VnReview
Hà Nội

Lười biếng có phải do di truyền không?

Dù rằng một số người có thể có một gene hiếm khiến ý chí vận động của họ bị suy giảm, nhưng với đại đa số những người khác, lười biếng đơn giản là một phản ứng mang tính học tập từ môi trường.

lazy

Vào năm 2018, có một phiên tòa gây tranh cãi ở Tennessee. Một người đàn ông bắn bạn của vợ, sau đó tấn công chính người vợ của mình. Người vợ sống sót, nhưng bạn của cô thì không.

Luật sư bị can đã yêu cầu tòa cho phép thực hiện một cuộc xét nghiệm di truyền; kết quả cho thấy người đàn ông, Bradley Waldroup, mang trong mình một gene gọi là "gene chiến binh", một biến thể của gene axidase mono-amine, thứ khiến anh này có những hành động đầy bạo lực như vậy. Nhờ vào gene này, bị can đã được nhận một bản án nhẹ nhàng hơn so với thông thường.

Đó không phải là lần đầu tiên bằng chứng về di truyền học được sử dụng để bào chữa tại tòa. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là: gene di truyền ảnh hưởng đến những hành động của chúng ta ở mức độ thế nào?

Lịch sử di truyền học

Bạn có biết rằng ngón út trên bàn chân của chúng ta chẳng phục vụ một mục đích cụ thể nào, và nó có tồn tại hay không cũng chẳng quan trọng cho lắm? Nhiều nghiên cứu nhận định rằng nhiều thế hệ trong tương lai sẽ không còn ngón chân nhỏ bé này nữa, và điều này cũng phù hợp với những gì Lamarck – một trong những nhà tự nhiên học đầu tiên trên thế giới – từng nói về cách chúng ta phát triển theo thời gian.

Jean Baptist Lamarck là người đầu tiên nhận định rằng sự tiến hóa quả thực có tồn tại. Ông tin rằng những thay đổi trong môi trường sẽ khiến nhu cầu của các sinh vật thay đổi, và chúng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Sự thay đổi hành vi này sẽ dẫn đến một vài cơ quan nhất định được sử dụng nhiều hơn, hoặc ít hơn. Nếu một cơ quan có tần suất sử dụng giảm đi, nó cuối cùng sẽ biến mất qua nhiều thế hệ. Những thay đổi này, theo Lamarck, có thể được kế thừa.

lamarck

Jean Baptist Lamarck

Lấy cảm hứng từ những nghiên cứu của Darwin, người họ hàng của ông là Francis Galton đã tiếp tục tìm hiểu về tiến hóa và trở thành một nhà tiên phong trong lĩnh vực ưu sinh học.

Tiếp theo là Gregor Mendel, một thầy tu nhẫn nại với tình yêu dành cho toán học và sinh học. Ông không chỉ để lại dấu ấn của riêng minh trong lĩnh vực di truyền học, mà còn trở thành một cái tên quen thuộc trong sách giáo khoa ngày nay. Công trình nghiên cứu của Mendel đã giúp chúng ta biết được sự kế thừa sinh học diễn ra như thế nào.

Tuy nhiên, các công trình của Galton và Lamarck chính là nền tảng quan trọng mà từ đó hình thành nên lĩnh vực di truyền học hành vi.

Di truyền học hành vi là gì?

Sau khi Đức Quốc xã tiến hành những thí nghiệm quy mô lớn trên con người dưới danh nghĩa nghiên cứu di truyền học, di truyền học đã trở thành một chủ đề cấm kỵ đối với cả thế giới. Cho đến tận ngày nay, nhiều người vẫn tin rằng khái niệm về tiến hóa chỉ đơn giản là một truyền thuyết mà thôi.

Dù gặp nhiều rào cản, lĩnh vực di truyền học hành vi vẫn từ từ phát triển, và tiếp tục cho ra những nghiên cứu đáng chú ý. Di truyền học hành vi, còn được gọi là "nguồn gốc và phát triển tâm lý" (psycho-genesis), khẳng định rằng di truyền góp phần ảnh hưởng lên nhân cách của một con người.

Rất nhiều nghiên cứu trên lĩnh vực di truyền học hành vi ngày nay tập trung nhiều hơn vào việc gene ảnh hưởng ra sao đối với rối loạn tâm thần, như tâm thần phân liệt, trầm cảm…

Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn là làm sao để đánh giá được nó? Và liệu nó có áp dụng đối với mọi khía cạnh của nhân cách chúng ta, hai chỉ một vài phần nào đó mà thôi?

