VnReview
Hà Nội

Tại sao tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở phụ nữ thấp hơn đàn ông?

Nam giới được cho là mẫn cảm hơn với virus corona chủng mới;(SARS-CoV-2) hơn phụ nữ.

Trong bối cảnh tỷ lệ tử vong do COVID-19 tiếp tục tăng cao, các bằng chứng ngày càng cho thấy dường như tỷ lệ đàn ông bị nhiễm bệnh và chết vì dịch bệnh này cao hơn phụ nữ. Điển hình là ở bang New York, Mỹ vào hôm ngày 9/4 vừa qua, 60% trong tổng số 6.200 ca tử vong là đàn ông.

Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh mới bùng phát tại Trung Quốc, thì tỷ lệ nam giới chuyển biến nặng đã cao hơn ở phụ nữ. Và "mô hình" này dường như tiếp tục lặp lại tại nhiều quốc gia, có chăng là khác nhau ở con số ghi nhận được.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn tại sao điều này lại xảy ra. Tuy  nhiên, đã có một vài manh mối đáng lưu tâm.

Liệu đó có phải là do tỷ lệ hút thuốc ở đàn ông cao hơn? Hoặc có thể là sự chậm trễ trong khâu nhận chăm sóc y tế? Hay gien và hormone giới tính khiến đàn ông có rủi ro nhễm bệnh cao hơn khi tiếp xúc với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2)?

Theo trao đổi với tờ Wall Street Journal, Marcia Stefanick, giáo sư y khoa thuộc Đại học Y khoa Stanford cho biết "có những sự khác biệt rõ rệt trong hệ thống miễn dịch giữa nam và nữ, và dịch bệnh này đang tiết lộ thêm nhiều điều về chúng". Marcia Stefanick nhấn mạnh "những gì chúng ta biết về sự đối lập giữa sinh học so với những chuẩn mực xã hội và hành vi của giới đã làm giới hạn khả năng nhận thức của chúng ta về những gì đang diễn ra".

ĐI tìm câu trả lời cho vấn đề này có thể giúp chúng ta phát triển các phác đồ chữa trị và phòng ngừa một cách hiệu quả hơn, tiến tới điều chế thành công vaccine đối với dịch bệnh COVID-19.

Vấn đề sinh học là mấu chốt

Một điểm quan trọng trong bối cảnh của câu hỏi này, đó là nhìn chung, có nhiều khác biệt về cơ chế sinh học trong việc chống lại lây nhiễm giữa đàn ông và phụ nữ. Ví dụ như, phụ nữ thường có cơ chế miễn dịch mạnh mẽ hơn. Các nhà nghiên cứu tin rằng một phần là vì phụ nữ có 2 nhiễm sắc thể X, và nhiễm sắc thể X lại chứa hầu hết các gen có liên quan đến hệ thống miễn dịch (vì thế những người có 2 nhiễm sắc thể X thay vì 1 sẽ có phản ứng miễn dịch đa dạng hơn). Tuy nhiên, chức năng miễn dịch bổ sung này dường như lại khiến cho phụ nữ đối mặt với nguy cơ mắc phải các bệnh tự miễn dịch, như viêm thấp khớp hoặc bệnh Crohn (viêm loét dạ dày).

Hormone cũng giúp phụ nữ tự tạo cơ chế bảo vệ hiệu quả hơn. Một số tế bào miễn dịch có thụ thể estrogen và việc bổ sung estrogen đã được chứng minh là làm tăng phản ứng miễn dịch chung ở chuột.

Một nghiên cứu vào năm 2017 đăng trên tạp chí Miễn dịch học (Immunology) đã đặc biệt xem xét kỹ lưỡng những khác biệt do virus corona gây ra dịch SARS tác động lên từng giới tính (dịch bệnh dường như đã giết chết nhiều đàn ông hơn là phụ nữ trong thời gian bùng phát năm 2003). Trong bài nghiên cứu đó, các nhà khoa học đã phát hiện chuột đực mẫn cảm hơn đối với virus; tuy nhiên, khi ngăn không cho hormone estrogen hoạt động ở những con chuột cái, thì tỷ lệ nhiễm bệnh ở những con chuột này lại cao hơn.

Phụ nữ có nhiều khả năng sớm tạo ra đợt công kích các bệnh lây nhiễm nói chung, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng sử dụng hết tất cả cơ chế chống virus – mà kết quả có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm tăng vọt và thường gây tổn hại nhiều hơn đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể.

