VnReview
Hà Nội

Tàu ngầm hạt nhân "xịn xò" của Hoa Kỳ cũng không thể trách khỏi bong tróc

Một trong những chiến hạm tấn công tối tân nhất của Hải quân Hoa Kỳ, USS Colorado, vừa trở về từ đợt triển khai hoạt động đầu tiên. Các bức ảnh chụp được cho thấy phần lớn lớp phủ tàng hình của nó đã bị bong ra.

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này xảy ra. Tháng 9 năm ngoái đã có người tố cáo một công ty đóng tàu của Hoa Kỳ làm sai lệch các thông số kiểm tra chất lượng trên lớp phủ tàng hình. Chưa rõ lý do có đến từ các bài kiểm tra chất lượng hay không, nhưng rõ ràng là các lớp phủ đang ở tình trạng khá tệ.

USS Colorado (SSN 788) là tàu ngầm lớp Virginia thứ 15 và là chiếc thứ 5 trong mẫu Block-III cải tiến. Nó được ra mắt vào ngày 17 tháng 3 năm 2018, vì vậy có thể coi là còn mới và đây chỉ mới là lần triển khai đầu tiên. Ngạc nhiên là SSN 778 được hoàn thiện tại một xưởng đóng tàu khác với nơi được nhắc đến trong vụ tố cáo. Điều này cho thấy vấn đề với lớp phủ tàng hình rất đáng lưu tâm.

Các lớp phủ tàng hình, được biết đến với khả năng cách âm, là một thách thức thật sự với kỹ thuật thiết kế. Chúng hoạt động bằng cách hấp thụ sóng âm từ các thiết bị định vị thủy âm (sonar), một công nghệ ;giúp phát hiện và theo dõi tàu ngầm. Các lớp phủ cần có khả năng chống chọi cực tốt với một số môi trường khắc nghiệt bậc nhất trên Trái đất. Thân tàu ngầm, mặc dù được làm từ thép siêu cứng, nhưng vẫn bị uốn cong khi tàu ngầm lặn sâu, tác động đến lớp phủ, bên cạnh đó nó còn phải chịu đựng sự thay đổi nhiệt độ.

Tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ thường có thời gian tuần tra lâu và trong điều kiện khắc nghiệt hơn hầu hết lực lượng hải quân các quốc gia khác, vậy nên vấn đề càng trở nên trầm trọng. Theo thông cáo báo chí chính thức, tàu Colorado đã phải thực hiện hành trình khoảng 39.000 hải lý trong suốt quá trình triển khai, gần bằng hai lần vòng quanh khắp thế giới.

Tàu USS Colorado (SSN 788) được cho là đã trải qua điều kiện khó khăn ở vùng biển phía bắc. Mặc dù tuyến đường và  hoạt động chính xác của tàu được bảo mật, nhưng có thông tin nó đã vượt qua Vòng Bắc Cực và thực hiện các chuyến thăm cảng tại căn cứ Haakonsvern ở Na Uy và Faslane ở Scotland.

Theo nhiều thông tin, khi chiếc tàu ngầm này đến Faslane vào ngày 10 tháng 1, người ta đã phát hiện các vết gỉ loang lổ ở lớp phủ. Ít nhất một phần nhỏ lớp phủ đã bong ra kể từ khi tàu rời Scotland.

Hải quân Hoa Kỳ không phải là lực lượng duy nhất gặp khó với lớp phủ tàng hình. Hải quân Hoàng gia Anh cũng gặp phải vấn đề này với cùng hành trình. Hải quân Nga, hoạt động ở vùng Bắc Cực khắc nghiệt, cũng chịu tình cảnh tương tự. Những thách thức càng trở nên trầm trọng hơn bởi lớp vỏ titan của một số tàu ngầm Nga dường như khiến lớp phủ tàng hình khó bám dính hơn.

Giang Vu

Chủ đề khác