VnReview
Hà Nội

Tại sao WHO không thể xử lý đại dịch Covid-19? (Phần 1)

Bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích, bị ngó lơ bởi những thành viên quan trọng nhất, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang phải đối đầu với một cuộc khủng hoảng lớn. Trong khi đó, giờ đây là lúc mà chúng ta cần tổ chức này nhất.

Nếu đang cách ly tại nhà, hằng ngày dán mắt vào kênh tin tức và lo lắng cho tình hình các nơi thế giới, ắt hẳn bạn sẽ rất quen thuộc với hình ảnh ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, qua các buổi họp báo hằng ngày. Sự xuất hiện của ông Tedros được cho là để giúp xã hội nguôi ngoai trước tình hình dịch bệnh. Ông Tedros luôn xuất hiện cùng với các nhà khoa học, ông luôn tự tin rằng nếu tiếp tục giữ hy vọng và lắng nghe các chuyên gia, cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua được.

Theo dõi những hình ảnh này, nhiều người sẽ được trấn an và tin rằng tất cả các nước đều xem trọng WHO, lắng nghe các khuyến nghị của tổ chức này và cho phép WHO đứng ra tổng hợp thông tin, nguồn lực, trang thiết bị y tế từ khắp các nước để hỗ trợ cho những khu vực cấp thiết nhất.

Nhưng sự thật hoàn toàn không như vậy. Ngày 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải một tweet rằng "WHO thực sự vô dụng. Vì một ý do nào đấy, tổ chức này được Mỹ tài trợ nhiều nhất, nhưng lại đi xun xoe Trung Quốc".

Đây chỉ là một trong nhiều lời chỉ trích mà tổ chức này đang phải đối mặt. Không chỉ Trump, mà thậm chí là cả những thành viên chính phủ ủng hộ tổ chức này, giới hàn lâm, các tổ chức phi chính phủ cũng cho rằng từ khi dịch bệnh bùng phát, tổ chức này đã để xảy ra nạn phân biệt sắc tộc và các biện pháp cách ly khắc nghiệt, cũng như không thể bảo vệ được nền tự do dân chủ, tất cả đều là những mục tiêu mà tổ chức này hướng đến.

David Fidler, chuyên gia về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại và là nhà tư vấn thường xuyên cho WHO, cho biết "Dường như chúng ta đang rơi vào tình huống mà WHO không muốn thể hiện quyền lực của mình".

Trong khi đó, WHO đã phải rất chật vật để thuyết phục 194 thành viên tuân thủ theo các hướng dẫn của tổ chức. John MacKenzie, chuyên gia về virus và là cố vấn trong ủy ban khẩn cấp của WHO, cho biết người đứng đầu tổ chức đã "rất thất vọng". "Các cảnh báo đã được đưa ra rất rõ ràng, nhưng một số nước lại phớt lờ đi. Như Mỹ đã làm và cả Vương quốc Anh cũng vậy".

Ngày 11/3, khi ông Tedros công bố dịch do virus corona gây ra, ông đã phát biểu đầy ẩn ý về "mức độ không hợp tác đáng báo động" từ nhiều nước. Khi được các phóng viên gây sức ép để nêu rõ những thông tin này, người đứng đầu ban chống dịch Covid-19 của WHO, Mike Ryan đã tỏ ra ngần ngại. "Bạn phải biết vị trí của mình", ông nói,"chúng tôi không chỉ trích công khai thành viên của mình".

Donald Trump trong một cuộc họp báo với ban chống dịch tại Nhà Trắng (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Donald Trump trong một cuộc họp báo với ban chống dịch tại Nhà Trắng (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images)

Vấn đề này là vì một lý do đơn giản. WHO có rất ít quyền lực dù trọng trách được giao là khá lớn. Không như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), WHO không có khả năng để ràng buộc hoặc xử phạt các thành viên, dù tổ chức này cũng là một bộ phận của Liên Hợp quốc.

Kinh phí hoạt động thường niên của WHO còn thấp hơn cả nhiều bệnh viện quốc tế, năm 2019 chỉ rơi vào khoảng 2 tỉ USD, và kinh phí này còn chia ra hàng loạt các công trình nghiên cứu và các dự án cộng đồng. WHO không giống như một tướng lĩnh quân đội hay một tổ chức đứng đầu với những quyết định mạnh mẽ.

WHO giống với một vị huấn luyện viên không được trả lương và không có sự tín nhiệm của cầu thủ, thứ họ chỉ có thể làm được vỗ về, lần mò, nịnh hót và thi thoảng nài nỉ các cầu thủ làm theo hướng dẫn.