Những phương thức chính để nghiên cứu di truyền học hành vi bao gồm nghiên cứu song sinh, nghiên cứu con nuôi, và gần đây là di truyền học phân tử. Nghiên cứu song sinh là nghiên cứu so sánh giữa các cặp song sinh được nuôi riêng rẽ hay nuôi cùng nhau.

Nghiên cứu con nuôi tìm hiểu sự tương đồng của một đứa con với cha mẹ sinh học và cha mẹ nuôi dưỡng. Cuối cùng, di truyền học phân tử nghiên cứu AND của các cá nhân và tìm những biến thể gene ảnh hưởng lên hành vi.

Nhân cách và di truyền

Một trong những nghiên cứu đáng chú ý nhất trong lĩnh vực này được tiến hành bởi Thomas Bouchard và Matt McGua ở Minnesota. Nghiên cứu về các cặp song sinh được nuôi dưỡng riêng rẽ ở Minnesota (MISTRA) được tiến hành trong 20 năm, trong đó xem xét cụ thể những yếu tố có khả năng xuất phát từ di truyền, và những yếu tố có thể được giải thích bởi tác động từ môi trường.

Nghiên cứu đã phát hiện ra mối tương quan sâu sắc giữa di truyền và IQ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ ở đây là có một cặp song sinh được nhận nuôi lúc sinh, sau đó tìm lại nhau khi đã 39 tuổi và chợt nhận ra cả hai đều được đặt tên là Jim.

Họ có nhiều sở thích giống nhau, ví dụ môn học yêu thích đều là toán, và thứ họ ít thấy hào hứng nhất là đánh vần. Cả hai đều từng đi nghỉ ở cùng một bãi biển khi còn trẻ, đều cùng khốn khổ vì bệnh đau đầu vì stress biến chứng sang đau nửa đầu (cho đến thời điểm này, chưa có ai nghĩ rằng đau đầu vì stress lại có liên quan đến di truyền), và cuối cùng, họ đều có thói quen hút thuốc lá và uống rượu giống nhau. Quả là đáng kinh ngạc!

Nghiên cứu này đã dẫn đến sự ra đời của Cộng đồng nghiên cứu song sinh quốc tế, và ngày càng nhiều người tình nguyện tham gia vào nghiên cứu. Số người đăng ký tham gia vào cộng đồng ngày một nhiều, và dữ liệu thu được từ các nghiên cứu song sinh dường như bất tận. Bouchard không đưa ra kết luận từ việc nghiên cứu chỉ một cặp song sinh duy nhất, mà từ gần 140 cặp – và cuối cùng, ông nhận định rằng một vài hành vi nhất định quả thực có nguồn gốc từ di truyền.

Sau khi nghiên cứu MISTRA xây dựng nên được nền tảng cho những hiểu biết trong lĩnh vực di truyền học, Eyenesk và các đồng nghiệp chuyển hướng chú ý sang 5 đặc điểm nhân cách lớn: tính cởi mở, lương tâm, hướng ngoại/hướng nội, tính dễ chịu, và những vấn đề về thần kinh. Khá sốc là, họ phát hiện ra chỉ số kế thừa dao động từ 40 – 60%, có nghĩa hầu hết các đặc điểm nhân cách của chúng ta đã được thừa hưởng, và nó mở ra cánh cửa cho vô số các nghiên cứu khác được thực hiện.

Sự lười biếng thì sao?

Chúng ta biết rằng những vấn đề về thần kinh – khả năng hình thành nên những suy nghĩ tiêu cực – có thể được thừa hưởng; và nó là một trong những yếu tố chính đằng sau tình trạng rối loạn trầm cảm. Nhưng còn sự lười biếng thì sao? Hoặc sự siêng năng?

Một nghiên cứu tiến hành năm 2014 cho biết trong bộ gene chuột có một gene lười biếng. Nếu bạn từng nghiên cứu sinh học, hay bất kỳ lĩnh vực khoa học nào, bạn hẳn biết rằng bộ gene của chuột khá tương đồng với người, do đó hầu hết các nghiên cứu được thực hiện trước tiên trên chuột và sau đó mới đến lượt giống loài cao quý của chúng ta.

chuot

Nghiên cứu phát hiện ra rằng protein SLC35D3 tham gia vào việc báo hiệu dopamine đã bị suy giảm trên một số con chuột. Dopamine là một chất hóa học góp phần điều chỉnh mức độ hoạt động thể chất của chúng ta. Nghiên cứu chỉ ra rằng những con chuột có đột biến này sẽ chỉ đi khoảng 1/3 quãng đường mà những con chuột bình thường đi được, và khiến chúng hình thành nên những tình trạng tương tự như những "hội chứng chuyển hóa" ở người. "Hội chứng chuyển hóa" là điều kiện dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và béo phì ở con người.