Khuôn mẫu về giới không phải lúc nào cũng tương tự ở các bệnh truyền nhiễm. Dữ liệu thu được từ các loại virus khác, bao gồm cả cúm, cho thấy kết quả thậm chí lệch sang một chiều hướng khác, đó là phụ nữ chết nhiều hơn đàn ông. Vẫn còn rất nhiều điều cần phải nghiên cứu về chủng virus corona mới, và cho đến nay, chưa có bất kỳ  nghiên cứu nào xem xét cụ thể những yếu tố sinh học này. Chúng ta cũng chưa biết sự khác biệt về sinh học này sẽ phản ứng như thế nào đối với COVID-19. Nhưng chắc chắn nó sẽ có những tác động nào đó.

Yếu tố hành vi cũng có liên quan

Có nhiều dẫn chứng cho thấy rằng những khác biệt về hành vi khiến cho đàn ông có nguy cơ nhiễm và tử vọng do COVID-19 cao hơn phụ nữ. Sẽ rất khó khăn và tốn thời gian để các nhà dịch tễ học có thể hiểu rõ các yếu tố nguy cơ về hành vi. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ tại thời điểm này là những gì chúng ta biết được hiện tại chỉ là các mối tương quan cho thấy những nguy cơ có thể xảy ra, không phải là bằng chứng nào chắc chắn.

Một yếu tố đáng chú ý có thể là tỷ lệ hút thuốc. Trong một bài nghiên cứu vào ngày 17 tháng 3 đã kết luận rằng hút thuốc lá có khả năng dẫn đến sự tiến triển theo chiều hướng tiêu cực và kết quả gây hại do COVID-19. Có một vài lý do được tổ chức WHO đưa ra. Một là, người hút thuốc dễ bị các bệnh về phổi và đây là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh chuyển biến nặng. Lý do còn lại là khi hút thuốc, con người có xu hướng thường chạm tay lên miệng hoặc mặt, khiến cho virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể hơn.

Và hút thuốc thì thường phổ biến ở nam giới hơn là nữ giới. Theo một bài phân tích năm 2017 trên Tạp chí Dịch tễ học và sức khoẻ cộng đồng (Journal of Epidemiology & Community Health), 54% đàn ông trưởng thành Trung Quốc hút thuốc lá, con số này ở phụ nữ Trung Quốc là 2,6%. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (World Bank), trong năm 2016, khoảng 41% đàn ông Hàn Quốc hút thuốc, so với 6% ở phụ nữ nước này. Xu hướng này cũng tương tự ở Tây Ban Nha, Mỹ, nhưng khoảng cách không lớn như ở Trung Quốc, Hàn Quốc.

Bởi vì việc nghiên cứu về vấn đề này còn rất mới, do đó có lẽ cần phải có nhiều thời gian hơn để chúng ta có hiểu rõ hơn tác động của việc hút thuốc đối với virus corona chủng mới.

Những sự khác biệt về văn hoá, xã hội giữa các giới có thể làm trầm trọng hơn tính xu hướng này. Ví dụ, ở Mỹ, hàng loạt nghiên cứu chỉ ra rằng đàn ông ít rửa tay thường xuyên hơn và không chú tâm tìm kiếm các biện pháp chữa trị sớm khi mắc bệnh. Một cuộc bỏ phiếu thăm dò vào ngày 24 tháng 3 của Reuters chỉ ra rằng chỉ rất ít đàn ông coi trọng các cảnh báo về virus corona chủng mới, bao gồm cả việc thay đổi hành vi thường ngày của họ.

Không phải lúc nào cũng xuất phát từ những khác biệt về giới

Trong đại dịch này, thông tin được báo cáo trên toàn thế giới về dịch bệnh rất khác nhau. Và vì thiếu các thử nghiệm và quan ngại về việc số ca tử vong do dịch bệnh có thể không chính xác, chúng ta vẫn chưa có được bức tranh hoàn chỉnh về việc vấn đề về giới tính có được xem là yếu tố nguy cơ đối với căn bệnh này không và sự khác nhau giữa các nước là như thế nào (một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không phân loại ca nhiễm bệnh theo giới tính).

Mặc dù nhiều vấn đề chưa rõ ràng, tuy nhiên, "mô hình" này vẫn duy trì khá ổn định. Phân tích dữ liệu từ khoảng 2.000 bệnh nhân trong đợt bùng phát chính ở Trung Quốc từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 2 năm 2020, cho thấy khoảng 60% bệnh nhân là nam giới. Và Trung Tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc cũng đã ghi nhận tỷ lệ tử vong là 2.8% đối với đàn ông và 1.7% đối với phụ nữ.

Ở Hàn Quốc, đàn ông lại ít bị ghi nhận mắc COVID-19, theo một bài đăng trên tạp chí Clinical Infectious Diseases vào ngày 31/3. Chỉ có 38% bệnh nhân là nam giới. Tuy nhiên, cũng theo bài phân tích này, đàn ông có nguy cơ tử vong gấp 2 lần so với phụ nữ (1.19% ở đàn ông so với 0.52% ở phụ nữ).

