VnReview
Hà Nội

70 triệu năm trước, một ngày trên Trái Đất chỉ kéo dài 23 giờ 30 phút

Một ngày trọn vẹn trên Trái Đất không phải thời đại nào cũng kéo dài 24 tiếng.

Một nghiên cứu mới được công bố gần đây tiết lộ một ngày trên hành tinh của chúng ta từng chỉ kéo dài khoảng 23 tiếng 30 phút. Phát hiện này dựa trên nghiên cứu vỏ hóa thạch của một loài nhuyễn thể đã chết cách đây 70 triệu năm.

Bằng cách kiểm tra chi tiết các yếu tố sinh trưởng cũng như dựa trên mức độ phát triển của vỏ nhuyễn thể, các nhà nghiên cứu có thể tính toán được số ngày trong một năm. Cụ thể, thời điểm các động vật thân mềm này tồn tại, khoảng 70 triệu năm trước, một năm dài đến… 372 ngày thay vì 365 ngày như hiện tại và mỗi ngày ngắn hơn khoảng nửa giờ.

Kết quả của nghiên cứu được công bố trên trên tạp chí Paleoceanography and Paleoclimatology của Liên minh Địa vật lý Mỹ, cho biết Trái Đất quay nhanh hơn ở 70 triệu năm trước. Sự khác biệt là không quá lớn, tuy nhiên lại đáng chú ý với cuộc sống hiện đại.

Bạn đã từng cảm thấy một ngày quá ngắn chưa? Vậy nếu như rút ngắn nó thêm 30 phút nữa? Vâng, nghe chẳng có gì là thú vị cả.

Các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận dựa trên chất lượng của hóa thạch và hình ảnh có độ phân giải cao của các vòng sinh trưởng. Các nhà khoa học có thể quan sát vòng sinh trưởng riêng biệt theo từng ngày, cung cấp một bản ghi chi tiết thực tế về chu kỳ ngày / đêm của các sinh vật sống. Vỏ sò phát triển nhanh hơn vào ban ngày và sự tăng trưởng đó chậm lại vào ban đêm.

"Chúng tôi ghi lại khoảng 4 đến 5 cơ sở dữ liệu mỗi ngày, đó là thứ mà bạn gần như không bao giờ có được trong lịch sử địa chất", theo Neils de Winter, người chịu trách nhiệm chính của nghiên cứu. "Về cơ bản, chúng tôi có thể quan sát được một ngày cách đây 70 triệu năm diễn ra như thế nào. Điều này thật sự quá tuyệt vời".

Phát hiện trên đã mở ra một "cánh cổng thời gian" thú vị ngược về Trái Đất thời quá khứ và cung cấp cho các nhà khoa học những kiến thức bổ sung về một lĩnh vực khác của nghiên cứu: mối liên hệ giữa Mặt Trăng và Trái Đất. Thời gian một năm của Trái Đất vẫn duy trì tương đối ổn định trong hàng tỷ năm, nhưng độ dài của ngày đã thay đổi theo thời gian. Điều này có thể bắt nguồn từ lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác động lên nước biển trên hành tinh của chúng ta, làm chậm dần vòng quay của Trái Đất trong hàng trăm triệu năm.

Đồng thời, hàng năm Mặt Trăng đang dần tách khỏi Trái Đất. Sự thay đổi này khá nhỏ, chưa đến 2 inch mỗi năm, nhưng vẫn có thể đo lường được. Để khiến cho lượng dữ liệu ngày nay khớp nối với các quan sát lịch sử là cả một thách thức, nhưng càng nhiều thông tin tham khảo có được thì càng hữu ích đối với các nhà khoa học. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch sử dụng cùng một kỹ thuật để xác định niên đại của các hóa thạch khác và tìm hiểu nhiều hơn về những thay đổi độ dài một ngày hiện tại trong xuyên suốt lịch sử của Trái Đất.

Giang Vu

Chủ đề khác