VnReview
Hà Nội

Cái giá thực sự của những sứ mệnh vũ trụ NASA

Chúng ta, đúng hơn là Mỹ phải tốn bao nhiêu tiền để khám phá vũ trụ bao la rộng lớn ngoài kia?

Bức ảnh "Earthrise" nổi tiếng của Apollo 8.

Kể từ khi thành lập vào năm 1958, NASA đã đạt được nhiều kỳ tích khoa học ngoạn mục. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ đã 6 lần đưa con người đặt chân lên Mặt Trăng, đưa các phòng thí nghiệm lên bề mặt Sao Hỏa và bay qua mọi hành tinh trong Hệ Mặt Trời, bao gồm cả hành tinh lùn Ceres.

Mặc dù gặt hái được nhiều thành tựu về khoa học và công nghệ trong hàng thập kỷ, một số người vẫn cho rằng đầu tư cho NASA là một sự lãng phí tiền bạc. Tuy nhiên, khi thực hiện các phép tính cụ thể, hóa ra chúng ta lại đang nhận được một giá trị thực sự rất lớn từ cơ quan vũ trụ này.

Những gì NASA mang lại

Đầu tiên, sự tồn tại của NASA một phần khởi nguồn từ Chiến tranh Lạnh. Sau khi vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik của Liên Xô ra đời vào năm 1957, Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower nhận ra rằng quốc gia của mình đang thụt lùi trong cuộc đua không gian.

Vì vậy, ngày 29 tháng 7 năm 1958, NASA được ra đời. Vào lúc ký Đạo luật Không gian, Tổng thống Eisenhower đã tuyên bố như thế này về chương trình mới: "Có rất nhiều khía cạnh của công nghệ vũ trụ và không gian có thể hữu ích cho tất cả mọi người khi mà Hoa Kỳ tiến hành chương trình thám hiểm không gian hòa bình. Mọi người đều có cơ hội để đóng góp trí tuệ vào hành trình phiêu lưu phía trước".

Kể từ khi ra đời đến nay, NASA đã cho thế giới thấy viễn cảnh mới về loài người và chỗ đứng của chúng ta trong vũ trụ. Sau khi nhiệm vụ Apollo 8 gửi về bức ảnh "Earthrise" nổi tiếng, chúng ta đã có thể lần đầu tiên nhìn thấy chính mình từ ngoài vũ trụ, một quả bóng màu xanh tuyệt đẹp. Sau đó, vào ngày lễ tình nhân năm 1990, tàu vũ trụ Voyager 1 hoạt động ngoài Hệ Mặt Trời đã chụp bức ảnh "chân dung gia đình" đầu tiên về Hệ Mặt Trời. Lần này, từ nơi cách xa 3.7 tỷ dặm, con người thật bé nhỏ, chỉ là hạt bụi giữa các vì sao. Chính ở khoảnh khắc này mà nhiều thập kỷ sau, khi trẻ em được hỏi chúng muốn làm gì khi lớn lên, câu trả lời sẽ là: một phi hành gia! Giấc mơ này tồn tại bởi sự xuất hiện của NASA.

Hình ảnh Sao Diêm Vương tuyệt đẹp, độ phân giải cao.

Năm 2006, thế giới lại một lần nữa cùng trông đợi về chuyến thám hiểm không gian của tàu vũ trụ New Horizons đến Sao Diêm Vương. Luôn là kẻ "núp bóng" trong Hệ Mặt Trời, và chỉ được phát hiện vào năm 1930, con người đã từng không biết hình thù Sao Diêm Vương, cách chúng ta 3 tỷ dặm, trông như thế nào.

Vào ngày 14 tháng 7 năm 2015, dường như cả thế giới đều dừng lại, mọi người đua nhau đăng tải trạng thái trên Twitter, Facebook, nhảy nhót sung sướng trên đường phố khi loài người hoàn thành một sứ mệnh thật tuyệt vời. Hành trình 9 năm kết thúc, tàu thám hiểm chạm đến hệ thống Diêm Vương Tinh, mọi thứ còn đáng ghi nhận hơn những gì từng tưởng tượng.

Cái giá của sự sợ hãi và kinh ngạc

Được truyền cảm hứng từ khoa học và khám phá là một trong những phần thỏa mãn nhất của con người. Nhưng thám hiểm không hề miễn phí, đặc biệt là trong lĩnh vực không gian. Đâu là cái giá của nó?