Ở Tây Ban Nha, theo báo cáo của Bộ Y tế nước này vào ngày 3 tháng 4, số lượng ca nhiễm COVID-19 ở cả hai giới là tương đương nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ số bệnh nhân nam cần đưa vào điều trị tích cực cao gấp đôi so với phụ nữ - và tất nhiên là nhiều khả năng tử vong hơn, chiếm 2/3 số ca tử vong.

Một nghiên cứu vào ngày 6 tháng 4 ở Lombardy, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề ở Ý, cho thấy 82% bệnh nhân phải đưa vào phòng điều trị tích cực là đàn ông. Và số liệu chung trên toàn nước Ý thì 70% người chết vì dịch bệnh là nam giới.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ không phân loại số ca nhiễm bệnh theo giới tính vào thời điểm này (các bệnh truyền nhiễm khác, như cúm cũng theo phương pháp tương tự). Đây chỉ là một góc nhìn bổ sung cho những ai đang cố gắng hiểu dịch bệnh này, bởi vì Mỹ cho đến nay là nước có số ca nhiễm bệnh cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, một số bang của Mỹ đã công bố số ca nhiễm theo giới tính. Washiongton Post thông tin rằng theo dữ liệu của 13 bang có số ca nhiễm Covid-19 cao và có tiến hành thống kê chi tiết thì tỷ lệ đàn ông chết nhiều hơn phụ nữ. Một nữ y tá làm việc trong đơn vị cấp cứu cũng trao đổi với tờ báo này rằng "nhìn chung, tôi thấy nhiều bệnh nhân nam hơn, và khi họ vào đây, thì đang ở tình trạng nguy kịch".

Vậy, hiểu được tác động khác biệt với từng giới tính giúp chúng ta như thế nào

Hiểu rõ về cách mà chủng loại virus này tác động đến từng giới có thể giúp xác định biện pháp chữa trị hiệu quả nhất đối với từng bệnh nhân. Ví dụ, có thể chú trọng các cách thức can thiệp sớm hoặc khác biệt phù hợp với các bệnh nhân nam, hoặc nhắn tin thông báo về sức khoẻ nhằm vào số có nhiều khả năng không tự giác đi chữa trị sớm, dễ gây ra lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.             

Hiểu rõ hơn về những cách thức phản ứng miễn dịch của đàn ông và phụ nữ đối với chủng loại virus này có thể đóng vai trò quyết định trong việc phát triển vaccine. Có nhiều nghiên cứu khẳng định hiệu quả vaccine lên đàn ông và phụ nữ là rất khác nhau, trong đó phụ nữ thường được bảo vệ tốt hơn sau khi tiêm ngừa. Vì vậy, việc xem xét vấn đề giới tính khi xây dựng và phân tích các thử nghiệm lâm sàn của vaccine lên cả động vật và con người là cực kỳ quan trọng.

Mọi người đều có nguy cơ nhiễm bệnh và cần chung tay đối đầu dịch bệnh

Mặc dù đàn ông thường có tỷ lệ tử vong cao hơn là phụ nữ, nhưng ai cũng đều có nguy cơ, kể cả những người trẻ.

Cũng có một vài yếu tố có thể khiến phụ nữ gặp nhiều rủi ro với bệnh dịch hơn. Ví dụ, theo Cục Điều tra dân số Mỹ thì 76% nhân viên chăm sóc y tế ở nước này là phụ nữ. Điều này có nghĩa là họ ở tuyến đầu chống dịch bệnh và tiếp xúc với những người có khả năng nhiễm bệnh hàng ngày.

Thêm vào đó, khi nghiên cứu sâu hơn vào dữ liệu thì phát hiện các xu hướng mới nổi khác ở các nhóm cộng đồng khác nhau. Ví dụ, theo báo cáo của chính phủ Ý ngày 2 tháng 4, những người từ 90 tuổi trở lên, thì phụ nữ nhiều khả năng tử vong vì COVID-19 hơn đàn ông. Và mặc dù con số tổng thể là khá nhỏ, nhưng dường như phụ nữ ở độ tuổi này có những bệnh lý nền nhất định như suy tim, cao huyết áp hoặc là chứng mất trí nhớ, vì thế khả năng tử vong vì COVID-19 cao hơn đàn ông.

Sau cùng, rõ ràng là chúng ta cần phải tìm hiểu nhiều hơn tại sao một số trường hợp nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới suy hô hấp hoặc tử vong, hoặc bệnh nặng trong khi số nhiễm khác thì lại không, cho dù người đó giới tính gì. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ nhiễm bệnh cũng như lây nhiễm cho người khác. Điều tiên quyết là mọi người cần phải thực hiện phần trách nhiệm của mình như rửa tay, duy trì cách ly xã hội … nhằm ngăn chặn sự lây lan virus trong cộng đồng.

Giang Vu theo Vox

Chủ đề khác