VnReview
Hà Nội

Covid-19 có thể giảm tốc độ lây lan vào mùa hè, nhưng chưa hết hẳn

Bằng chứng về việc nền nhiệt độ và độ ẩm cao có thể ngăn chặn dịch bệnh vẫn đang được các nhà khoa học hết sức quan tâm.

Một trong những ẩn số lớn về đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn cầu là cách virus SARS-CoV2 phản ứng ra sao với thời tiết ấm dần hơn.

Trong một cuộc họp với các thống đốc hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng: "Virus sẽ biến mất vào tháng 4". Nguyên nhân có thể vì ông đã nghe đâu đó thông tin cho rằng, viurs SARS-CoV2 nhạy cảm với nhiệt độ cao.

Tuy nhiên sự khẳng định một cách quá tự tin của ông Trump đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà virus học và những người chuyên kiểm chứng thông tin. Hầu hết các bệnh về đường hô hấp như cúm và các chủng virus rhovirus và coronavirus đều gây ra cảm lạnh thông thường. Đơn giản bởi chúng thường dễ dàng lây hơn trong điều kiện khô, lạnh của những tháng mùa đông. Nhưng không thể nói chắc rằng, Covid-19 sẽ biến đổi ra sao vào mùa hè và cuối mùa xuân.

Đồng thời đã có những bằng chứng cho thấy, nhiệt độ và độ ẩm cao tạo ra sự khác biệt về khả năng virus có thể lây nhiễm số lượng lớn. Thông tin này đem lại niềm hy vọng rằng, mùa hè có thể là lúc dịch bệnh được kiểm soát ở Bắc bán cầu.

Chúng ta không thể mô phỏng điều kiện mùa hè ở các quốc gia đang trong những tháng mùa đông. Nhưng chúng ta có thể mô phỏng ở các quốc gia gần xích đạo, nơi khí hậu trung tính hơn.

Có một số bằng chứng gợi ý rằng, Iran, nơi chiếm tới gần 90% số ca nhiễm Covid-19 tại Trung Đông vì phần lớn lãnh thổ nước này nằm trên cao nguyên và có khí hậu gần giống với các quốc gia ở phương Bắc.

Đồng thời một số quốc gia Đông Nam Á có mối liên kết chặt chẽ về cả kinh doanh lẫn du lịch với Trung Quốc lại ghi nhận ít ca hơn đáng kể, ngay cả khi hệ thống y tế công cộng tại các quốc gia Đông Nam Á không thể bằng các quốc gia phương Tây.

Một nghiên cứu được đăng tải trên trang MedRxiv mới đây đã ghi nhận các trường hợp cho thấy mối tương quan đáng kể giữa các đại dịch và thời tiết. Các nhà nghiên cứu tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Phần Lan cho biết, trong điều kiện thời tiết cực đoan như cực kỳ lạnh hoặc rất nóng, ẩm ướt, virus hầu như không thể xuất hiện. Có nghĩa là người dân ở các vùng khí hậu nhiệt đới và vùng cực hiếm khi bị mắc các bệnh lây nhiễm nguy hiểm.

Trong khi đó các khu vực khô cằn và đặc biệt các nước ở vùng ôn đới hoặc khu vực nằm ở các vĩ độ cao, gần xích đạo sẽ có tỷ lệ nhiễm bệnh cao hơn. Khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 luôn chứng kiến tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh chậm hơn ở các nước Châu Âu và Bắc Mỹ.

Hay như một nghiên cứu khác của 4 nhà khoa học Trung Quốc đăng tải trên trang arXiv đã đưa ra kết luận tương tự sau khi phân tích tỷ lệ lây nhiễm ở 100 thành phố tại Trung Quốc. Tỷ lệ lây nhiễm được gọi là R0. Đây là yếu tố chính quyết định xu hướng lây nhiễm. Đối với dịch Covid-19 hiện tại, tỷ lệ lây nhiễm ước tính khoảng 2,2. Nhưng nếu tỷ lệ này xuống dưới 1 cộng với dịch bệnh được kiểm soát tốt, dịch có thể biến mất.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, sẽ làm giảm tỷ lệ R0 thêm 0,0383 và độ ẩm tăng 1% sẽ đẩy nó xuống 0,0224. Những thông tin này đặc biệt quan trọng tại những nơi có mùa hè nóng và ẩm ướt. Trong trường hợp Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra như dự kiến, R0 trong thành phố có thể sẽ xuống mức dưới 1 trong điều kiện mùa hè điển hình tại quốc gia này.

