VnReview
Hà Nội

Ca "siêu lây nhiễm" SARS-CoV2 là gì? Làm sao để phát hiện được họ?

Bệnh nhân siêu lây lan là nguồn lây nhiễm dịch Covid-19 cực kỳ nguy hiểm và chúng ta cần phải hiểu rõ những người này là ai.

Tờ Washington Post đưa tin, một doanh nhân người Anh có khả năng nhiễm virus SARS-CoV2 ở Singapore. Người này sau đó du lịch tới Pháp, Thụy Sỹ và Anh. Và người này sau đó được mệnh danh là ca "siêu lây nhiễm" khi lây nhiễm cho ít nhất 11 người.

Người đàn ông, Steve Walsh cho biết, anh ta đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19 vào hôm thứ Ba (10/3). Tính đến nay, Covid-19 đã xuất hiện ở hơn 110 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó Trung Quốc là nơi có số ca nhiễm nhiều nhất, lên tới 80,7 ngàn người. Ý là quốc gia có số ca nhiễm lớn thứ hai với 15,1 ngàn người.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), Covid-19 lây lan từ người sang người qua dịch hô hấp, ví dụ như ho, hắt hơi. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra cách thức lây nhanh khủng khiếp của virus SARS-CoV2 hiện nay.

Bệnh nhân siêu lây nhiễm là gì?

Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins và là thành viên của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ chia sẻ với CNBC, người siêu lây lan là thuật ngữ chung ám chỉ một ai đó có thể lây nhiễm cho rất nhiều người cùng lúc. Nói cách khác tác nhân siêu lây lan là người có khả năng lây nhiễm rộng hơn so với người bình thường bị nhiễm.

Một người được coi coi là siêu lây lan còn tùy thuộc vào chủng virus hoặc tỷ lệ lây nhiễm thông thường của nó. Ví dụ trong đợt bùng phát Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hồi năm 2003, chỉ số lây nhiễm trực tiếp cho 2,75 người khác được gọi là R-0. Trong khi đó một tác nhân siêu lây nhiễm có thể lây trực tiếp cho 10 hoặc nhiều người hơn.

Còn với SARS-CoV2, các chuyên gia cho rằng, chỉ số lây nhiễm trực tiếp ở người bình thường là 1,5 đến 3,5 người khác. Nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể xác định ngưỡng lây nhiễm của một tác nhân siêu lây lan.

Điều gì khiến một người trở thành "tác nhân siêu lây lan"?

Robert Amler, trưởng khoa nghiên cứu Khoa học Y tế và Thực hành Y tế thuộc Đại học Y New York, đồng thời là cựu giám đốc y tế tại CDC cho biết, các yếu tố khiến một người trở thành bệnh nhân siêu lây lan rất phức tạp.

Một số liên quan đến yếu tố sinh học nhưng cũng có thể do yếu tố địa lý và môi trường. Một người có thể sản sinh ra nhiều virus hơn so với người khác hoặc bị nhiễm một chủng virus có khả năng lây lan nhanh và dễ dàng, từ đó lây nhiễm cho nhiều người hơn. Hoặc nếu ai đó có hệ thống miễn dịch bị tổn thương từ trước, họ sẽ khó phục hồi hơn so với những người khác.

Một khả năng khác là những nơi họ sinh sống hoặc di chuyển đến là những khu vực có mật độ dân cư đông đúc. Điều này tạo cơ hội cho họ tiếp xúc và lây nhiễm cho nhiều người hơn.

Ví dụ trong đợt dịch SARS, 5 bệnh nhân siêu lây nhiễm có nguồn gốc từ một bệnh viện, trong đó có một bác sĩđã ở trong một khách sạn. Và Walsh cũng bị lây nhiễm virus SARS-CoV2 trong một cuộc hội nghị kinh doanh ở Singapore, sau đó phát tán khi anh ta đi du lịch tới một khu nghỉ mát ở Pháp.

Amler cho biết, bệnh nhân siêu lây lan chỉ là một phần trong số những người có khả năng lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Nhưng họ là những người có thể lây cho nhiều người nhất sau khi tiếp xúc. Do đó việc phát hiện càng sớm càng tốt các ca siêu lây nhiễm này là một trong những biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng khắp.

Nhìn chung các bệnh nhân siêu lây lan không quá phổ biến. Nhưng cách bảo vệ tốt nhất vẫn là tự mình bảo vệ bản thân trước các nguy cơ dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người cần thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường và tiếp xúc nơi đông người. Đặc biệt, mỗi người cần làm quen với việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có 60% cồn. Khi ho hoặc hắt hơi hãy sử dụng khăn giấy để che lại.

Nếu gặp ai có biểu hiện nghi nhiễm cần tránh xa và yêu cầu họ tới cơ sở y tế để khám chữa kịp thời.

Mai Huyền

Chủ đề khác