WHO "thiếu cả về quyền lực lẫn nguồn lực", Richard Horton, biên tập viên tạp chí y khoa Lance, nhận xét. "Khả năng phối hợp và năng lực yếu kém. Tổ chức này hoàn toàn không có khả năng tổ chức một phản ứng toàn cầu để chống lại dịch bệnh đang đe dọa tính mạng con người".

Cùng lúc đó, trật tự thế giới mà WHO đang dựa vào đang mai một đi, chủ nghĩa dân tộc cực đoan trở nên bình thường hóa trên thế giới. "Tất cả các quy tắc trước đây về tiêu chuẩn toàn cầu, sức khỏe cộng đồng và sự hiểu biết về dịch bệnh hoàn toàn sụp đổ", Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm Hợp tác về Luật sự khỏe quốc gia và toàn cầu của WHO, cho biết. "Không ai trong chúng tôi biết người đứng đầu đang ở đâu".

Ảnh poster có hình ông Tedros Adhanom, người đứng đầu tổ chức WHO tại Brazil (Ảnh: Fernando Bizerra Jr/EPA)

Ảnh poster có hình ông Tedros Adhanom, người đứng đầu tổ chức WHO tại Brazil (Ảnh: Fernando Bizerra Jr/EPA)

WHO được thành lập sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi mà chủ nghĩa quốc tế đang trở thành hi vọng. Vào thời điểm đó, ý tưởng một tổ chức toàn cầu đứng ra chống lại dịch bệnh không phải mới lạ. Vào thế kỷ 19, tại Hội nghị Vệ sinh Quốc tế định kỳ, các nước đã chuẩn hóa các quy trình kiểm dịch đối với bệnh tả và sốt vàng da. Nhưng trong hiến pháp của WHO được thông qua vào năm 1948, tổ chức này đã đặt ra một sứ mệnh toàn cầu cao xa hơn, không gì khác là "sự bảo đảm cao nhất về sức khỏe cho tất cả mọi người".

Một trong những câu chuyện thành công được yêu thích của WHO là vai trò của tổ chức này trong cuộc chiến chống dịch đậu mùa, dịch bệnh này vẫn khiến hàng triệu người chết vào những thập niên 50 dù đã có vaccine. Mặc dù WHO có hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu tiêm chủng, nhưng vai trò chính của nó vẫn là tập hợp tổ chức và ngoại giao. Năm 1959, tổ chức này đã thuyết phục Liên bang Xô Viết sản xuất 25 triệu liều vaccine cho WHO phân phối. Không để mình tụt lại phía sau, Mỹ cũng đã đóng góp hàng triệu đô la cho các chương trình nghiên cứu vaccine, cả hai thứ đều được trực tiếp thông qua WHO. Vào cuối thập niên 60, mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều phải gửi báo cáo hàng tuần về số lượng ca nhiễm đậu mùa và tình hình cho WHO. Và vào năm 1979, WHO đã tuyên bố xóa bỏ bệnh đậu mùa, căn bệnh đầu tiên được loại bỏ trong lịch sử thế giới. Dù WHO không bỏ ra nhiều tiền nhất, cũng không giúp số người miễn dịch tăng lên nhiều nhất hoặc phát minh ra các kỹ thuật quan trọng, nhưng thật khó để tưởng tượng bệnh đậu mùa có thể được loại bỏ mà không có tổ chức này.

Nếu câu chuyện về dịch đậu mùa cho thấy WHO đóng vai trò là một tổ chức y tế quốc tế, thì nó cũng không thể giải thích cho vị trí của tổ chức này trong tình hình khẩn cấp, như tiến hành các cuộc khảo sát quốc tế về dịch bệnh và thức hiện các hành động để khống chế dịch. Những chức năng này chỉ mới được thêm vào trong khoảng thời gian giữa thập niên 80 và 90, khi WHO dường như mất đi sự năng động trước đó. Các dịch bệnh trước đó như đậu mùa, sốt vàng da và dịch hạch đã được loại bỏ hoặc đang giảm đi và tốc độ phát hiện ra dịch bệnh mới, như HIV/Aids, còn rất chậm. Từ năm 1988 đến năm 1998, WHO dưới sự lãnh đạo của Tiến sỹ Hiroshi Nakajima, tổ chức WHO trở nên đình trệ, một số thành viên phàn nàn về vấn đề quản lý và có các cáo buộc về tình trạng tham nhũng vặt.

