VnReview
Hà Nội

Sống đến trăm tuổi và vẫn mạnh khoẻ, con người liệu có bao nhiêu cơ hội đó?

Gần đây, giữa lúc dịch cúm Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, tờ Guardian của Anh đăng tải một bài viết về một chủ đề thú vị và khá thời sự: tuổi thọ con người. Theo các thống kê và nghiên cứu khoa học trước khi xuất hiện dịch cúm Covid được đề cập trong bài, sống đến 100 tuổi sẽ sớm trở thành lệ thường về sống lâu.

Tuổi thọ trung bình ở Anh và các nước giàu nhất thế giới hiện nay là bao nhiêu? Điều gì đã giúp con người ngày nay sống lâu và khỏe mạnh hơn? Có loại thuốc nào giúp đảo ngược quá trình lão hóa không? Mời bạn đọc VnReview đến với phần 1 của loạt bài hai phần về cơ hội sống đến trăm tuổi mà vẫn khỏe mạnh.

Loạt bài lược dịch từ bài viết của Amelia Hill, phóng viên cao cấp của báo Anh Guardian.

Diễn biến dịch Covid-19: dự kiến 0 giờ ngày 3/3 dỡ bỏ phong tỏa xã Sơn Lôi

Diễn biến Covid-19 ngày 3/3/2020: Trung Quốc xuất hiện nhiều ca tái nhiễm!

Tuyệt chiêu để sống khỏe, kéo dài tuổi thọ

Sai lầm khi ăn tối vừa sinh bệnh vừa giảm tuổi thọ, rất nhiều người Việt mắc

PHẦN 1: CÁC CON SỐ TUỔI THỌ, BÍ QUYẾT SỐNG LÂU VÀ THUỐC CHỐNG LÃO HÓA

Những thống kê ấn tượng về tuổi thọ

Sống đến 100 tuổi sẽ sớm trở thành lệ thường về sống lâu. Kể từ năm 1840, tuổi thọ trung bình hay kỳ vọng sống (life expectancies) ở Vương quốc Anh mỗi năm đều tăng thêm ba tháng và mặc dù sự gia tăng này bắt đầu chậm lại từ năm 2011, người ta vẫn ước tính là hơn phân nửa trẻ sinh ở những nước giàu từ năm 2000 có thể ăn mừng sinh nhật thứ 100 của họ.

Những con số dưới đây là một sự gia tăng ấn tượng: đầu 1900, xác suất để một đứa trẻ sống tới 100 tuổi là 1%. Giờ đây, mỗi trẻ mới sinh ở Vương quốc Anh có 50% cơ hội sống tới 105 tuổi. Năm 1986, có 3.600 người sống qua một thế kỷ, hôm nay, con số đó là khoảng 15.000 người.

Bạn không cần phải là một đứa trẻ mới sinh để được hưởng lợi từ xu hướng tuổi thọ đang gia tăng. Ngày nay, một người 60 tuổi ở phương Tây có 50% cơ hội sống với 90 tuổi và một người 40 tuổi có thể kỳ vọng sống tới 95 tuổi.

Nhưng sự tăng trưởng tuổi thọ chưa dừng lại ở đó: thông thường, chúng ta đều đồng ý là "trần" tự nhiên cho cuộc sống con người là ở đâu đó khoảng 115 tuổi. Những người khác thì nói rằng, kể cả khi không có AI hiện đại nhất hay những trò phù thủy công nghệ khác, chúng ta vẫn có thể sống lâu hơn nhiều.

Các ý kiến được chia thành ba nhóm:

Những "người chủ trương thế giới bình đẳng" (leveller) nói rằng giờ đây chúng ta đã ở đỉnh cao của tuổi thọ con người.

Những "người suy luận" (extrapolator) lập luận rằng, công nghệ và giáo dục đã đạt được những bước nhảy lớn nhất nhưng có thể thúc đẩy chúng ta tới trần 120 tuổi trước khi ổn định mãi mãi.

Và những "người tăng tốc" - những người quyết định đánh bại lão hóa, là những người tin rằng, chúng ta đang trải qua những đột phá quan trọng trong nghiên cứu công nghệ và khoa học giúp gia tăng tuổi thọ, đưa chúng ta đến vương quốc bất tử.

(Ảnh: Amino Apps)

Điều gì đã giúp chúng ta sống lâu hơn nhiều?