Kết quả nghiên cứu trên có thể không quá ngạc nhiên, bởi lẽ cơ chế khiến cúm và cảm lạnh lây lan nhanh hơn trong mùa đông là điều dễ hiểu. Nó dường như liên quan đến cách các hạt virus có thể hoạt động trên các bề mặt nút thang máy, tay nắm cửa lâu hơn trong điều kiện thời tiết dễ chịu. Và một điều cũng cần chú ý rằng, cổ họng của con người thường nhạy cảm hơn với không khí lạnh và khô khi hít thở. Và nếu chúng ta tụ tập tại những nơi ấm áp thì bệnh tật sẽ dễ dàng lây lan trong thời tiết mùa đông.

Tuy nhiên cần phải nói rằng, virus SARS-CoV2 không đơn giản như nhiều người nghĩ. Nó có cách phản ứng rất khác nhau với thời tiết và không giống bất kỳ loại virus nào trước đây.

Đừng quá lạc quan vào việc SARS-CoV2 sẽ biến mất vào mùa hè?

Đơn giản bởi hai nghiên cứu trên vẫn dựa chủ yếu vào máy tính và không phải là nghiên cứu bao quát nhất.

Người ta nghĩ rằng virus dễ lây lan hơn khi không khí khô vào mùa đông. Nhưng theo một nhóm nghiên cứu khác, độ ẩm dường như không ảnh hưởng nhiều đến virus SARS-CoV2. Họ đã phát hiện thấy virus lây lan ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Trung Quốc, từ miền bắc khô, lạnh đến miền nam ấm áp và ẩm ướt. Và một số nước như Singapore và Việt Nam cũng có kiểu thời tiết nóng ẩm.

Một lý do khác khiến đại dịch Covid-19 sẽ khó có thể biến mất dễ dàng trong năm nay. Mark Lipsitch, giám đốc Trung tâm truyền nhiễm thuộc Đai học Harvard cho biết: "Virus mới có thể sẽ tạm thời biến mất nhưng quan trọng rất ít hoặc không có nhiều cá nhân trong quần thể miễn dịch với chúng". Điều đó có nghĩa là không có nhiều cơ sở để đẩy lùi virus này vĩnh viễn ngay cả khi điều kiện thời tiết bất lợi với chúng.

Lipsitch cho biết thêm, nếu virus chậm lây lan hơn vào mùa hè thì nó có thể quay trở lại vào mùa thu. Và có lẽ là nhiều mùa thu sau đó. Tùy thuộc vào thời gian miễn dịch kéo dài ở những bệnh nhân bị nhiễm và hồi phục, Covid-19 có thể trở thành một dịch bệnh theo mùa và thường xuyên thăm viếng con người. Chính vì vậy, công tác phát triển vắc-xin và có một phác đồ điều trị hiệu quả là ưu tiên quan trọng nhất lúc này.

Trên hết ngay cả khi nhiệt độ cao giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng nhưng nó không giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ở hầu hết các quốc gia dù có thời tiết nóng hay lạnh lúc này, sẽ rất khó để kiềm chế tỷ lệ R0 xuống dưới mức 1 nếu như không có biện pháp cách ly và sớm tìm ra vắc-xin.

Nhưng trong trường hợp xấu nhất, khi nó lan qua các khu vực dân cư có thu nhập thấp ở Châu Phi và Đông Nam Á, nơi không có đầy đủ dịch vụ y tế, mọi thứ có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Tất nhiên đây chỉ là dự báo và có thể kiểm soát được hay không phụ thuộc rất nhiều vào năng lực ứng phó trước các thảm họa tự nhiên và dịch bệnh của các nước đó.

Đơn cử như Việt Nam là một quốc gia có năng lực ứng phó khá tốt trước các dịch bệnh và thiên tai nên khả năng dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng không lớn như các quốc gia Châu Âu và Châu Mỹ, vốn có cơ sở y tế hiện đại nhưng khá chủ quan trong công tác phòng chống lây nhiễm cộng đồng.

Tiến Thanh theo Bloomberg

Chủ đề khác