Đã có hai sự kiện diễn ra vào thời khắc chuyển giao giữa thế kỷ 20 và thế kỷ 21 đã định hình nên tổ chức WHO hiện nay. Năm 1998, nguyên thủ tướng Na Uy, Gro Harlem Brundtland được bầu làm tổng giám đốc WHO. Và vào năm 2002, một nông dân tại Quảng Đông (Trung Quốc) mắc phải căn bệnh hô hấp lạ, nó có thể nhanh chóng lây nhiễm cho các y bác sĩ chữa trị và sau đó trở thành dịch bệnh đầu tiên của thế kỷ 21. Dịch bệnh đột ngột xuất hiện, có tốc độ lây lan nhanh chóng, không có phương pháp điều trị hoặc chữa trị.

Gro Harlem Brundtland, tổng giám đốc WHO, cho một bé trai tại New Delhi uống vaccine vào tháng 1/2000 (Ảnh: John Mcconnico/AP)

Gro Harlem Brundtland, nguyên tổng giám đốc WHO, cho một bé trai tại New Delhi uống vaccine vào tháng 1/2000 (Ảnh: John Mcconnico/AP)

Dịch bệnh đã khiến cơ cấu hoạt động của WHO bộc lộ sự hỗn loạn với các nhiệm vụ mơ hồ và quá phụ thuộc vào ngoại giao cũng như người đứng đầu tổ chức. Ngay cả khi chưa nhậm chức, Brundtland đã rất thoải mái trước thế giới. "Xuất thân là một chính trị gia, tôi đã quen với những thẩm quyền này", bà chia sẻ. Brundtland tin rằng các tổ chức quốc tế cần chuẩn bị cho việc lãnh đạo thế giới khi cần thiết, dù có bị chèn ép bởi các nước lớn. "Nếu nhiệm vụ là lãnh đạo và duy trì sức khỏe toàn cầu thì đó không phải là yêu cầu do một hay nhiều chính phủ đưa ra. Chúng tôi làm việc cho cả nhân loại", Brundtland nói.

Brundtland đã thúc đẩy WHO sử dụng các mối liên hệ tại địa phương, các kênh ngoại giao và sử dụng internet để xác định một dịch bệnh tiềm tàng. Tất cả những nỗ lực này giúp WHO nắm bắt thông tin mà không phụ thuộc vào các chính phủ. Chỉ trong vài năm, chiến lược này đã thể hiện tính hiệu quả của nó.

Tháng 11/2002, khi chính phủ Trung Quốc phát hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh lạ, sau là dịch SARS, nhưng WHO lại không được thông báo. Với cách làm việc mới của Brundtland, các nhân viên của tổ chức đã theo dõi các bảng tin cùng kênh truyền thông y tế của Trung Quốc và phát hiện ra một đợt bùng phát dịch viểm phổi không điển hình. Vào ngày 10/2/2003, David Heymann, sau này trở thành giám đốc điều hành phụ trách nhóm bệnh truyền nhiễm của WHO, đã nhận được email từ con trai của cựu nhân viên WHO tại Trung Quốc cảnh báo về "một loại bệnh truyền nhiễm lạ" đã giết chết khoảng 100 người nhưng "không được công bố công khai". Sau đó WHO đã đưa thông tin này cho Trung Quốc và đưa ra báo cáo chính thức đầu tiên vào ngày hôm sau.

Dù WHO không có quyền lực để giám sát và kiểm tra các thành viên, nhưng Brundtland không cảm thấy lo lắng về những gì bà đã làm. Trong những tháng sau đó, bà tiếp tục cáo buộc Trung Quốc bưng bít thông tin và cho rằng đã có thể khống chế dịch bệnh "nếu WHO được can thiệp từ những giai đoạn đầu" và vận động Trung Quốc "cho phép WHO hỗ trợ ngay từ đầu!" Nhanh chóng sau đó, Trung Quốc vỡ trận và bắt đầu chia sẻ thông tin với WHO. Heymann cho biết "Sau tuyên bố của Brundtland với Trung Quốc, các quốc gia khác không còn do dự nữa".

Tháng 3/2003, khi dịch SARS lan rộng tại Hong Kong, Việt Nam và sau đó là Canada, đây là lần đầu tuyên WHO đưa ra khuyến cáo không du lịch đến các nước có dịch. Trước đó, các quyết định này đều do các nước thành viên tự đưa ra. Dù không có bất cứ quyền lực nào để buộc các hãng hàng không tuân thủ nhưng những khuyến cáo vẫn có tác dụng. "Số lượng hành khách và chuyến bay giảm đáng kể ngay khi chúng tôi đưa ra khuyến cáo", Heymann cho biết.

