VnReview
Hà Nội

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất quay nhanh hơn?

Cuộc sống trên Trái Đất này có biết bao thứ phải lo ngại. Như chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu, hay ngay cả việc bạn đánh răng làm sao cho đúng. Nhưng có lẽ việc Trái Đất xoay nhanh hơn thường không nằm trong những thứ chúng ta lo lắng. Vì đơn giản là điều này sẽ không thể xảy ra, ít nhất là trong một khoảng thời gian rất lâu. Dù sao thì chúng tôi cũng đã gặp một số chuyên gia và tham khảo ý kiến của họ về điều gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất bắt đầu xoay nhanh hơn.

Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu thế giới của chúng ta đang xoay nhanh như thế nào. Trên thực tế, tốc độ xoay phụ thuộc vào vị trí của bạn trên Trái Đất vì tốc độ cao nhất là khi bạn đứng tại đường xích đạo. Khi Trái Đất tự xoay quanh trục của mình, chu vi lớn nhất chính là đường xích đạo. Vì vậy, một điểm trên đường xích đạo phải di chuyển một quãng đường rất xa so với một điểm khác, như thành phố Chicago chẳng hạn, trong 24 giờ để có thể quay trở lại điểm xuất phát. Đề bù lại độ chênh lệch quãng đường, điểm tại đường xích đạo phải di chuyển với vận tốc khoảng 1.668,9 km/h, trong khi Chicago lại có tốc độ thấp hơn, khoảng 1.207 km/h.

Nếu tốc độ xoay quanh trục của Trái Đất tăng lên khoảng 1,6 km/h thì mực nước biển khu vực xích đạo sẽ tăng thêm khoảng vài centimet do nước di chuyển từ hai cực về đây. "Có thể sẽ mất đến vài năm để nhận ra sự thay đổi này", Witold Fraczek cho biết, ông là nhà phân tích tại ESRI, công ty tạo ra phần mềm hệ thống thông tin địa lý GIS.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Trái Đất xoay nhanh hơn?

Ảnh: Pexels

Có một thứ có lẽ sẽ giúp chúng ta nhận ra sự thay đổi tốc độ xoay của Trái Đất sớm hơn đó chính là một vài vệ tinh sẽ bị lệch quỹ đạo. Quỹ đạo của các vệ tinh địa tĩnh xoay quanh hành tinh của chúng ta với vận tốc phù hợp với tốc độ xoay của Trái Đất, do vậy chúng có thể giữ nguyên vị trí mọi lúc. Tốc độ xoay của Trái Đất tăng thêm 1,6 km/h sẽ khiến các vệ tinh chệch khỏi quỹ đạo của nó, kéo theo đó là trên mặt đất sẽ bị gián đoạn thông tin liên lạc, truyền hình và các hoạt động quân sự, tình báo cũng sẽ bị ảnh hưởng, ít nhất là trong một khoảng thời gian. Một số vệ tinh có mang theo nhiên liệu và có thể điều chỉnh vị trí của chúng cũng như tốc độ phù hợp, nhưng một số khác thì sẽ cần phải được thay thế và việc này sẽ rất tốn kém.

"Có thể cuộc sống và sự tiện nghi của một số người sẽ bị gián đoạn, nhưng cũng không hẳn là sẽ gây ra thảm họa gì cho ai cả",Fraczek cho biết.

Nhưng tốc độ xoay càng lớn thì mức độ thảm họa sẽ càng tăng.

Mất trọng lượng

Lực li tâm khi Trái Đất xoay sẽ có xu hướng đẩy bạn ra khỏi mặt đất, giống như khi bạn ngồi trên một chiếc đu quay vậy. Hiện tại, trọng lực còn rất mạnh và nó giữ bạn đứng trên mặt đất. Nhưng nếu Trái Đất xoay nhanh hơn, lực li tâm sẽ lớn hơn, phi hành gia NASA Sten Odenwald giải thích.

Hiện tại, nếu bạn nặng khoảng 68kg tại Bắc Cực, thì tại xích đạo có thể bạn chỉ nặng 67.6 kg. Điều này xảy ra là do tốc độ xoay tại xích đạo lớn hơn, dẫn đến lực li tâm lớn hơn. Nếu lực xoay tăng hơn nữa thì khối lượng cơ thể của bạn sẽ tiếp tục giảm hơn nữa.

