VnReview
Hà Nội

Chúng ta có thể trở nên miễn nhiễm với nCoV không?

Bạn hoàn toàn có thể miễn nhiễm với virus corona chủng mới (nCoV), chí ít là trong một khoảng thời gian. Điều này đã mở ra cơ hội để thực hiện các thí nghiệm và phương pháp điều trị mới.

Với con số gần 450 nghìn người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu và hơn 1 tỷ người khác đang phải cách ly tại nhà, các nhà khoa học đang vật lộn với câu hỏi lớn nhất trong cuộc chiến này: Những người bình phục sau khi nhiễm có khả năng miễn dịch virus này hay không?

Một bệnh nhân nhiễm virus corona sau khi hồi phục đã hiến huyết tương tại Trung tâm Máu Hải Nam ở Trung Quốc hồi tháng 2 (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Câu trả lời là có, nhưng chỉ khi hội đủ các điều kiện, mà một số điều kiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Đây là một vấn đề rất quan trọng vì nhiều lý do khác nhau.

Ví dụ như những người được xác nhận có khả năng miễn nhiễm với dịch bệnh có thể rời khỏi nhà và giúp tăng cường lực lượng lao động cho đến khi có vaccine. Đặc biệt là những nhân viên chăm sóc y tế có khả năng miễn dịch có thể tiếp cận những ca bệnh nghiêm trọng hơn để điều trị.

Sự phát triển hệ miễn dịch trong cộng đồng cũng là cách để ngăn chặn một dịch bệnh: càng ít người có nguy cơ nhiễm bệnh, thì virus corona càng đánh mất khả năng lây lan của mình và ngay cả những người có nguy cơ nhiễm cũng được tách khỏi chúng.

Khả năng miễn dịch cũng có thể mang lại phương pháp điều trị nhanh chóng hơn. Kháng thể có trong những người đã hồi phục sau khi nhiễm Covid-19 có thể được sử dụng trong điều trị những ca nghiêm trọng.

Ngày 24/3, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược Mỹ (FDA) đã thông qua việc sử dụng huyết tương từ những ca nhiễm Covid-19 đã hồi phục để chữa trị cho những ca nghiêm trọng. Một ngày trước đó, Thống đốc Andrew M. Coumo thông báo rằng New York sẽ trở thành nơi đầu tiên bắt đầu thử nghiệm chữa trị Covid-19 bằng huyết thanh từ những bệnh nhân đã được chữa khỏi.

"Đây là phương pháp thử nghiệm cho những bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng, cơ quan y tế New York đã làm việc với những bệnh viện tốt nhất và chúng tôi nghĩ kết quả sẽ rất hứa hẹn",ông Cuomo nói.

Lớp phòng thủ đầu tiên của cơ thể trước sự xâm nhập của virus là một kháng thể có tên là immunoglobulin M, nhiệm vụ của kháng thể này là giám sát cơ thể và cảnh báo hệ miễn dịch khi có virus hay vi khuẩn xâm nhập.

Nhiều ngày sau khi nhiễm bệnh, hệ miễn dịch sẽ chuyển đổi kháng thể này thành dạng thứ hai, có tên là immunoglobulin G, kháng thể này có cấu trúc chuyên biệt để phát hiện và vô hiệu hóa một virus cụ thể.

Quá trình này có thể mất đến một tuần lễ; cả quá trình sản sinh và tính hiệu quả của kháng thể là khác nhau đối với mỗi người. Có người có thể tạo ra kháng thể chống nhiễm trùng rất tốt, cũng có những người có kháng thể kém hiệu quả hơn.

Các kháng thể được tạo ra để ngăn chặn sự xâm nhập của một số loại virus, như bại liệt hoặc bệnh sởi, sẽ tạo nên khả năng miễn dịch suốt đời cho con người. Tuy nhiên, các kháng thể chống lại các loại virus cúm thông thường lại chỉ có thể tồn tại từ một đến ba năm và điều này cũng tương tự với virus Covid-19 mới xuất hiện gần đây.