Cách tiếp cận của Brundtland không phải lúc nào cũng được chấp nhận và một số còn kiềm hãm sự thay đổi của WHO. "Không chỉ Trung Quốc. Thị trưởng Toronto (Mel Lastman) bay đến Geneve để yêu cầu chúng tôi dỡ bỏ khuyến cáo di chuyển trong khi ông ấy không có biện pháp biện pháp khống chế dịch vào lúc đó. Ông ấy để những người nhiễm SARS đi lại tự do trên tàu điện ngầm, không lập diện tiếp xúc, không ghi lịch sử di chuyển. Ông ấy không chấp nhận việc chúng tôi khuyến cáo ông ấy phải làm cái này cái kia".

Cách WHO đối phó với SARS đã đạt được thành công lớn. Số người chết trên toàn cầu thấp hơn 1.000 người, trong khi có đến 26 nước bùng phát dịch. Dịch bệnh này được khống chế không chỉ nhờ vaccine và thuốc chữa trị, mà còn có công của NPIs, hay được WHO gọi là "can thiệp phi dược phẩm", ví dụ như: cảnh báo đi lại, theo dõi, kiểm tra và cách ly các ca nhiễm, đồng thời tổ chức thu thập một lượng lớn thông tin từ nhiều quốc gia. Tất cả các biện pháp trên đều được triển khai bằng số quyền lực ít ỏi của WHO, mà nói cách khác là chỉ có thể tuyên truyền. "Brundtland đã làm được việc mà WHO không có quyền hạn để thực hiện. Cố ấy đã làm được điều đó. Cố ấy đã tận dụng thời điểm dịch SARS để kiểm tra những thay đổi triệt để", Fidler nói.

Clare Wenham, giáo sư chính sách sức khỏe toàn cầu tại LSE, cho biết "Sau SARS, vị thế của WHO: rất tốt, chúng ta hãy chính thức hóa việc này". Năm 2005, WHO phát triển thêm một phiên bản mới của Quy định Y tế Quốc tế (IHR), đây là một văn bản pháp lý mà các quốc gia thành viên bị ràng buộc bởi nó. Theo Fidler cho biết, IHR mới là một văn bản cấp tiến. Quy định này yêu cầu các nước thành viên phải chuẩn bị sẵn sàng trước các mối đe dọa sức khỏe cộng đồng theo bộ tiêu chuẩn do WHO đặt ra, phải báo cáo khi bất cứ bệnh dịch nào bùng phát và cả các giai đoạn phát triển tiếp theo. Ngoài ra, WHO cũng đưa ra Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) dựa trên các kênh thông tin riêng của tổ chức dù có hay không sự phản đối của bất cứ nước nào. Trong tình trạng khẩn cấp, các nước thành viên phải tuân thủ chỉ dẫn của WHO và báo cáo mọi biến động cho tổ chức. Ngoài yêu cầu báo cáo ra thì tất cả các yêu cầu còn lại đều là những nội dung mới.

Tuy nhiên, văn bản này vẫn không thể cho WHO quyền lực thật sự khi các thành viên vẫn có thể từ chối tuân thủ. "WHO không giống với NATO, tổ chức này không phải là một hội đồng an ninh", Gian Luca Burci cho biết, ông là tư vấn pháp lý của WHO cho đến năm 2018. Mỹ sau khi có định nghĩa về khủng bố sinh học từ vụ 9/11 đã ủng hộ WHO mở rộng quyền lực. Nhưng những nước đối nghịch, như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, lại tỏ ra dè chừng trước quyết định của Mỹ. Các nước đều có sự miễn cưỡng nhất định khi trao thêm quyền lực cho một tổ chức quốc tế. "Các thành viên của WHO rất hài lòng với hành động của tổ chức khi xảy ra dịch SARS, nhưng chắc chắn có vấn đề đằng sau câu hỏi ‘Nếu chúng ta ở vị trí của Trung Quốc thì sao?'", Catherine Worsnop, giáo sư tại Đại học Chính sách công Maryland, cho biết. Hay nói ngắn gọn là: cảm ơn vì đã giúp ngăn chặn dịch bệnh, nhưng chúng tôi không muốn bị bảo phải làm thế này thế nọ.

Còn tiếp…

 

Minh Bảo theo The Guardian

Chủ đề khác