VnReview
Hà Nội

Gần một nửa bãi biển trên thế giới sẽ biến mất vào năm 2100

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng có thể đe dọa xóa sổ khoảng một nửa bãi biển trên thế giới trước năm 2100.

Đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change, một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu thuộc Ủy ban Châu Âu (EC) khẳng định, ngay cả khi chúng ta giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiên liệu hóa thạch và ngăn được hiện tượng nóng lên toàn cầu thì hơn 1/3 bờ biến trên hành tinh có thể biến mất vào năm 2100. Thậm chí vào năm 2050, một số đường bờ biển có thể không còn nhìn thấy nữa.

Đây chắc chắn sẽ là cú giáng mạnh vào ngành du lịch của các nước phụ thuộc vào du lịch biển.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Michalis Vousdoukas cho biết: "Ngoài du lịch, các bãi biển thường đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên trước bão và lũ lụt. Nếu như không còn các bờ biển cát nữa, tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ khủng khiếp hơn bao giờ hết".

Một số quốc gia như Mỹ đã lên kế hoạch xây dựng các hệ thống phòng thủ bờ biển ở nhiều bang. Nhưng ở hầu hết các quốc gia, việc bảo vệ các bờ biển như vậy là không khả thi.

Các quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất từ tình trạng nước biển xâm thực và các bãi biển biến mất là Úc, Canada, Chile, Mỹ. Trong đó, Úc chịu ảnh hưởng nặng nhất với gần 15 ngàn km bờ biển có thể bị chìm dưới nước biển trong vòng 80 năm tới. Các quốc gia khác bao gồm Mexico, Trung Quốc, Nga, Argentina, Ấn Độ và Brazil.

Các bãi biển có cát chiếm hơn 1/3 bờ biển toàn cầu và thường nằm ở các khu vực đông dân cư. Việc xây dựng nhiều công trình mới, tình trạng nước biển dâng hoặc trầm tích từ các con sông có thể làm xói mòn các bờ biển này và đe dọa sinh kế, cơ sở hạ tầng.

Để đánh giá tốc độ và số lượng bờ biển có thể bị biến mất, Vousdoukas và các đồng nghiệp đã phân tích xu hướng dựa trên hình ảnh vệ tinh thu thập suốt 3 thập kỷ, từ năm 1984. Từ đó, họ dự đoán tốc độ biến mất của các bãi biển theo hai kịch bản biến đổi khí hậu.

Trường hợp xấu nhất khi lượng khí thải CO2 không giảm và nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ngày càng tăng. Trong khi đó, kịch bản ít nghiêm trọng hơn là khi nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt ngưỡng 3 độ C, tức vượt 1 độ C so với gới hạn 2 độ C trong hiệp định Paris 2015.

Hồi tháng 9/2019, nhóm cố vấn khoa học của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc cảnh báo, mực nước biển có thể dâng cao khoảng nửa mét vào năm 2100 nếu theo kịch bản lạc quan. Trong khi trường hợp xấu nhất có thể lên tới 84cm.

Mặc dù vậy nhiều nhà khoa học khí hậu cho rằng, những ước tính này có phần bảo thủ và chưa chuẩn xác.

Jeffrey Kargel, một nhà khoa học cao cấp tại Viện nghiên cứu hành tinh ở Tucson, Arizona, cho biết: "Ở các vùng đồng bằng Châu Á, nơi có hàng trăm triệu người đang sinh sống, trầm tích từ sông băng tan chảy ở dãy Himalaya có thể tái tạo lại các bể chứa cát ở dưới hạ lưu. Trong khi khoảng 1/4 các bãi biển có cát ở V.Q Anh sẽ dần thu hẹp lại khoảng 100 mét tùy thuộc vào tốc độ băng tan ở hai cực".

Michalis Vousdoukas, một nhà hải dương học ven biển và là nhà khoa học tại Ủy ban châu Âu, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã xem xét ngưỡng 100 mét vì nếu xói mòn vượt quá 100 mét, điều này có nghĩa rằng, bãi biển sẽ biến mất vì hầu hết các bãi biển trên thế giới thậm chí còn hẹp hơn 100 mét".

Thật không may khi hầu hết các nhà khoa học đều lựa chọn kịch bản xấu nhất cho tình trạng tan băng ở Nam Cực và Greenland.

;Tiến Thanh

Chủ đề khác