VnReview
Hà Nội

Đại dịch Covid-19 làm Trái Đất ít rung lắc hơn

Các nhà địa chấn học phát hiện thấy, tiếng ồn địa chấn trong vài tháng qua đã giảm đáng kể tại nhiều thành phố vì lệnh phong tỏa và cách ly xã hội ở nhiều quốc gia.

Những khung cảnh như đường phố đông đúc người và các phương tiện giao thông tại các thành phố lớn trên thế giới gần như đã không còn khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ suốt nhiều tháng qua. Chính xác là các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 bao gồm việc phong tỏa và cách ly xã hội đang khiến thế giới trở nên yên tĩnh hơn rất nhiều. Và tất nhiên các nhà khoa học nhận thấy điều đó.

Trên khắp thế giới, các nhà địa chấn học cho biết các tiếng ồn địa chấn đang ít đi rất nhiều. Những tiếng ồn này thường được tạo ra khi có sự di chuyển của xe hơi, tàu lửa, xe buýt và sự di chuyển của con người. Và khi không còn những tiếng ồn đó, lớp vỏ Trái Đất sẽ chuyển động ít hơn.

Theo CNN, Thomas Lecocq, nhà địa chấn học ở Đài quan sát Hoàng gia Bỉ (ROB) là một trong những người đầu tiên nhận thấy hiện tượng này.

Cụ thể ông cho biết, tiếng ồn địa chấn tại Brussels đã giảm khoảng 30-50% kể từ giữa tháng 3 khi nước này bắt đầu ban hành lệnh cấm các trường học và hoạt động kinh doanh cùng nhiều biện pháp cách ly xã hội khác. Theo các nhà địa chấn học, tình trạng này thường chỉ xảy ra vào ngày Giáng sinh trong năm.

Ghi nhận tiếng ồn địa chấn tại Brussel, Bỉ

Việc ít tiếng ồn địa chấn hơn sẽ gúp các nhà địa chấn học dễ dàng phát hiện các sự kiện dù nhỏ nhất xảy ra trong lòng đất. Ví dụ các nhà địa chấn học có thể phát hiện được các trận động đất nhỏ hơn và các sự kiện địa chấn khác trong lòng đất.

Hầu hết các trạm đo địa chấn đều được đặt ở ngoài các khu vực đô thị để tránh bị nhiễu thông tin. Tuy nhiên một trạm đo địa chấn ở trong lòng thành phố Brussels giờ đây đã có thể sử dụng để đo các chấn động trong lòng đất.

Không chỉ ở Brussels, các nhà địa chấn học ở các thành phố khác cũng đang nhìn thấy những tác động tương tự tại các thành phố của họ.

Nhà khoa học Paula Koelemeijer đã đăng một biểu đồ trên Twitter cho thấy độ ồn địa chấn ở Tây Luân Đôn đã thay đổi ra sao sau khi nước này cho đóng cửa các trường học, địa điểm công cộng để thực hiện cách ly xã hội.

Ghi nhận tiếng ồn địa chấn tại Luân Đôn, Anh

Celeste Labedz, một sinh viên tại Viện Công nghệ California cũng đăng một biểu đồ cho thấy sự sụt giảm đặc biệt nghiêm trọng ở Los Angeles.

Tuy nhiên các nhà địa chấn học cũng cho rằng, việc tiếng ồn địa chấn giảm xuống tới mức này là lời nhắc nhở cho loài người về một loại virus đang âm thầm khiến xã hội loài người bị trì trệ. Sự nguy hiểm của virus SARS-CoV2 buộc chúng ta phải ở trong nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Dữ liệu tiếng ồn địa chấn dự kiến có thể sử dụng để xác định khu vực, địa phương nào đang không tuân thủ quy định cách ly xã hội và cấm tụ tập nơi đông người khá hiệu quả.

Mai Huyền

Chủ đề khác