VnReview
Hà Nội

Virus SARS-CoV2 có thể sống trong phòng và toilet nhưng chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là diệt được

Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Singapore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân và dọn dẹp môi trường sống để tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV2.

Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Singapore, bệnh nhân bị nhiễm virus SARS-CoV2 có thể làm lây nhiễm dịch bệnh ngay trong phòng ngủ, phóng tắm, vệ sinh của họ. Phát hiện này càng nhấn mạnh thêm việc cần thiết phải thường xuyên làm sạch các bề mặt như giường chiếu, bồn rửa mặt hay bồn cầu.

Mặt khác virus có thể bị tiêu diệt bằng cách làm sạch bề mặt 2 lần/ngày và làm sạch sàn hàng ngày bằng chất khử trùng. Điều này cho thấy, chỉ riêng việc sử dụng các biện pháp khử trùng bình thường đã đủ để phòng tránh virus, miễn là mọi người phải tuân thủ các nguyên tắc.

Nghiên cứu trên được thực hiện sau khi xuất hiện các trường hợp bệnh nhân lây nhiễm cho các nhân viên y tế ở bệnh viện tại Trung Quốc.

Tình trạng trên khiến các nhà khoa học tin rằng, ngoài việc lây nhiễm qua ho, ô nhiễm môi trường cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ truyền bệnh trong cộng đồng.

Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm quốc gia về bệnh truyền nhiễm và Phòng thí nghiệm quốc gia DSO của Singapore đã thử phân tích trường hợp của 3 bệnh nhân bị cách ly trong phòng từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 để kiểm chứng giả thuyết liên quan đến môi trường ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV2.

Nhóm đã thu thập các mẫu xét nghiệm từ phòng của 3 người này trong khoảng thời gian hai tuần. Phòng của một bệnh nhân được lấy mẫu trước khi dọn dẹp. Trong khi phòng của hai bệnh nhân còn lại được lấy mẫu sau khi thực hiện các biện pháp khử trùng.

Bệnh nhân ở trong phòng được lấy mẫu trước khi dọn dẹp có triệu chứng nhẹ nhất trong 3 người khi chỉ bị ho. Hai người còn lại có triệu chứng vừa phải, bao gồm ho và sốt. Một người bị khó thở và người còn lại bị ho ra dịch nhầy.

Các vị trí được dọn dẹp và làm sạch gồm ghế, lan can, giường, cửa sổ kính, sàn nhà và công tắc đèn. Nhóm nghiên cứu sau đó phát hiện thấy sự tồn tại của virus ở 3 trong 5 vị trí của nhà vệ sinh, gồm bồn rửa, tay nắm cửa và bồn cầu. Trước đó đã có nhiều bằng chứng cho thấy, virus SARS-CoV2 có thể lây nhiễm qua phân.

Các mẫu không khí tuy xét nghiệm âm tính nhưng các mẫu phẩm lấy từ cửa xả khí lại cho ra kết quả dương tính với virus. Nói cách khác, virus có thể di chuyển theo các luồng không khí và đọng lại trên các lỗ thông hơi trong phòng.

Việc rửa tay và vệ sinh cá nhân ngay sau khi tiếp xúc với mọi thứ ở môi trường công cộng là thói quen tuy đơn giản nhưng vô cùng hữu ích để phòng chống lây nhiễm virus

Nhóm tác giả chia sẻ: "Ô nhiễm môi trường là cực kỳ nguy hiểm vì các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 qua các giọt văng ra từ hệ hô hấp và phân. Điều này cho thấy môi trường là một phương thức lây truyền tiềm năng. Do đó chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt việc vệ sinh môi trường và bàn tay".

Viurs SARS-CoV2 lần đầu được phát hiện tại Vũ Hán, Hồ Bắc vào cuối tháng 12/2019. Virus này sau đó đã lây lan ra khắp thế giới và khiến hơn 95 ngàn người nhiễm bệnh ở 81 quốc gia. Đặc biệt số người chết tính tới nay đã lên tới 3,2 ngàn người.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác