VnReview
Hà Nội

WHO thúc giục: Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm

Nỗi sợ hãi virus corona khiến ở Hoa Kỳ chứng khoán sụt giảm lịch sử, đóng cửa biên giới và phá vỡ cuộc sống hàng ngày trên khắp thế giới.

Theo Reuters, thị trường tài chính đã trải qua ngày tồi tệ nhất trong 30 năm qua bất chấp hành động khẩn cấp của các ngân hàng trung ương toàn cầu để cố gắng ngăn chặn suy thoái kinh tế, với thị trường chứng khoán Mỹ giảm 12% xuống còn 13%, làm bốc hơi hàng nghìn tỷ đô la giá trị thị trường.

Chỉ một tháng trước, thị trường tài chính đã đạt mức cao kỷ lục với giả định rằng dịch bệnh phần lớn sẽ chỉ ở Trung Quốc và không gây ra sự gián đoạn vượt quá những gì đã thấy như sự bùng phát virus Ebola, SARS và MERS trước đó. Hiện tại trên thế giới có 180.000 trường hợp nhiễm và hơn 7.000 trường hợp tử vong.

Canada, Chile và các quốc gia khác đã đóng cửa biên giới với du khách. Peru triển khai các nhân viên quân sự đeo khẩu trang đứng chặn các con đường lớn, trong khi Ireland đã phát động một chiến dịch tuyển dụng thêm nhân viên y tế. Các hãng hàng không phải cắt giảm các chuyến bay, cắt giảm nhân công và yêu cầu chính phủ cho vay hàng tỷ đô la và các khoản trợ cấp khác.

Trái ngược với phần lớn thế giới, Mexico và Brazil vẫn tổ chức các cuộc mít tinh chính trị lớn và Vương quốc Anh vẫn để học sinh đến trường.

WHO kêu gọi thế giới: Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus

Hôm qua, 16/3, các tiểu bang Hoa Kỳ đã khẩn cầu chính quyền Trump phối hợp ứng phó quốc gia với dịch bệnh, nói rằng các biện pháp chắp vá chính quyền tiểu bang và địa phương ban hành là không đủ để đối đầu với tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh đã giết chết ít nhất 74 người Mỹ.

Vài giờ sau, Tổng thống Donald Trump kêu gọi người Mỹ tạm dừng hầu hết các hoạt động xã hội trong 15 ngày và không tụ tập trong các nhóm lớn hơn 10 người trong một nỗ lực mới tích cực nhằm giảm sự lây lan của coronavirus.

Gọi virus rất dễ lây lan này là "kẻ thù vô hình", ông Trump dự đoán rằng đợt bùng phát tồi tệ nhất có thể kết thúc vào tháng 7, tháng 8 hoặc muộn hơn và cảnh báo suy thoái kinh tế là có thể xảy ra.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tất cả các nước tăng cường các chương trình xét nghiệm là cách tốt nhất để làm chậm sự lây lan của đại dịch.

"Chúng tôi có một thông điệp đơn giản tới tất cả các quốc gia rằng - thử nghiệm, thử nghiệm, thử nghiệm", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo ở Geneva hôm qua. "Tất cả các quốc gia sẽ có thể xét nghiệm tất cả các trường hợp nghi ngờ. Họ không thể chống lại đại dịch nếu không xét nghiệm được ai nhiễm, ai không nhiễm".

Tại Ý, hôm qua ghi nhận có 349 người chết, nâng tổng số ca tử vong do virus corona lên tới 2.158 trong số gần 28.000 trường hợp nhiễm - số người chết hàng ngày còn khủng khiếp hơn cả con số Trung Quốc báo cáo vào lúc cao điểm.

Một số quốc gia đã cấm các cuộc tụ họp đông người như các sự kiện thể thao, văn hóa và tôn giáo để chống lại dịch bệnh. Tây Ban Nha và Pháp, nơi các ca nhiễm và tử vong đã bắt đầu tăng với tốc độ chỉ sau vài ngày so với Ý, đã áp đặt lệnh hạn chế vào cuối tuần qua.

Dubai, trung tâm kinh doanh và du lịch của Trung Đông cho biết họ sẽ đóng cửa tất cả các quán bar và café cho đến cuối tháng Ba. Thái Lan có kế hoạch đóng cửa trường học, quán bar, rạp chiếu phim và các đấu trường kick boxing nổi tiếng.

Các chuyên gia y tế công cộng ở Hoa Kỳ và các nơi khác đang hy vọng các biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh lan truyền, không gây áp lực quá tải lên các bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe như đã xảy ra ở Ý.

Thủ tướng Giuseppe Conte của Ý nói với nhật báo Corriere della Sera rằng dịch bệnh vẫn đang trở nên tồi tệ hơn, mặc dù thống đốc của vùng Bologna, khu vực phía bắc đã phải chịu đựng điều tồi tệ nhất, cho biết ông đã nhìn thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự chậm lại.

Ủy ban Olympic quốc tế sẽ hội đàm với người đứng đầu các tổ chức thể thao quốc tế vào hôm nay, trong bối cảnh nghi ngờ Thế vận hội Tokyo 2020 bắt đầu vào ngày 24 tháng 7 có thể diễn ra.

Tuấn Phan

Chủ đề khác