VnReview
Hà Nội

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Bài báo đăng trên tạp chí quốc tế Nature năm 2017 viết về phòng thí nghiệm sinh học cấp độ cao nhất Vũ Hán, Trung Quốc, đã từng đặt ra mối quan ngại về vấn đề an toàn, bởi ở đây nghiên cứu, nuôi cấy những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới.

Đến đầu năm nay, ngay trên đầu bài viết này đã được các biên tập viên Nature cập nhật thông tin như sau: Nhiều bài viết gần đây đã đưa ra một thuyết âm mưu rằng phòng thí nghiệm Vũ Hán được đề cập trong bài viết này đóng vai trò trong vụ dịch virus corona bùng phát vào tháng 12/2019. Nature không biết bằng chứng nào cho thấy điều này là đúng; các nhà khoa học tin rằng nguồn gốc virus corona rất có thể là một chợ động vật.

Sở dĩ Nature phải nhấn mạnh như vậy là bởi sau khi dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, và hiện nay đang lan rộng ra toàn cầu, trừ Nam Cực, thì có thuyết âm mưu chính phòng thí nghiệm Vũ Hán đã tạo ra con virus này, như một vũ khí sinh học của Trung Quốc, và chẳng may đã để nó lọt ra ngoài và mất kiểm soát. Về vấn đề này, các nhà khoa học độc lập trên thế giới đã khẳng định đây không phải là virus nhân tạo.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán được xây dựng xa khu dân cư và đồng bằng ngập nước

Tuy nhiên, hẳn rất nhiều người muốn biết phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán hoạt động như thế nào? Làm những việc gì? Và vì sao nó bị tiếng oan đến vậy? Bài viết tổng hợp thông tin từ các nguồn báo quốc tế này sẽ giúp trả lời những câu hỏi đó.

Năm 2003, Dự án Phòng thí nghiệm Vũ Hán (Viện virus học Vũ Hán) trị giá 300 triệu nhân dân tệ (44 triệu USD) được triển khai. Phải sau hơn một thập kỷ, đến năm 2017, phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán chính thức được khánh thành và đi vào hoạt động, và là phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 4 (BSL-4) đầu tiên Trung Quốc.

BSL – 4, viết tắt của Biosafety Level 4, là cấp độ an toàn sinh học cao nhất, một tập hợp các biện pháp phòng ngừa diệt khuẩn cần thiết để cô lập các tác nhân sinh học nguy hiểm trong một phòng thí nghiệm kèm theo. Ở mức độ an toàn sinh học cao nhất, các biện pháp phòng ngừa có thể bao hệ thống luồng không khí, nhiều phòng chứa, thùng kín, bộ quần áo áp lực dương, thiết lập các giao thức cho tất cả các quy trình, đào tạo nhân sự rộng rãi và mức độ bảo mật cao để kiểm soát truy cập vào cơ sở.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán cách chợ hải sản, nơi được cho là bắt đầu bùng phát dịch virus corona mới, có khoảng 30km.

Phòng thí nghiệm tập trung vào kiểm soát các bệnh mới xuất hiện, lưu trữ virus tinh chế và hoạt động trong mạng lưới phòng thí nghiệm tham chiếu của WHO. Các nhân viên phòng thí nghiệm Vũ Hán đã được đào tạo tại phòng thí nghiệm BSL-4 ở Lyon (Pháp). Cơ sở này đã vận hành thử nghiệm bằng cách sử dụng một loại virus có nguy cơ thấp.

Dự án đầu tiên của phòng thí nghiệm Vũ Hán là nghiên cứu các mầm bệnh an toàn sinh học cấp độ 3 gây ra bệnh sốt xuất huyết Crimean-Congo, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trên toàn thế giới và có thể truyền sang người.

Phòng thí nghiệm này nghiên cứu mầm bệnh gây ra dịch SARS – loại mầm bệnh không cần đến phòng thí BSL-4, trước khi chuyển sang nghiên cứu virus Ebola và virus Lassa Tây Phi, là những loại mầm bệnh cần đến phòng thí nghiệm BSL-4.

Khoảng một triệu người Trung Quốc đang làm việc ở châu Phi nên Trung Quốc cho rằng cần phải sẵn sàng cho bất kỳ tình huống nào.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm được giám sát an ninh chặt chẽ.

Tuy nhiên, những phòng thí nghiệm như Vũ Hán thường gây tranh cãi. Phòng thí nghiệm BSL-4 đầu tiên ở Nhật Bản được xây vào năm 1981, nhưng chỉ nghiên cứu các mầm bệnh có nguy cơ thấp hơn khả năng nghiên cứu cho phép cho mãi đến năm 2015, khi những lo ngại về an toàn cuối cùng đã được giải tỏa. Việc mở rộng mạng lưới phòng thí nghiệm BSL-4 ở Mỹ và châu Âu suốt 15 năm qua – mỗi khu vực hiện có hơn 10 phòng thí nghiệm đang hoạt động hoặc được xây dựng– cũng vấp phải sự phản đối, trong đó có mối nghi ngờ liệu có cần phải xây nhiều phòng thí nghiệm cấp độ an toàn sinh học cao như vậy không.

Bài báo đăng trên Nature năm 2017 cho biết ngoài phòng thí nghiệm Vũ Hán, Trung Quốc còn mở rộng mạng lưới phòng thí nghiệm BSL-4 ở các địa phương khác như Bắc Kinh, Côn Minh, Cáp Nhĩ Tân, trong đó hai phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh, Côn Minh sẽ tập trung vào việc sử dụng mô hình khỉ để nghiên cứu về bệnh.

Nhưng một số nhà khoa học Mỹ không bị thuyết phục về sự cần thiết của nhiều phòng thí nghiệm BSL-4 ở Trung Quốc đại lục. Nhà sinh học phân tử Hoa Kỳ Richard H. Ebright nghi ngờ rằng động thái này là một phản của Trung Quốc đối với các mạng lưới phòng nghiên cứu sinh học ở Hoa Kỳ và châu Âu. Ông nói thêm các chính phủ sẽ cho rằng công suất vượt mức như vậy là dành cho sự phát triển tiềm năng của vũ khí sinh học.

Trong khi đó, ông Tim Trevan, nhà sáng lập công ty an toàn và bảo mật sinh học CHROME ở bang Maryland, Mỹ, nói đầu tư của Trung Quốc cho các phòng thí nghiệm BSL-4 có thể, hơn tất cả, là một cách để chứng minh với thế giới rằng đất nước này rất cạnh tranh. "BSL-4 là một biểu tượng sức mạnh trong ngành sinh học, bất kể sự cần thiết đến nó như thế nào", ông Trevan nói.

Một số hình ảnh hoạt động trong phòng thí nghiệm sinh học Vũ Hán:

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Bộ quần áo áp lực dương.

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Phòng thí nghiệm Vũ Hán - nơi nghiên cứu những mầm bệnh nguy hiểm nhất thế giới

Việt Quang

Chủ đề khác