Odenwald tính toán rằng nếu tốc độ tại đường xích đạo đạt 28,340 km/h thì lực li tâm sẽ đủ lớn để đạt trạng thái không trọng lượng. Đó là trong trường hợp chúng ta vẫn còn sống.

Rối loạn nhịp đồng hồ sinh học

Trái Đất xoay càng nhanh thì thời gian trong ngày sẽ ngắn lại. Với độ tăng khoảng 1.6 km/h thì thời gian trong ngày sẽ ngắn đi khoảng 1 phút 30 giây và nhịp đồng hồ sinh học của chúng ta sẽ không thể nhận ra sự khác biệt này.

Nhưng nếu tăng tốc độ xoay của Trái Đất tăng thêm 16 km/h thì một ngày của chúng ta sẽ chỉ còn 22 giờ. Với cơ thể của con người, nó sẽ tương tự quy ước giờ mùa hè vậy. Thay vì chỉnh đồng hồ lùi lại 1 giờ, thì giờ đây mỗi ngày đều sẽ chỉ còn 22 giờ khiến cơ thể không kịp thích nghi. Và sự thay đổi thời gian giữa ngày và đêm cũng sẽ khiến các loài thực động vật gặp rắc rối lớn.

Nhưng đó là chỉ khi Trái Đất đột ngột tăng tốc. "Nếu nó tăng tốc độ từ từ qua hàng triệu năm thì chúng ta vẫn có thể thích nghi được", Odenwald nói.

Các cơn bão sẽ mạnh hơn

Nếu tốc độ xoay của Trái Đất tăng chậm, bầu khí quyển sẽ có thể tăng tốc cùng với Trái Đất và chúng ta sẽ không thể nhận ra sự khác biệt quá lớn trong thời tiết cũng như tốc độ gió hàng ngày. "Sự chênh lệch nhiệt độ vẫn là yếu tố chính tạo ra gió", Odenwald cho biết. Tuy nhiên, các kiểu thời tiết cực đoan sẽ gây thiệt hại lớn hơn. "Các cơn bão sẽ xoay nhanh hơn và năng lượng của chúng cũng sẽ lớn hơn", ông nói.

Lý do xuất phát từ chính hiện tượng chúng ta đã đề cập ở trên: Trái Đất có tốc độ xoay lớn hơn tại đường xích đạo.

Nếu Trái Đất hoàn toàn đứng yên, gió từ cực Bắc sẽ thổi thẳng xuống đường xích đạo và ngược lại. Nhưng bởi vì Trái Đất xoay quanh trục, nên đường đi của gió sẽ bị lệch về phía Đông. Đường cong tạo bởi gió được gọi là hiệu ứng Coriolis và nó cũng chính là thứ làm cho các cơn bão xoay tròn. Và nếu Trái Đất xoay nhanh hơn, các cơn gió sẽ càng lệch về phía Đông. "Hiệu ứng này sẽ khiến các chuyển động xoay trở nên mạnh hơn", Odenwald nói.

Đại dương

Tốc độ xoay tại xích đạo lớn hơn có nghĩa là lượng nước biển sẽ tập trung ở đó nhiều hơn. Tăng tốc độ xoay của Trái Đất khoảng 1.6 km/h, nước biển tại khu vực xích đạo sẽ tăng cao khoảng vài centimet chỉ trong vài ngày.

Khi tốc độ xoay của Trái Đất tăng thêm 160 km/h, toàn bộ khu vực xích đạo sẽ bị nhấn chìm. "Tôi nghĩ rằng lưu vực sông Amazon và Bắc Úc, chưa kể đến những hòn đảo trong khu vực xích đạo, sẽ hoàn toàn bị nhấn chìm dưới biển. Tôi không chắc độ sâu sẽ là bao nhiêu, nhưng tôi ước tính khoảng 10 đến 20 mét".

Nếu tăng gấp đôi tốc độ xoay, "điều này sẽ gây ra thảm họa", Fraczek cho biết. Lực li tâm sẽ kéo hàng trăm mét nước về xích đạo. "Ngoại trừ những ngọn núi cao nhất, như Kilimanjaro, hay những đỉnh cao nhất của dãy núi Andes, thì tôi nghĩ tất cả những khu vực khác tại xích đạo đều sẽ chìm trong biển nước". Lượng nước tăng thêm sẽ lấy từ hai cực, nơi lực li tâm thấp hơn, do đó biển Bắc Băng Dương sẽ cạn hơn nhiều.

