VnReview
Hà Nội

Chim thành phố thông minh hơn chim nông thôn vì phải suy nghĩ và… quan hệ nhiều hơn

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng một số loài chim với bộ não nhỏ hơn nhưng lại thích ứng tốt hơn với môi trường đô thị bởi tần suất quan hệ gây giống của chúng cao hơn.

chim

Những chú chim sống ở thành phố thường thông minh hơn những người anh em nông thôn, bởi chúng "quan hệ" nhiều hơn và buộc phải sử dụng não nhiều hơn.

Để tồn tại được trong những thành phố đông đúc, bộ não của loài chim đã và đang phát triển ngày một lớn hơn, và chúng phải thực hiện chiến lược "con đàn cháu đống" nhằm sinh sôi trong một môi trường khác xa với môi trường tự nhiên của loài vật này.

Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy chim với bộ não lớn hơn sẽ có nhiều lợi thế hơn, như có thể tìm được nguồn thức ăn mới và tránh những hiểm họa do con người gây ra.

Tuy nhiên, mới đây các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng một số loài chim với bộ não nhỏ hơn vẫn thích ứng tốt với môi trường đô thị nhờ vào tần suất quan hệ gây giống cao.

Tiến sỹ Ferran Sayol đến từ Đại học Gothenburg của Thụy Điển, tác giả nghiên cứu, cho biết: "Thành phố là môi trường khắc nghiệt đối với hầu hết các giống loài, và do đó thường có đa dạng sinh học thấp hơn nhiều so với môi trường tự nhiên".

"Những loài có thể thích ứng với thành phố là rất quan trọng, bởi chúng là những loài mà hầu hết con người sẽ tiếp xúc nhiều nhất trong đời sống thường ngày, và chúng có thể mang lại những tác động quan trọng lên môi trường đô thị trong các thành phố của chúng ta".

Tiến sỹ Sayol và các cộng sự đã phân tích các cơ sở dữ liệu và các bộ sưu tập bảo tàng có chứa các thông tin liên quan kích cỡ não và cơ thể, tuổi thọ tối đa, sự phân bố trên toàn cầu, và tần suất gây giống của các loài chim.

Các bộ sưu tập này lưu giữ những chi tiết về hơn 629 loài chim tại 27 thành phố trên toàn thế giới, và chúng cho thấy kích cỡ bộ não đóng một vai trò tối quan trọng. Nhưng bộ não không phải là con đường duy nhất để đến vinh quang.

chim

"Chúng tôi đã xác định được hai cách khác nhau giúp loài chim trở thành những sinh vật thích ứng tốt với đô thị" – Tiến sỹ Sayol giải thích.

"Một mặt, các loài với bộ não lớn, như quạ hay hải âu, khá phổ biến trong các thành phố bởi kích cỡ bộ não lớn giúp chúng đối mặt được với các thách thức từ một môi trường lạ lẫm. Mặt khác, chúng tôi còn phát hiện ra những loài não nhỏ, như bồ câu, có thể thích ứng tốt nếu chúng có tần suất quan hệ gây giống cao trong suốt vòng đời của mình".

Phát hiện thứ hai cho thấy chiến lược "quan hệ gây giống" này sẽ mang lại cho một loài khả năng thích ứng tốt hơn ở các thế hệ tương lai so với thế hệ hiện tại.

Khá thú vị là, qua nghiên cứu, có thể thấy hai chiến lược trên đại diện cho những phương thức khác biệt nhằm tồn tại trong môi trường đô thị.

Khi xem xét những tác động của tình hình đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ của chúng ta lên những anh bạn hoang dã, cần quan tâm xem xét tần suất sinh sản và kích cỡ não bộ.

Sayol nói thêm rằng: "Trong nghiên cứu, chúng tôi thấy có một công thức chung, nhưng trong tương lai, sẽ rất thú vị khi hiểu được những cơ chế chính xác đằng sau nó, ví dụ như những mặt nào trong trí thông minh sẽ hữu dụng nhất."

"Hiểu được thứ gì đã giúp một số loài thích ứng tốt hơn, hay thậm chí là tận dụng được môi trường thành phố, sẽ giúp các nhà nghiên cứu biết được đa dạng sinh học sẽ phản ứng ra sao trong bối cảnh các thành phố tiếp tục mở rộng".

Minh.T.T (theo Telegraph)

Chủ đề khác