VnReview
Hà Nội

Xe tăng King Tiger của Đức Quốc xã: Vũ khí tối thượng hay Thùng rỗng kêu to?

King Tiger (Konigstiger) - hay còn gọi là Tiger II - là thế hệ tiếp theo của Tiger I, mẫu xe tăng nổi tiếng nhất của Đức Quốc xã trong Đệ nhị thế chiến.

nazi

Với lớp vỏ dày và nòng đại bác "khủng" 88mm, xe tăng Mark VI - hay Tiger I - nhanh chóng trở thành một cái tên mà ai cũng phải ái ngại trên chiến trường.

Được thiết kế làm xe tăng bộc phá chuyên đảm nhận nhiệm vụ xuyên thủng hàng rào phòng thủ của địch, và được bố trí vào một loạt các tiểu đoàn tăng hạng nặng đặc biệt, xe tăng Tiger I, nặng 60 tấn, có đầy đủ mọi thứ khiến kẻ thù khiếp sợ: hỏa lực, giáp, và đối với một phương tiện được sản xuất vào đầu những năm 1940 nhưng đã nặng ngang ngửa chiếc tăng M-1 Abrams hiện nay, Tiger I có tốc độ di chuyển khá nhanh. Hình dáng vuông vức, trông như một tòa lâu đài, và nòng súng dài còn khiến Tiger I trông nguy hiểm hơn bao giờ hết. Nhưng các tướng và các chuyên gia thiết kế vũ khí của Hitler vẫn chưa hài lòng. Chủ nghĩa cầu toàn của dân Teuton đã ăn sâu vào đầu óc của tầng lớp sỹ quan Đức Quốc xã, và họ bắt đầu phàn nàn rằng khẩu súng KwK 36 của Tiger I không phải là phiên bản mạnh mẽ nhất của khẩu đại bác 88mm. Thậm chí trước cả khi Tiger I được tung ra chiến trường, vẫy vùng trong những khu đầm lầy gần Leningrad trong một cuộc tấn công được xem là thất sách vào tháng 9/1942, Đức Quốc xã đã bắt đầu nghiên cứu phát triển Tiger II.

Được đặt tên là Konigstiger (King Tiger), xe tăng Tiger II nặng 75 tấn, lớn hơn hẳn so với thế hệ trước. Khẩu đại bác 88mm mang mã hiệu KwK 43 của nó, với nòng dài hơn (cho vận tốc đạn bay cao hơn), có thể xuyên thủng lớp giáp dày 5-inch từ khoảng cách 2km. Với những chiếc tăng như Sherman hay T-34, vốn có lớp giáp trước chỉ khoảng 2-inch, chẳng lạ khi chiếc Tiger ngoại cỡ kia không khác gì một "ông kẹ".

Tiger II còn được trang bị nhiều cải tiến so với Tiger I. Chiếc Tiger nguyên bản có giáp đứng thay vì giáp nghiêng vốn hiệu quả hơn trong việc tăng độ dày của giáp trên chiếc T-34 và sau này là German Panther. King Tiger có lớp giáp nghiêng tối ưu, dày 6-inch ở mặt trước. Tháp pháo của nó có thể xoay 360 độ trong vòng 19 giây, so với 60 giây trên Tiger I vốn quá chậm, về lý thuyết có thể cho phép một chiếc Sherman hoặc T-34 với tốc độ di chuyển nhanh có thể lẩn ra đằng sau chiếc Tiger I mà súng của nó không thể theo kịp.

Giống như một gã cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp, Tiger II nhanh nhẹn hơn nhiều so với vẻ ngoài cục mịch. Nó có thể di chuyển trên đường với vận tốc khoảng 25 dặm/giờ, so với khoảng 30 dặm/giờ của Sherman và T-34. Tốc độ chạy băng đồng của Tiger II vào khoảng 10 dặm/giờ, so với khoảng 20 dặm/giờ của hai chiếc tăng đối thủ. Tác giả Thomas Jentz, một nhà sử học chuyên về tăng Tiger, đã viết rằng mặc cho kích cỡ của nó, Tiger II có tính di động tác chiến tốt đến đáng ngạc nhiên. Không như chiếc German Maus vô dụng nặng 200 tấn, vốn không thể chạy qua được nhiều cây cầu ở châu Âu, King Tiger có một thiết kế linh động hơn.

Nhưng chiếc tăng Đức được sáng chế vào nửa sau cuộc Đệ nhị thế chiến, như Tiger và Panther, nổi tiếng vì có thiết kế phức tạp và tỉ mỉ về mặt cơ khí. Giống như bất kỳ món vũ khí tinh vi nào khác, Tiger II gặp những vấn đề về độ tin cậy, đặc biệt dưới bàn tay của những tài xế tăng thiếu kinh nghiệm, được huấn luyện hời hợt trong quân đội Đức ở cuối cuộc chiến. Nhưng nếu được điều khiển bởi một nhóm giàu kinh nghiệm và có sự hỗ trợ hậu cần đầy đủ, Tiger II là một chiếc tăng khá đáng tin cậy. Vấn đề là vào thời điểm King Tiger được tung ra chiến trận ở Normandy vào tháng 7/1944, thứ Đức Quốc xã thiếu nhất lại là những đội tăng kinh nghiệm, được huấn luyện bài bản, nhiên liệu, cũng như sự hỗ trợ về mặt hậu cần.