Trong khi đó, khi tăng tốc độ xoay lên gấp đôi, nước tại khu vực xích đạo sẽ có thể chống lại lực hút của Trái Đất. Không khí trong khu vực này sẽ nặng hơn do độ ẩm cao, Fraczek dự đoán. Cả khu vực sẽ bao phủ trong sương dày và mây mù, có thể có mưa liên tục.

Cuối cùng, khi tăng tốc độ xoay lên khoảng 27.360 km/h, lực li tâm tại đường xích đạo sẽ bằng với lực hút của Trái Đất. "Khi đó có thể chúng ta sẽ gặp hiện tượng mưa ngược. Các giọt nước mưa sẽ bắt đầu bay ngược lên trời", Fraczek suy đoán. Tại thời điểm này, Trái Đất đang xoay với tốc độ gấp 17 lần bình thường và gần như sẽ không còn bất kỳ người nào sống tại khu vực xích đạo để mà trải nghiệm hiện tượng này.

"Nếu đâu đó vẫn còn những người sống sót trong khu vực này khi hầu hết nước trên Trái Đất đã di chuyển vào không khí ở đây, thì chắc chắn rằng họ sẽ muốn ra khỏi khu vực xích đạo càng sớm càng tốt",Fraczek cho biết, "con người sẽ tập trung về hai cực hoặc ít nhất là tại những nơi có vĩ độ trung bình".

Động đất

Với tốc độ rất lớn, khoảng 38.620 km/h và sau khoảng hàng nghìn năm thì lớp vỏ lục địa của Trái Đất cũng sẽ bị tác động. Lớp vỏ lục địa tại hai cực sẽ phẳng lại và phình to tại khu vực xích đạo.

"Chúng ta sẽ trải qua những trận động đất lớn. Các mảng kiến tạo sẽ dịch chuyển với tốc độ lớn và đó là một thảm họa đối với nhân loại",;Fraczek cho biết.

Thực tế là tốc độ xoay của Trái Đất đang chậm dần

Chắc hẳn bạn chưa biết rằng tốc độ xoay của Trái Đất luôn biến động, Odenwald nói. Động đất, sóng thần, khối không khí lớn và băng tan đều có thể làm thay đổi tốc độ xoay của Trái Đất ở mức độ mili-giây. Nếu một cơn động đất khiến một lớp đất sụp xuống, chu vi của Trái Đất sẽ giảm đi, dù rất nhỏ, điều này sẽ làm giảm thời gian hoàn thành một vòng xoay của Trái Đất. Một khối không khí có thể có tác động ngược lại, chúng sẽ làm tăng thời gian xoay, giống như khi một động viên trượt băng đưa tay ra thay vì thu tay vào vậy.

Tốc độ xoay của Trái Đất cũng thay đổi theo thời gian. Khoảng 4,4 tỉ năm trước, Mặt Trăng được hình thành sau khi một thứ khổng lồ va vào Trái Đất. Tại thời điểm đó, Odenwald suy đoán rằng Trái Đất có hình dẹt như sân bóng đá và tự xoay quanh trục nhanh đến mức mỗi ngày chỉ có 4 giờ đồng hồ.

"Sự kiện này đã làm biến đổi hình dạng của Trái Đất và khiên nó phân mảnh hoàn toàn. Liệu nó có lặp lại hay không? Tốt nhất là chúng ta nên hy vọng nó đừng bao giờ xảy ra lần nữa!" Odenwald nói.

Kể từ khi xuất hiện Mặt Trăng, Trái Đất đang xoay chậm lại khoảng 6,1 km/h mỗi 10 triệu năm, nguyên nhân là do lực hấp dẫn của Mặt Trăng tác động lên hành tinh này. Vì vậy, dường như tốc độ xoay của Trái Đất sẽ chậm lại theo thời gian, chứ không phải tăng lên.

"Không có điều gì có thể dẫn đến việc Trái Đất tăng tốc độ xoay cao đến như vậy. Để khiến Trái Đất xoay nhanh hơn, chỉ có thể là bị một thứ đủ lớn va phải theo đúng góc độ phù hợp. Và điều này sẽ khiến lớp vỏ Trái Đất hóa lỏng và toàn bộ nhân loại cũng sẽ biến mất", Odenwald cho biết.

Minh Bảo theo Popsci

Chủ đề khác