cô đã bị một người khác lây nhiễm.

Các chuyên gia y tế đã đưa ra quan điểm về vấn đề này, VnReview.vn xin dịch lại để bạn đọc cùng tham khảo.

Bệnh nhân Covid-19 có thể tái nhiễm không?

Mark Harris, Giáo sư virus học, Đại học Leed (Anh quốc)

Các báo cáo rằng bệnh nhân xét nghiệm âm tính sau đó xét nghiệm lại dương tính rõ ràng là đáng quan tâm. Tôi cho rằng không chắc họ đã bị tái nhiễm khi đã loại bỏ hết virus, vì rất có thể cơ thể họ đã phát sinh phản ứng miễn dịch đối với virus, ngăn chặn việc tái nhiễm bởi cùng một loại virus như vậy.

Do đó, khả năng khác là trên thực tế bệnh nhân chưa hết sạch virus mà vẫn bị nhiễm liên tục. Mặc dù virus corona nói chung gây ra lây nhiễm tự hạn chế trong ngắn hạn, nhưng có một số bằng chứng trong tài liệu khoa học về lây nhiễm liên tục virus corona với động vật (chủ yếu ở dơi). Rõ ràng chúng ta cần thêm thông tin về những bệnh nhân này, chẳng hạn như có các điều kiện y tế tiềm ẩn hoặc thay đổi hoàn cảnh có thể cho phép virus thoát khỏi sự kiểm soát miễn dịch? Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu thêm về sinh học của virus corona mới. Hiện chúng ta còn đang ở giai đoạn rất sớm tìm hiểu về nó.

Paul Hunter, giáo sư dược học, Đại học East Anglia (UEA):

Về trường hợp bệnh nhân Nhật Bản này, còn có quá nhiều thông tin chúng ta chưa biết để có thể đưa ra ý kiến phù hợp. Có phải người phụ nữ này xét nghiệm âm tính sau lần cuối cùng dương tính không? Và bao nhiêu lần thử nghiệm âm tính trước khi người này được xuất viện lần đầu? Cô ấy có bất kỳ bệnh nền nào không hay cô ấy có đang phải điều trị bất kỳ bệnh nào có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch không?

Do đó, có hai khả năng:

1. Đây thực sự là một ca tái phát bệnh – có nghĩa là bệnh chưa khỏi hẳn, sau một thời gian tái lại bởi nguyên nhân cũ. Tình trạng này đã xảy ra đối với SARS, nhưng ở một số người đang được điều trị bằng steroid. Có khả năng bệnh là pha thứ hai như một số chuyên gia đã gợi ý, nhưng điều này dường như không phổ biến dựa trên thông tin hiện tại chúng ta có.

2. Quá trình bài tiết virus của bệnh nhân này kéo dài từ lần nhiễm ban đầu và các xét nghiệm không được thực hiện hoặc được thực hiện không đủ tốt, chưa đủ để xác nhận virus đã được loại thải hết. Dường như xét nghiệm virus đã thực hiện không đáng tin cậy 100%. Trong trường hợp này thậm chí triệu chứng đau họng gần đây có thể không liên quan. COVID-19 có xu hướng gây ra các triệu chứng đường hô hấp trên ít gặp hơn là SARS.

Tôi khuyến cáo rằng báo cáo về trường hợp Nhật Bản rất thiếu thông tin. Tuy nhiên, nó cũng củng cố cho một thực tế là chúng ta phải điều tra tất cả những phát hiện như vậy cực kỳ kỹ lưỡng và báo cáo những thông tin đó vì chúng ta phải đưa ra những quyết định tốt nhất dựa trên cơ sở khoa học. Ở thời điểm này, tôi phản đối việc thay đổi các hướng dẫn quản lý theo trường hợp này nhưng chúng ta cần phải luôn luôn theo dõi sát sao.

Giáo sư Rowland Kao, Sir Timothy O'Shea, giáo sư khoa dịch tễ học và khoa học dữ liệu, Đại học Edinburgh (Anh)

Giả sử như có khả năng chẩn đoán sai tối thiểu, các báo cáo về trường hợp Nhật Bản vẫn chưa rõ ràng là bệnh nhân có khả năng bị nhiễm lại hay không, hay là do lây nhiễm trước đó mới chỉ được xử lý một phần và virus còn tiềm ẩn. Trong cả hai khả năng, với số lượng các trường hợp được báo cáo cho đến nay, dường như đây không phải là điều xảy ra phổ biến và do đó chỉ có tác động nhỏ đến các dự báo dịch bệnh nói chung. Mối quan tâm lớn hơn có thể là những tác động đối với các biện pháp kiểm soát - thời gian cách ly có nên được kéo dài? Nó cũng làm cho việc theo dõi dấu vết tiếp xúc của bệnh nhân trở nên khó khăn hơn.

Bác sĩ Micheal Gardam, Bệnh viện Humber River (Toronto, Canada)

Rất khó đưa ra một ý kiến khoa học dựa trên chỉ một bản tin. Chúng ta cũng biết rằng các xét nghiệm phân tử có thể thực sự phát hiện ra con virus này trong một thời gian sau khi có triệu chứng. Vì vậy, với trường hợp cụ thể này, có thể do virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể và sau một thời gian, khả năng miễn dịch kém đi khiến nó tái phát. Nhưng như tôi nói ngay từ đầu, một bài báo chưa đầy đủ thông tin như vậy nên các giả thuyết đều là không có cơ sở.

Tuyên Quang tổng hợp từ Reuters, CBS, Medical News

Chủ đề khác