VnReview
Hà Nội

Chính phủ gửi tin nhắn tới toàn dân bằng cách nào? Có phải họ biết số điện thoại của từng người?

Mỗi ngày, chúng ta đều nhận được nhiều tin nhắn cảnh báo về đại dịch Covid-19. Đã bao giờ bạn tự hỏi chính phủ gửi những tin nhắn như thế này đến hàng chục triệu người bằng cách nào?

Chính phủ gửi tin nhắn tới toàn dân bằng cách nào?

Người dân Việt Nam không ai xa lạ với tin nhắn từ Bộ Y tế trong thời gian qua. Ảnh: Internet

Những ngày qua, tất cả các thuê bao điện thoại di động tại Việt Nam đều thường xuyên nhận được tin nhắn từ Bộ Y tế với những nhắc nhở, hướng dẫn cách phòng tránh virus SARS-CoV-2, các khuyến cáo về việc cách ly và khai báo y tế, cũng như cung cấp đường dây nóng khi người dân cần hỗ trợ y tế.;

Làm thế nào để chính phủ có thể gửi tin nhắn trực tiếp tới hàng triệu người? Có phải họ biết số điện thoại của từng người?

Có 3 phương pháp chính để gửi lượng lớn tin nhắn cho mọi người và trong cả 3 phương pháp, chính phủ không cần phải trực tiếp nắm được số điện thoại của toàn dân.

Phương pháp một là thông qua các công ty viễn thông. Đây là cách mà người dân Anh nhận được cảnh báo đầu tuần trước về quy định ở nhà mới được ban hành. Chính phủ yêu cầu nhà mạng gửi cảnh báo và hệ quả là mọi người không nhận tin nhắn cùng lúc mà có người trước, người sau.

Đây cũng là phương pháp mà Việt Nam thực hiện trong thời gian qua. Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, gửi tin nhắn đến số thuê bao di động được cho là một trong những kênh thông tin trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả đối với người dân. Do đó, khi Bộ Y tế yêu cầu nhắn tin về phòng chống dịch bệnh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện việc nhắn tin về tình hình dịch bệnh, cách phòng tránh dịch COVID-19 đến 100% khách hàng. Các nhà mạng thực hiện nhắn tin theo từng đợt, mỗi nhà mạng thực hiện riêng trong phạm vi thuê bao mạng của mình, số lượng tin nhắn tuỳ thuộc từng mạng. Viettel cho biết, trong đợt đầu chống dịch Covid-19 lúc tâm dịch nằm ở tỉnh Vĩnh Phúc, Viettel đã gửi gần 4 tỷ tin nhắn. 

Tuy nhiên, theo Javier Colado, Phó Chủ tịch cấp cao của Everbridge – hãng phần mềm cung ứng các công cụ chính phủ và tổ chức để quản lý các sự kiện quan trọng, có 2 cách khác để gửi tin nhắn cho tất cả mọi người mà không cần phải yêu cầu nhà mạng. Cả hai đều cần công nghệ và phần cứng cụ thể được tích hợp trong mạng di động, chính phủ có thể buộc nhà mạng phải đồng ý làm điều đó.

Tùy chọn đầu tiên là dịch vụ cell broadcast (phát quảng bá từ cell), được Hàn Quốc và Mỹ áp dụng, trong đó chính phủ dùng tháp di động (cellular tower) và radio cell (tế bào vô tuyến) để gửi thông báo chỉ trong vài giây mà không cần truy cập bất kỳ thông tin cụ thể nào trên thẻ SIM hay số điện thoại. Hệ thống này về thực tiễn tiếp cận hơn 80% dân số (kể cả cả những người đã tắt dữ liệu di động).

Tùy chọn tiếp theo là nhắn tin SMS dựa trên vị trí, hướng đến nhóm người tại một địa điểm cụ thể. Chính phủ có thể chọn một vùng trên bản đồ rồi gửi tin nhắn tới tất cả điện thoại hoạt động trong khu vực đó. Dù tin nhắn không đi nhanh như dịch vụ phát quảng bá từ cell, ưu điểm là chính phủ sẽ hỏi được mọi người có cần hỗ trợ hay họ có triệu chứng gì không.

Michael Hallowes, người trước đây phụ trách thực hiện hệ thống cảnh báo khẩn cấp tại Úc, cho biết dịch vụ nhắn tin SMS dựa trên vị trí có thể chính xác tới mức gửi tin nhắn cho mọi người trong công viên hay chỉ một tòa nhà. Nếu mọi người được yêu cầu giải tán, hệ thống sẽ gửi tin nhắn đến tất cả điện thoại trong vùng và kiểm tra bản đồ nhiệt xem họ có tuân thủ hay không.

Hệ thống tại Úc, theo ông Hallowes, có tỉ lệ gửi thành công 97%, cao hơn nhiều phát quảng bá từ cell hay đề nghị nhà mạng nhắn tin cho thuê bao.

Bác sỹ Fred Muench, Chủ tịch Trung tâm người nghiện tại Mỹ, các chiến dịch SMS y tế là hiệu quả nhất nhờ vùng tiếp cận, tính tức thời, khả năng thu thập dữ liệu, cá nhân hóa, khả năng điều chỉnh thông tin, khả năng liên kết với các nguồn khác.

EU và Anh lạc hậu hơn

Hallowes, nay là Giám đốc điều hành Zefonar, công ty chuyên tư vấn chính phủ về hệ thống cảnh báo khẩn cấp, cho biết thông tin cá nhân được sử dụng cho mục đích này là ẩn danh và các luật bảo vệ dữ liệu cũng có quy định trong xử lý dữ liệu dùng trong tình huống khẩn cấp như đại dịch.

Một chỉ thị EU được thông qua năm 2018 nói rõ đến tháng 6/2022, tất cả các nước thành viên nên có một hệ thống cảnh báo di động để thông báo cho người dân, du khách trong một khu vực cụ thể về bất kỳ tình huống khẩn cấp nào.

Năm 2014, Anh thử nghiệm hệ thống cảnh báo khẩn cấp nhưng chưa bao giờ chính thức đưa vào. Vì vậy, tuần trước, chính phủ phải yêu cầu nhà mạng thay mặt gửi tin nhắn.

Theo ông Colado, do đại dịch Covid-19, một số quốc gia đang tăng cường nỗ lực, tìm đến công ty của ông để xin hỗ trợ. Ông bày tỏ đây là điều đáng tiếc vì hiện tại, có nhiều nước liên hệ nhưng mọi thứ không thể thiết lập chỉ trong 24 giờ, do đó họ cần thêm thời gian.

Theo ICTnews/Vietnamnet

Chủ đề khác