VnReview
Hà Nội

Bí ẩn: Số ca COVID-19 ở châu Phi ít đến không tưởng

Các chuyên gia vẫn chưa biết tại sao có quá ít số ca nhiễm loại virus mới này được báo cáo ở châu Phi, mặc dù Trung Quốc – nơi khởi điểm của virus – là đối tác thương mại hàng đầu của lục địa này, và bản thân châu Phi cũng có dân số lên đến 1,3 tỷ người.

chauphi

Trong khi con số chính thức về các ca bệnh ở Ai Cập đã tăng vọt từ 2 lên 59 trong đợt cuối tuần qua, bao gồm 33 người từng đi tàu du lịch sông Nile, thì trên toàn châu Phi, số ca bệnh vẫn khá thấp.

Tính đến sáng thứ Ba tuần này, chỉ có 95 ca bệnh được chính thức xác nhận tại lục địa đen, dù hai quốc gia – Togo và Cameroon – đều đã thông báo có ca bệnh đầu tiên hồi cuối tuần qua. Vấn đề lây lan tại châu Phi được đặc biệt chú ý bởi hệ thống y tế được đánh giá là khá kém ở một số quốc gia trong khu vực, và từ trước đến nay, châu Phi đã luôn phải đối mặt với những vấn đề y tế công lớn, đặc biệt là sốt rét, TB, và HIV.

Tổ chức Y tế Thế giới đã nhanh chóng hỗ trợ cho các quốc gia châu Phi trong việc xét nghiệm virus, đồng thời huấn luyện cho các chuyên gia y tế tại đây phương thức chăm sóc những bệnh nhân bị lây nhiễm. Chỉ có Senegal và Nam Phi là có các phòng thí nghiệm với khả năng xét nghiệm virus corona tính đến cuối tháng 1, nhưng hiện nay, con số này đã nâng lên mức 37.

Mary Stephen làm việc cho WHO, đang sống tại Brazzaville (Cộng hòa Congo), cho biết cô tin rằng số ca bệnh được báo cáo ở châu Phi là chính xác, bởi đã có hơn 400 người được xét nghiệm COVID-19 trên toàn châu Phi cho đến lúc này. "Tôi không cho rằng đó là con số đánh giá thấp", cô nói.

"Luôn có khả năng bỏ qua các ca bệnh, và ở Anh người ta đã luôn thừa nhận điều đó", Mark Woolhouse thuộc Đại học Edinburg, Anh, nói. Nhưng xét việc nhận thức của người dân và cán bộ y tế tại châu Phi đã được nâng cao, thì việc không hề có số ca tử vong nào liên quan đến virus corona tại lục địa này cho thấy chưa có đợt bùng dịch lớn nào được phát hiện, theo nhận định của anh. "Nếu có những đợt bùng dịch lớn, với quy mô như Italy hay Iran đang có, xảy ra ở bất kỳ đâu ở châu Phi, tôi nghĩ là số ca tử vong sẽ tăng lên ngay".

Khi được hỏi liệu có phải số ca bệnh ít có phải vì khả năng phát hiện bệnh kém, hay virus đơn giản là chưa lây lan sang nhiều quốc gia châu Phi, David Heymann thuộc Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London của Anh (LSHTM) nói đơn giản: "Không ai trả lời được câu hỏi đó cả".

Jimmy Whitworth tại LSHTM nói rằng anh không nghĩ chúng ta có thể biết tại sao số ca bệnh lại quá thấp như vậy, nhưng có một lý do hợp lý là các quốc gia đã thực hiện các biện pháp cách ly hiệu quả. Hầu hết các ca bệnh ở châu Phi đều không phải về từ Trung Quốc, mà là từ châu Âu. Bốn quốc gia châu Phi đã thực hiện cách ly đối với các du khách từ các điểm nóng virus corona. Không như các ca nhiễm virus, số lượng người bị cách ly không được tiết lộ.

Nhìn ra rộng hơn, Whitworth nói rằng rất nhiều nỗ lực giám sát nhằm phát hiện virus tại các sân bay và các tuyến đường nhập cảnh khác đã được thực hiện, dưới sự định hướng của WHO và các Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ và châu Phi. Ví dụ, Rwanda đã tuyển dụng nhiều sinh viên y khoa năm cuối để thực hiện việc kiểm tra giám sát tại các sân bay.

Vittoria Colizza tại Đại học Sorbonne (Pháp), tác giả một nghiên cứu về khả năng lây nhiễm COVID-19 tại các quốc gia châu Phi, cho biết có rất nhiều yếu tố kết hợp cùng nhau đã góp phần cho ra số ca bệnh rất thấp.

Một lý do đơn giản là thuộc về bản chất của virus: nhiều người đã nhiễm bệnh có thể đang du lịch, nhưng không có các triệu chứng biểu hiện ra ngoài. Theo cô, một số lý do khác có thể bao gồm khả năng dự báo các ca bệnh mới thấp, không đủ khả năng thực hiện theo dõi và giám sát chủ động…

chauphi

Phân tích của Colizza về 300 ca bệnh đầu tiên về từ Trung Quốc cho thấy khoảng 60% số người bị nhiễm bệnh đã bị bỏ qua bởi quy trình phát hiện bệnh. Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi Ashleigh Tuite tại Đại học Toronto (Canada) cho thấy số ca bị bỏ lỡ tại Italy dao động trong khoảng 27 – 75%, bao gồm cả các ca bệnh về từ nước ngoài và các ca bệnh truyền nhiễm trong cộng đồng.

WHO nói rằng "hầu hết" trong số 37 quốc gia tại châu Phi có khả năng xét nghiệm hiện nắm trong tay từ 100 – 200 bộ kit xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ cần thêm rất nhiều bộ kit nữa khi các ca bệnh bắt đầu lây lan, nhưng dù sao đây cũng là một khởi đầu tốt. "Có ít còn hơn là không có gì " – Woolhouse nói.

Các quốc gia châu Phi vừa có nguy cơ lẫn khả năng đề kháng cao hơn đối với virus corona. Một mặt, dân số ở lục địa đen trẻ hơn nhiều so với châu Âu và Trung Quốc. Độ tuổi trung bình của người dân ở Anh là 40,2 và ở Trung Quốc là 37, nhưng ở Nigeria – quốc gia đông dân nhất châu Phi – chỉ là 17,9 mà thôi. "Nếu bạn xem các con số thông kê từ Trung Quốc, những người có tiên lượng xấu nhất là những người lớn tuổi, chứ không phải những người trẻ tuổi", Stephen nói.

Tuy nhiên, các hệ thống y tế của nhiều quốc gia châu Phi lại dễ "bể trận" hơn – theo lời Stephen. "Nếu đại dịch xảy ra, nó sẽ khiến các hệ thống y tế sụp đổ", Heymann nói.

Nguy cơ lớn ở đây chính là việc phải đối phó với một đợt bùng dịch corona sẽ vô tình khiến các hệ thống y tế phân tâm đối với các dịch bệnh khác đang lan tràn ở khu vực này, bao gồm dịch sốt rét và sởi – Woolhouse nói. Anh nhắc đến đợt bùng dịch Ebola hồi năm 2014 – 2016, dẫn đến cái chết của hàng ngàn người vì các tài nguyên y tế buộc phải san sẻ ra để đối phó với các dịch bệnh khác.

Minh.T.T;theo NewScientist

Chủ đề khác