Kể từ khi chương trình Apollo kết thúc vào năm 1972, năm 2015, NASA hoạt động với trung bình 0.5% tổng ngân sách Hoa Kỳ. Nó còn chưa đạt tới con số 1% tổng số 3 nghìn tỷ USD của Hoa Kỳ vào năm 2014. Mặc dù, có vẻ như nó vẫn ngốn rất nhiều kinh phí, nhưng hãy thử so sánh với sự khởi đầu của chương trình Apollo.

Năm 1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã yêu cầu NASA phải đưa con người lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập kỷ. Tại thời điểm đó, mỗi công dân Mỹ đang trả 20 USD mỗi năm cho NASA. John F. Kennedy muốn nâng con số đó lên 26 USD một năm để giúp NASA hoàn thành sứ mệnh của mình. Nếu quy đổi theo giá trị tiền tệ vào năm 2015, ngân sách thời đại của Apollo tương đương với mỗi người Mỹ trả hơn 200 USD một năm cho cơ quan này. Nếu NASA vẫn nhận được lượng tiền tài trợ như thế vào năm 2015, thì ngân sách của họ sẽ lên tới 65 tỷ USD mỗi năm, tuy nhiên thực tế chỉ là 17.5 tỷ USD. Vào năm 2014, mỗi người Mỹ chỉ trả trung bình 54 USD mỗi năm cho NASA.

Số tiền đó được trải đều trên nhiều dự án khác nhau. Vì vậy, mặc dù robot thám hiểm tự hành Curiosity có mức giá khổng lồ lên tới 2.6 tỷ USD, mỗi công dân Mỹ chỉ phải trả khoảng 0.41 USD mỗi năm để có thể đưa được chiếc robot có kích thước tương đương một chiếc SUV này lên Sao Hỏa.

Chi phí thực tế đối với các nhiệm vụ của NASA.

Kể từ năm 1972, ngân sách của NASA không tăng lên, thậm chí bị cắt giảm khoảng 75% và cứ giữ nguyên như vậy trong suốt 42 năm. Dù ngân sách thời đại của Apollo được cho là không bền vững, nhưng nó đặt ra câu hỏi là điều gì có thể mong đợi nếu NASA một lần nữa được hỗ trợ tài chính mạnh mẽ hơn.

Cắt giảm ngân sách đã trì hoãn sự phát triển của Chương trình Phi hành đoàn Thương mại (Commercial Crew Program), khiến các phi hành gia không thể khởi hành từ Mỹ một lần nữa. Trong thời gian này, các phi hành gia của Mỹ buộc phải tiếp tục "đi nhờ" trên tàu vũ trụ Soyuz của Nga.

Ngân sách của NASA gần như không thay đổi trong những thập kỷ gần đây.

Những điều gì đang chờ đợi phía trước?

Mặc cho cuộc chiến ngân sách vẫn đang diễn ra, NASA vẫn tiếp tục thực hiện tốt các công việc khoa học của mình.

Sổ nhật ký hành trình thám hiểm tiếp sau đó của NASA là bay qua vệ tinh Europa. Nhiệm vụ đến Mặt Trăng băng giá của Sao Mộc đã tạo nên rất nhiều hứng thú đối với các nhà sinh vật học. Bởi vì vệ tinh Europa có lượng nước trong đại dương nhiều hơn tất cả nguồn nước trên Trái Đất cộng lại, vì thế nó có khả năng của sự sống.

Nhiệm vụ đưa con người lên Sao Hỏa vào năm 2030 cũng là điều mà các nhà khoa học tại NASA đang cố gắng thực hiện.

Sẽ không còn "khoảnh khắc Apollo" nào nữa

Mọi người đều thừa nhận sẽ khó lòng có một "khoảnh khắc Apollo" nào nữa cho chương trình không gian của NASA. NASA có thể sẽ không bao giờ nhận được khoản tài trợ kinh phí họ từng có như giai đoạn John F. Kennedy đặt tầm nhìn đối với Mặt Trăng. Và cũng có lẽ sẽ không có một cuộc Chiến tranh Lạnh nào khác. Tuy vậy, vẫn luôn tồn tại câu hỏi: Còn gì nữa ngoài vũ trụ kia?

Con người chỉ mới loay hoay bới tìm phần nổi của Hệ Mặt Trời – vẫn còn rất nhiều nghi vấn và những câu hỏi thậm chí chúng ta còn không biết để đặt ra. Cái giá của sự hiểu biết là rất nhỏ và để mọi người trên toàn thế giới cảm thấy được kết nối với những nhiệm vụ phóng tên lửa thám hiểm, hạ cánh robot viễn thám, một bức ảnh hay một bước chân ngoài không gian là vô giá.

Giang Vu theo Popsci

Chủ đề khác