Một nghiên cứu virus corona mới trên loài khỉ cho thấy khi một con bị nhiễm, cơ thể nó sẽ tạo ra kháng thể vô hiệu hóa và ngăn chặn sự lây lan virus. Những đến nay, chúng ta vẫn chưa rõ kháng thể chống Covid-19 cả ở khỉ và người có thể tồn tại trong bao lâu.

Vineet D. Menachery, nhà nghiên cứu virus tại Đại học Y Texas tại Galveston, cho biết đa số người nhiễm bệnh SARS, do một loại virus họ hàng gần với virus Covid-19 gây ra, có khả năng miễn dịch với virus này từ 8 đến 10 năm.

Tiến sỹ Menachery cũng cho biết với những người đã từng được chữa khỏi virus MERS, cũng thuộc họ corona, lại có thời gian miễn dịch ngắn hơn. Những người đã được chữa khỏi bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 gây ra sẽ có khả năng miễn dịch ít nhất là từ một đến hai năm, "chúng ta chưa thể đoán được nó có kéo dài hơn hay không".

Dù vậy, nhà vi trùng học tại Trường Y khoa Icahn (New York), Florian Krammer cho biết kể cả khả năng miễn dịch không dài và có khả năng tái nhiễm, lần thứ hai mắc bệnh sẽ ở mức độ nhẹ hơn lần đầu.

Thậm chí sau khi cơ thể ngừng sản sinh kháng thể, một tập hợp các tế bào lưu trữ của hệ miễn dịch có thể tái kích hoạt lại phản ứng của hệ miễn dịch một cách hiệu quả.

"Cơ thể của bạn có thể có phản ứng miễn dịch tích cực trước cả khi xuất hiện các triệu chứng bệnh lần hai và giúp rút ngắn quá trình điều trị",tiến sỹ Krammer cho biết.

Ngoài ra, còn một câu hỏi là với những bệnh nhân chỉ có các triệu chứng nhẹ thì có đủ mạnh để tạo ra hệ miễn dịch cho đến khi có vaccine không.

Tiến sỹ Marion Koopmans, nhà virus học tại Đại học Erasmus (Rotterdam), và đồng sự của cô đã quan sát phản ứng sinh kháng thể ở 15 bệnh nhân nhiễm Covid-19 và các nhân viên y tế.

Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng mẫu máu từ 100 người đã từng nhiễm một trong bốn loại virus corona gây bệnh cúm thông thường để tạo ngân hàng mẫu.

Nếu những mẫu trên thể hiện phản ứng miễn dịch với Covid-19 thì chúng ta có thể giải thích tại sao một số người, ví dụ như trẻ em, lại chỉ có các triệu chứng nhẹ, tiến sỹ Koopmans nói. Có thể họ đã có kháng thể với với các virus thuộc họ corona nên ít nhất một trong số kháng thể có phản ứng chống lại virus corona mới.

Cách tốt nhất để đánh giá khả năng miễn dịch là xét nghiệm máu để tìm kháng thể có trong máu của những người đã hồi phục. Nhưng trước hết là chúng ta phải có bộ kiểm tra.

Bộ kiểm tra kháng thể đang được dùng rộng rãi tại Singapore, Trung Quốc và một số nước khác. Tuy nhiên chúng chỉ mới xuất hiện ở một số nước phương Tây.

Tuần trước, tiến sỹ Krammer và đồng nghiệp đã phát triển một bộ kiểm tra kháng thể có thể mở rộng quy mô kiểm tra trong "nhiều ngày đến vài tuần".

Nhóm của ông đã tiến hành thử nghiệm xác nhận trên huyết tương của ba bệnh nhân nhiễm Covid-19. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách để FDA thông qua bộ kiểm tra kháng thể này một cách nhanh nhất.

Nhiều phòng thí nghiệm khác cũng đang tiến hành rất nhiều thí nghiệm, dù vậy, hầu hết họ chỉ dựa trên những dữ liệu chưa được đánh giá bởi các nhà khoa học khác.

