VnReview
Hà Nội

Anh dự định tiêm “huyết tương miễn dịch” để chống đại dịch COVID-19

Tại Anh, các bác sĩ đang lên kế hoạch truyền một loại huyết tương đặc biệt cho các bệnh nhân COVID-19. Đây là huyết tương lấy của những người "siêu miễn dịch", chính là những bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Việc điều trị thử nghiệm sẽ áp dụng với những bệnh nhân nhập viện, với hy vọng giúp giảm số người cần sử dụng máy thở trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU).

Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19, chẳng hạn như nhân viên y tế và thành viên gia đình, cũng được đề nghị điều trị bằng huyết tương, nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của bệnh và giảm áp lực cho dịch vụ y tế.

Quy trình này dựa trên thực tế là huyết tương của những người đã hồi phục khỏi Covid-19 có kháng thể chống lại nguy cơ nhiễm bệnh. Việc làm này sẽ giúp xác định những người có kháng thể miễn dịch với virus SARS-CoV-2 và mời họ hiến máu.

Cái gọi là "huyết tương miễn dịch" có thể được dùng với các bệnh nhân và những người tiếp xúc với họ trong một số thử nghiệm lâm sàng và đang được các cơ quan tài trợ y tế xem xét.

Giáo sư David Tappin, một nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học Glasgow, đã nộp đơn đề nghị đến Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia để thực hiện hai thử nghiệm lâm sàng với huyết tương miễn dịch.

"Nghiên cứu cần tiến hành nhanh hơn bình thường, trong khi hầu hết các thử nghiệm khác thường mất hàng tháng hoặc hàng năm mới có được sự chấp thuận", ông nói.

Các thử nghiệm sẽ tìm kiếm bằng chứng cho thấy huyết tương này có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở các nhân viên y tế để họ có thể tiếp tục công việc, ngăn ngừa khả năng bệnh nhân chuyển biến nặng hơn, cải thiện tình trạng của những người bị bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong và giúp tiết kiệm máy thở, một thiết bị rất cần thiết trong đại dịch COVID-19.

"Các thử nghiệm cần được tiến hành, nếu không chúng ta sẽ không biết liệu sự can thiệp này có hiệu quả và đáng giá hay không", bác sĩ Tappin nói. "Đây có thể không phải là giải pháp tốt nhất, hoặc nó có thể ngăn chặn sự phát triển của dịch Covid-19 ở những người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân như nhân viên y tế và gia đình của họ, nhưng có lẽ sẽ không hiệu quả khi điều trị cho những bệnh nhân bị bệnh nặng phải thở máy".

Giáo sư Robert Lechler, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa và Giám đốc điều hành của King's Health Partners, bao gồm King's College London và ba bệnh viện lớn ở London, cho biết nhóm dự định tiến hành thử nghiệm song song với huyết tương của những người khỏi bệnh.

NHS Blood and Transplant đã bắt đầu công việc xác định những người hiến máu tiềm năng.

Số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 liên tục tăng cao tại Anh

"Huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sẽ chứa các kháng thể mà hệ thống miễn dịch tạo ra để chống lại virus. Huyết tương đó có thể được truyền cho những bệnh nhân có hệ thống miễn dịch kém, đang phải vật lộn để phát triển kháng thể của chính họ. Do đó, truyền huyết tương của một bệnh nhân đã hồi phục có thể giúp cơ thể những bệnh nhân có hệ miễn dịch kém chống lại virus Covid-19".

Các sản phẩm máu sẽ được sàng lọc để đảm bảo an toàn khi truyền máu.

Không chỉ tại Anh, nhiều cơ sở ở Mỹ cũng đang nghiên cứu giải pháp này. Có 100 phòng thí nghiệm tại Mỹ đã hợp tác với Anh để sản xuất huyết tương cho bệnh nhân. Sau khi nhận được sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, các bác sĩ tại Mỹ hiện có thể cung cấp huyết tương cho bệnh nhân.

Giáo sư Arturo Casadevall, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, cho biết việc truyền kháng thể có thể hiệu quả hơn nếu chúng được tiêm sớm để quét sạch virus trước khi nó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng. Theo ông, việc truyền huyết tương có thể bảo vệ bệnh nhân khỏi virus trong vài tuần.

Trước đó, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã báo cáo rằng huyết tương miễn dịch có thể giúp bệnh nhân Covid-19, nhưng nghiên cứu chỉ mới tiến hành với năm bệnh nhân.

Theo Giáo sư Arturo Casadevall, truyền huyết tương là một giải pháp đã từng được sử dụng trong lịch sử. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 là một loại virus mới. "Trung Quốc đã sử dụng huyết tương này và họ đang báo cáo kết quả tốt, nhưng cần được kiểm tra thêm. Đây không phải là thuốc chữa bách bệnh hay thuốc thần kỳ; Đó là một giải pháp mà chúng ta cần thử nghiệm và xem liệu chúng có thể giúp ngăn chặn dịch bệnh hay không", ông nói.

Hoàng Lan;Theo The Guardian

Chủ đề khác