Tuy nhiên, khi các nhà khoa học sàng lọc hơn 300 bệnh nhân người Trung Quốc, họ phát hiện ra đột biến này chỉ xuất hiện trên 2 người mà thôi, cho thấy tình trạng thừa cân còn xuất phát từ nguyên nhân môi trường nữa.

Một số nhà khoa học từ Đại học Kansas đã nhận định rằng sự lười biếng mang lại cho chúng ta một lợi ích tiến hóa. Dựa trên một nghiên cứu họ tiến hành trên các loài nhuyễn thể, nhóm đã giả thuyết rằng những người đốt nhiều năng lượng hơn trong ngày có khả năng cao bị tuyệt chủng hơn.

Bằng cách sử dụng ít năng lượng hơn để duy trì hoạt động, loài nhuyễn thể ít cần đi tìm thức ăn để sinh tồn hơn. Dù nghiên cứu giải thích sự sinh tồn lâu dài của một chủng loài, nó không nói nhiều về những lựa chọn cụ thể của chúng ta, như ngồi xem phim và ăn pizza, hay ít thực hiện các hoạt đông thể chất trong nhiều ngày liên tục.

Trong bối cảnh các hệ thống y tế cộng đồng ngày càng hiệu quả hơn, và chúng ta cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận những nhu cầu thường ngày, sự lười biếng dường như là một phản ứng mang tính học tập và liên tục được củng cố thông qua môi trường xung quanh ta. Sống một cuộc sống bận rộn với công việc có thể khiến chúng ta kiệt sức và ngần ngại đứng lên và đi bộ loanh quanh nơi làm việc.

Ở thời điểm hiện nay, những hoạt động được ưa thích có vẻ bao gồm xem phim, đi tắm giảm stress, hay tự thưởng cho bản thân một núi pizza. Một yếu tố khác góp phần làm chúng ta lười biếng có thể là văn hóa thức ăn nhanh và thức ăn mang đi, vốn nổi lên trong vài thập kỷ gần đây.

Với việc thức ăn được làm sẵn và ship đến tận cửa nhà, mọi thứ chúng ta phải làm chỉ là di chuyển vài ngón tay thay vì phải nhấc cả người lên để xuống bếp và tự mình chuẩn bị thức ăn. Chuỗi sự kiện này có thể được củng cố đến mức đủ để lặp lại mỗi ngày – dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng để di chuyển, và kết quả là vòng lặp lại tiếp diễn.

Kết luận

Dù có nhiều vấn đề có thể đổ lỗi do di truyền, sự lười biếng không phải nằm trong số đó.

Nếu bạn không vui với vẻ ngoài của mình, những chấm tàn nhang trên da, viết tay trái hay tay phải, hay thậm chí là độ khô/ướt của ráy tai… - bạn có thể đổ lỗi do gene. Một số nghiên cứu trước đây thậm chí còn nhận định có một mối tương quan giữa di truyền và…mức lương hiện tại của bạn, nhưng sau đó điều này đã bị phủ định.

Nếu bạn từng xem bất kỳ bộ phim nào xoay quanh đại dịch zombie, bạn có lẽ đã thấy những gã lười biếng sẽ bị ăn thịt hoặc chết đói; do đó lười biếng có lẽ không phải là một thói quen tốt nên duy trì.

Tuy nhiên, có một số bằng chứng rằng có một đột biến hiếm có trong protein điều tiết dopamine có thể tác động đến sự lười biếng của chúng ta. Như đã nói, gene này rất hiếm. Nguyên nhân thực sự của lười biếng có vẻ đến từ tình hình đô thị hóa và khả năng tiếp cận hầu như mọi thứ một cách dễ dàng trong môi trường hiện đại.

lazy

Chính vì vậy, lười biếng là một thói quen hình thành qua học tập môi trường được tạo ra xung quanh chúng ta.

Lần đến, khi ông bà kể cho bạn nghe một câu chuyện về quãng đường xa xôi mà họ phải đi để đến trường, hãy tin họ nhé. Họ là bằng chứng sống cho thấy sự lười biếng không di truyền đâu!

Minh.T.T;theo ScienceABC

Chủ đề khác