"Không quan trọng là ai làm ra chúng, miễn là chúng đáng tin cậy",tiến sỹ Krammer nói. Bởi vì đây là một virus mới thuộc họ corona, bộ kiểm tra phải đưa ra được "câu trả lời, về cơ bản, là có hay không, giống như kiểm tra HIV vậy, chúng phải tìm ra được ai đã có kháng thể và ai không có".

Ngày 25/3 vừa qua, một quan chức của Anh cho biết họ đã đặt mua hàng triệu bộ kiểm tra kháng thể mới phát triển và gửi cho bệnh nhân để kiểm tra tại nhà. Người dân khi phát hiện mình đã có kháng thể và có khả năng miễn dịch thì có thể trở lại với cuộc sống bình thường, quan chức trên nói.

Đây là một cách thức rất hữu ích đối với nhân viên y tế. Ít nhất họ biết được mình đã có khả năng miễn dịch ở mức độ nào đó và sẽ được bố trí vào tuyến đầu để tránh tiếp xúc với các nhân viên y tế chưa có kháng thể.

"Nếu dịch bệnh kéo dài trong nhiều tháng, hay thậm chí là 18 tháng như nhiều người dự đoán, việc có đội ngũ nhân viên y tế có khả năng miễn dịch thật sự rất hữu ích",Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Columbia, cho biết.

Nhưng những bộ kiểm tra như thế thường không được dùng để chẩn đoán sự lây nhiễm virus corona, bởi vì cơ thể cần thời gian để sản sinh ra kháng thể.

Bộ kiểm tra của tiến sỹ Krammer có thể phát hiện kháng thể sớm nhất là 3 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng bệnh đến 14 ngày sau khi nhiễm virus, lúc đó đã quá trễ để chẩn đoán lây nhiễm.

Tuy nhiên, việc tìm ra những người có kháng thể mạnh có thể giúp phát hiện cách chữa trị mới. Về cơ bản, đó là sử dụng kháng thể chiết xuất từ máu của bệnh nhân đã hồi phục tiêm vào những người đang mắc bệnh.

Rất nhiều nhóm nghiên cứu cũng đang nỗ lực tìm kiếm phương pháp này, nơi đầu tiên thành công là Trung Quốc. Một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh có tên AnyGo Technology đã cung cấp 50 nghìn bộ kiểm tra cho Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch, các bệnh viện tại Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải.

Tiến sỹ Shangen Zheng, là bác sĩ quân y Trung Quốc, cho biết nhóm của ông đã chữa trị cho hơn 10 bệnh nhân cùng với các dữ liệu từ việc chữa trị bằng huyết tương tại tỉnh Hồ Bắc đang được đánh giá.

Tiến sỹ Krammer cho biết cách tiếp cận này "đã có từ rất lâu". Nó đã từng được sử dụng trong dịch sốt xuất huyết do virus hanta gây ra trong cuộc chiến tại Hàn Quốc và trong dịch sốt xuất huyết do virus junin gây ra tại Argentina.

Trước khi phương pháp này được sử dụng rộng rãi, các nhà khoa học phải tìm ra phương pháp đảm bảo an toàn, như bảo đảm huyết tương lấy từ bệnh nhân được chữa khỏi Covid-19 không chứa chất độc hay các loại virus khác.

Các công ty dược phẩm như Takeda và Regeneron đang hy vọng có thể tìm ra câu trả lời cho những vướng mắc trên để nghiên cứu thành công kháng thể chống lại virus Covid-19 trong phòng thí nghiệm.

Cuối cùng, với những thí nghiệm này, các nhà khoa học mới có thể xác định tỷ lệ người bị nhiễm trong dân số là bao nhiều mới có thể đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng và khi nào thì virus mới bắt đầu hết khả năng lây nhiễm.

Minh Bảo theo New York Times

Chủ đề khác