Tuổi thọ trung bình đã gia tăng kể từ khi chúng ta giảm được tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong vào thế kỷ 19. Kinh tế, công nghệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục đã kết hợp cùng vaccine, sinh sản an toàn, các tiến bộ y khoa trong việc chăm sóc các bệnh nhân tim mạch, đột quỵ, tất cả cùng duy trì nhịp điệu tuổi thọ đang gia tăng không ngừng và ngày càng tăng mạnh hơn.

Tuy nhiên, từ năm 2011, sự gia tăng tuổi thọ trung bình bắt đầu chậm lại ở Anh và những người sống lâu ở hơn hai mươi quốc gia khác.

Trong vài thập kỷ qua, không có một thay đổi nào lớn trên bàn cờ sức khỏe hay y tế. Trong khi một số người cho rằng, chúng ta nên ăn mừng thời gian sống dài nhất mà con người từng đạt được, số khác cảnh báo rằng, nguy cơ bệnh tật do tuổi già và ốm yếu biến cuộc sống kéo dài thành sự xuống dốc đau đớn và chậm chạp.

Làm cách nào để tránh khỏi điều này? Làm cách nào để tôi có thể duy trì sức khỏe lâu hơn?

Trong bài luận về tuổi già De Senectute, Cicero đưa ra bốn lý do vì sao con người không muốn trả giá cho tuổi già:

- tuổi già khiến bạn ngưng làm việc

- tuổi già làm cho cơ thể bạn yếu đi

- tuổi già chối bỏ khoái lạc của bạn

- mỗi ngày là một bước đến gần hơn cái chết.

Rồi ông chứng minh vì sao mỗi luận điểm là sai. "Người già duy trì trí tuệ của họ khá tốt, miễn là họ tập thể dục cho chúng".

Marcus Tullius Cicero (106-43 trước công nguyên) là một triết gia, nhà văn, chính trị gia nổi tiếng người Hy Lạp, được xem là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất của cộng hòa La Mã cổ đại đã sụp đổ trước công nguyên. De Senectute là một bài luận do Cicero viết năm 44 trước công nguyên.

Dan Buettner thì đặt ra thuật ngữ "vùng xanh" cho năm khu vực mà ông xác định là có dân số sống khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn những nơi khác: Okinawa Nhật Bản, Sardinia ở Ý, bán đảo Nicoya ở Costa Rica, Loma Linda ở California và Ikaria ở Hy Lạp. Chế độ ăn của những người sống ở các khu vực này bao gồm hầu hết thực phẩm thuần thực vật được chế biến tối thiểu: ngũ cốc nguyên cám, rau xanh, hạt, củ, đậu. Trung bình họ ăn thịt năm lần mỗi tháng. Thức uống chủ yếu của họ là nước, trà thảo mộc, cà phê, một ít rượu. Họ không uống hoặc uống rất ít sữa bò.

Dan Buettner (sinh năm 1960) là một nhà thám hiểm người Mỹ, nhà báo của National Geographic, tác giả sách bán chạy của New York Times. Ông là người đã khám phá ra năm khu vực có người sống lâu nhất, khỏe mạnh nhất thế giới mà ông đặt tên chung là các vùng xanh (Blue Zones). Các bài báo của ông về năm khu vực này trên The New York Times và National Geographic là hai trong những bài báo được nhiều người đọc nhất của cả hai xuất bản phẩm trên.

Các nhà khoa học khác đã bổ sung thêm nhiều ý tưởng khác như: ngủ đủ giấc và ý thức về mục đích sống là quan trọng nhưng tập thể dục mới là chìa khóa - ít nhất 150 phút hoạt động thể chất trung bình hoặc 75 phút tập cường độ cao, cộng thêm hai buổi tăng cường cơ bắp mỗi tuần để gặt hái được các lợi ích tuổi thọ và sức khỏe.

Các nhà khoa học cũng cho rằng, nhiều phiên ngắn vận động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ, dọn dẹp nhà đã được chứng minh là giúp gia tăng tuổi thọ người già. Theo một nghiên cứu được công bố cuối tháng một vừa qua, chỉ đơn thuần di chuyển thay vì ngồi một chỗ 30 phút mỗi ngày cũng có thể gia tăng rủi ro chết sớm tới 17%. Còn theo một số nghiên cứu khác, các môn thể thao câu lạc bộ như tennis và bóng đá là tốt nhất cho tuổi thọ vì chúng đều khuyến khích tương tác xã hội, một thành phần sống còn khác của tuổi thọ.