nazi

Xe tăng Tiger II (King Tiger)

Điều đó đặt ra cho chúng ta một câu hỏi: King Tiger có phải một chiếc tăng tốt? Giống như mọi loại vũ khí, câu trả lời là: còn tùy. Khi xét đến 3 tiêu chuẩn của một chiếc tăng – hỏa lực, giáp, và tính di động – Tiger II có những con số khá ấn tượng. Nó tốt hơn đối thủ Mỹ - chiếc American M-26 Pershing nặng 66 tấn với giáp yếu hơn. Một so sánh thú vị hơn là giữa King Tiger với chiếc tăng IS-2 Stalin của Soviet. Có rất nhiều dữ liệu và ý kiến trái chiều về cuộc đối đầu này, dù rằng trong một lần chạm trán giữa một đội quân IS-2 và King Tiger vào tháng 8/1944, đã có 10 xe tăng ở cả hai bên bị tiêu diệt hoặc hư hỏng. Một lỗi của IS-2, vốn sở hữu nòng súng 122mm mạnh mẽ mà về lý thuyết có thể xuyên thủng tháp pháo với giáp dày của King Tiger ở khoảng cách 1 dặm, là tần số khai hỏa thấp và lượng đạn trữ trên xe cũng bị giới hạn. Nếu cuộc chiến tiếp diễn đến năm 1946, King Tiger có lẽ đã gặp được đối thủ xứng tầm: chiếc xe tăng Centurion của Anh, một trong những chiếc tăng thành công nhất trong lịch sử và vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, số liệu thống kê nói lên nhiều điều nhất là trong khi Liên bang Soviet sản xuất gần 3.900 chiếc IS-2, Đức chỉ cho ra lò 492 chiếc Tiger II. Soviet đã tạo ra hơn 108.000 xe tăng, và Mỹ là 88.000, bởi Đệ nhị Thế chiến chẳng khác gì một cuộc chạy đua sản xuất trong đó các nhà máy tiêu thụ nguyên vật liệu ở một tốc độ kinh hoàng. Chỉ nắm trong tay chưa đến 500 chiếc King Tiger, thì dù chúng mạnh mẽ đến đâu đi nữa, Đức Quốc xã cũng không thể thay đổi được cục diện chiến tranh.

Khá buồn cười là, "kẻ săn mồi" nguy hiểm nhất đối với King Tiger không phải là những chiếc tăng khác, mà là máy bay ném bom Lancaster của Không lực Hoàng gia (RAF). Quân đội Đức đã đặt hàng 1.500 chiếc Tiger II, nhưng trận càn của RAF vào các nhà máy của Henschel đã khiến quá trình sản xuất bị gián đoạn. Một chiếc Tiger I có giá 250.000 Reichsmark (đồng Mác Đức thời đó), tức gấp từ 2 – 3 lần so với những chiếc tăng Đức nhỏ hơn như Panther hay Mark IV. Nếu Đức chọn sử dụng những chiếc tăng nhẹ hơn với số lượng lớn hơn, đặc biệt là chiếc Panther, thì kết cục của họ sẽ khác? Nước Mỹ ở thời điểm hiện tại khá thích những món vũ khí đắt đỏ như hàng không mẫu hạm và máy bay chiến đấu F-35, thì chúng ta có thể hiểu tại sao Đức thời đó lại thích Tiger II đến vậy.

nazi

Xe tăng Tiger II (King Tiger)

Vũ khí là những món đồ mà tính hữu dụng phụ thuộc lớn vào hoàn cảnh sử dụng. Một chiếc tăng hoạt động tốt trong một bối cảnh, có thể thất bại trong một bối cảnh khác. Vào thời điểm Tiger II lần đầu xung trận ở Normandy vào tháng 7/1944, Đức đã rơi vào thế phòng thủ. Những chiếc tăng lớn như King Tiger sẽ là những pháo đài di động nếu được bố trí hợp lý trong các tình huống phục kích. Nhưng trong những cuộc tiến công ở những con đường hẹp, băng giá mà Tiger II tham gia trong trận Bulge, những chiếc tăng cồng kềnh, nặng nề, ăn nhiên liệu như uống nước lã có thể trở thành một gánh nặng. Một vấn đề với cả Tiger I và II là chúng quá lớn khi so với những chiếc tăng Đức khác, đến nỗi thứ duy nhất có thể kéo một chiếc Tiger bị hỏng về trại là một chiếc Tiger khác. Khi quân đội Đức rút về phía Đông và Tây, khá nhiều những con quái vật khổng lồ như vậy đã bị bỏ lại, hoặc tệ hơn nữa là bị chính những binh sỹ từng lái chúng cho nổ tung.

Những chiếc tăng hạng nặng như King Tiger là minh chứng cho thấy Đức Quốc xã đã đi vào ngõ cụt. Sau 1945, nhiều quốc gia chuyển sang phát triển loại tăng chiến đấu có vừa đủ hỏa lực và giáp để phá vỡ hàng phòng thủ của kẻ địch, như những chiếc tăng hạng nặng trước đây, trong khi vẫn đủ tính di động để tận dụng những thời cơ chớp nhoáng như những chiếc tăng cỡ trung, khối lượng nhẹ.

Và những tháng ngày oai hùng của Tiger đã trôi qua như thế…

Minh.T.T (theo NationalInterest)

Chủ đề khác