VnReview
Hà Nội

Lượng CO2 và khí thải nhà kính sẽ giảm kỷ lục kể từ Thế chiến thứ 2 nhờ đại dịch Covid-19?

Việc nhiều nhà máy đóng cửa, hoạt động kinh tế trì trệ, nhu cầu năng lượng giảm và người dân hạn chế đi lại đã dự kiến sẽ giúp giảm một lượng đáng kể CO2 trong bầu khí quyển trong năm 2020 này.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế thế giới trì trệ, các nhà khoa học đã dự đoán lượng khí thải CO2 có thể giảm 5% trong năm 2020. Và đây cũng là mức giảm lớn nhất kể từ cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ Hai. Dự báo trên đến từ một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Globalan Project (GCP), một tổ chức có nhiệm vụ theo dõi lượng khí thải nhà kính mà con người đang hàng ngày thải vào bầu khí quyển.

Rob Jackson, chủ tịch GCP kiêm giáo sư tại Đại học Stanford chia sẻ với tờ Reuters: "Tôi sẽ không bị sốc khi thấy lượng khí thải CO2 giảm 5% hoặc nhiều hơn trong năm nay. Đây là điều chưa từng thấy kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ Hai".

Ông nói thêm: "Kể cả khi Liên Xô sụp đổ lẫn các cuộc khủng hoảng dầu mỏ và khủng hoảng tài chính trong vòng 50 năm qua đều có thể ảnh hưởng đến lượng khí thải giống như đại dịch Covid-19 lần này". Theo Jackson, mức giảm trong năm nay sẽ là mức giảm phát thải CO2 toàn cầu đầu tiên kể từ mức giảm 1,4% sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Kevin Rose, Trợ lý giáo sư khoa sinh học và Chủ tịch phát triển nghề nghiệp Kolleck tại Viện Sinh thái nước ngọt Rensselaer cho biết, khi nền kinh tế trì trệ, sự sụt giảm về lượng khí thải nhà kính không phải là điều gì quá ngạc nhiên khi hai yếu tố này luôn có mối liên hệ chặt chẽ.;

Chia sẻ với Newsweek, Rose cho biết: "Suy thoái kinh tế sẽ dẫn đến việc giảm nhu cầu sử dụng năng lượng và sự thay đổi dân số có thể làm giảm đáng kể các tác động tới môi trường".

Các khí nhà kính như CO2 đã giảm mạnh trong các cuộc suy thoái trước đây do các hoạt động kinh tế sử dụng nhiều năng lượng chậm lại. Hoạt động kiểm dịch ở nhiều nước cũng có thể tác động trong ngắn hạn đối với khí hậu. Ví dụ như khi các phương tiện giao thông ít đi do người dân phải cách ly tại nhà, lẽ dĩ nhiên sẽ giúp giảm lượng phát thải CO2. Bên cạnh đó việc các doanh nghiệp đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng cũng giúp giảm lượng phát thải không cần thiết.

Tuy nhiên giống như các cuộc suy thoái kinh tế trong quá khứ, khí thải toàn cầu có khả năng phục hồi tương đối nhanh sau cuộc khủng hoảng.

Corinne Le Quéré, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học East Anglia, V.Q Anh chia sẻ: "Sự sụt giảm này không phải sự thay đổi mang tính cơ bản nên ngay khi kết thúc, tôi nghĩ lượng khí thải sẽ tăng nhanh chóng trở lại".

Lấy ví dụ như sau khi thế giới giảm 1,5% lượng khí thải CO2 trong cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu 2007-2008, lượng phát thải sau đó đã tăng trở lại 5,1%. Nguồn tăng chủ yếu đến từ Trung Quốc, một trong những quốc gia tiêu thụ than nhiều nhất thế giới.

Trong bối cảnh thế giới đang phải gồng mình để chống lại đại dịch Covid-19, Hội nghị thượng đỉnh về chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tổ chức vào cuối năm nay đã được hoãn sang năm 2021.

Pierre Friedlingstein, chủ tịch mô hình toán học của hệ thống khí hậu tại Đại học Exeter, V.Q Anh cho rằng, ngay cả khi lượng khí thải sụt giảm 5%, 10% hay 20% thì cũng không quá quan trọng. Điều đáng quan tâm là sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với các thách thức khí hậu nếu như con người không thể cắt giảm khí thải nhà kính.

Mai Huyền

Chủ đề khác