Vận động và ăn uống một cách thông minh là bí quyết sống lâu, khỏe mạnh của cư dân ở các vùng xanh (Ảnh lấy từ sách Business Engagement in building healthy communities Workshop Summary 2015)

Có những ý tưởng nào khác giúp kéo dài cuộc sống khỏe mạnh?

Tại các hội nghị về tuổi thọ, giữa các giờ nghỉ buổi sáng, người ta thấy rõ lập tức là các bữa tiệc buffet phần lớn không được đụng tới, và mọi người uống trà và cà phê đen như mực, không thèm bỏ thêm sữa, dù chỉ là một giọt. Hầu hết những người tìm kiếm tuổi thọ nghiêm túc nhất cũng thực hành cả nhịn ăn gián đoạn lẫn nhịn ăn hạn chế calorie.

Tóm lại, phương pháp ở đây là ăn ít calorie đi 30%, nhịn ăn 16 giờ mỗi ngày, dù điều này có thể không phù hợp với các nhóm dễ tổn thương. Về cơ bản, nó có nghĩa là bỏ bữa sáng và không bù đắp bữa ăn bị bỏ qua trong cả ngày còn lại.

(Ảnh: Blue Zones)

Không có ai biết vì sao nhịn ăn gián đoạn lại hiệu quả. Phỏng đoán hay nhất là nhịn ăn có liên quan đến thay đổi chuyển hóa và sự kháng cự căng thẳng tế bào khiến cơ thể gia tăng sản xuất các chất chống oxy hóa.

Có vẻ như các nghiên cứu lặp lại trên chuột cách đây một thế kỷ đã chứng minh rằng nhịn ăn có hiệu quả, ít nhất là với chuột cống.

Cuối tháng 12 năm ngoái (2019), tạp chí y khoa New England (New England Journal of Medicine) sau khi xem xét tất cả nghiên cứu trong lĩnh vực này đã kết luận rằng, sự kết hợp nhịn ăn và giảm calo sẽ làm chậm sự lão hóa, gia tăng tuổi thọ, chống lại các rối loạn liên quan đến tuổi tác, trong đó có bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, rối loạn thần kinh như Alzheimer's, Parkinson's, đột quỵ. "Các mô hình động vật cho thấy nhịn ăn gián đoạn giúp cải thiện sức khỏe trong suốt cuộc đời", kết luận của nghiên cứu trên.

Theo nghiên cứu, vấn đề trong việc đánh giá hiệu quả của nhịn ăn với con người là "việc xác định liệu con người có thể duy trì nhịn ăn gián đoạn trong nhiều năm và có khả năng tích lũy lợi ích đã được chứng kiến trong các mô hình động vật hay không".

Có loại thuốc chống lão hóa nào không?

Các nhà khoa học Mỹ đang gây quỹ để khởi động một thử nghiệm lâm sàng 5 năm cho một sản phẩm mang tên metformin thường được kê đơn cho bệnh nhân tiểu đường và tiền tiểu đường. Những người ủng hộ việc kéo dài tuổi thọ cho rằng, metformin có thể có một hiệu ứng phụ làm chậm sự phát triển của các bệnh liên quan đến tuổi tác.

Giám đốc học viện Lão hóa thuộc trường y Albert Einstein ở New York, bác sĩ Nir Barzilai, cho biết:;"Nếu các thử nghiệm của chúng tôi đạt kết quả được kỳ vọng thì tôi tin rằng mọi người nên dùng loại thuốc này".

(Ảnh: Blue Zones)

Một dự án khác quy mô nhỏ hơn của bác sĩ Aubrey de Gray, chuyên gia lão khoa sáng lập Quỹ nghiên cứu Sens (Strategies for Engineered Negligible Senescence, các chiến lược đảo ngược lão hóa) thì đặt mục tiêu "đảo ngược lão hóa". "Sens đặt trọng tâm vào việc sửa chữa hư hỏng ở cấp độ tế bào và phân tử hơn là chỉ làm chậm sự gia tăng của nó", Guardian dẫn lại lời Gray. Gray cho rằng, sự chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh đến vô định sẽ đơn giản và hợp túi tiền: "Hầu hết sẽ là những mũi tiêm mỗi thập kỷ một lần".

Hết phần 1, mời bạn đọc xem tiếp phần 2: chiếc đồng hồ tiên tri tuổi thọ phiên bản mới nhất sắp ra mắt và những dự án theo đuổi giấc mơ trường sinh bất tử cho con người.

(Còn tiếp)

Linh Trần (Theo Guardian)

Chủ đề khác