VnReview
Hà Nội

WMO: Lượng khí thải CO2 đã giảm 6% vì Covid-19 nhưng không đủ giúp chống biến đổi khí hậu

Hôm 22/4 vừa qua, tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas đã đưa ra một con số khiến tất cả chúng ta dường như giật mình về lượng phát thải CO2 ra môi trường của con người.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), lượng CO2 trong khí quyển dự kiến sẽ giảm tới 6% vì đại dịch Covid-19. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Tuy nhiên người đứng đầu WMO cho rằng, kết quả tích cực này chỉ có thể tồn tại trong thời gian ngắn và sẽ không giúp ngăn biến đổi khí hậu. Thậm chí sau khi kết thúc đại dịch Covid-19 này, lượng khí thải CO2 dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn thế sau khi mọi hoạt động đời sống quay trở lại bình thường.

Chia sẻ với Reuters, tổng thư ký Petteri Taalas cho biết:"Đáng tiếc mức giảm 6% chỉ xuất hiện trong ngắn hạn. Trong trường hợp chúng ta có thể quay trở lại cuộc sống bình thường vào năm tới, lượng khí thải có thể sẽ tăng trở lại vì một số ngành công nghiệp đã tiếp tục hoạt động".

Trên thực tế, mức giảm CO2 trên thậm chí không đủ để giúp thế giới đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris hồi năm 2015, tức kiềm chế nhiệt độ trung bình toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Petteri Taalas khẳng định, để đạt được mục tiêu trên, thế giới sẽ phải đạt được mức giảm 7% lượng khí thải hàng năm.

Cũng trong báo cáo công bố hôm 22/4, WMO đã xác nhận giai đoạn 2015-2019 là giai đoạn 5 năm ấm nhất trong lịch sử thế giới với mức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

CO2 đã tồn tại trong khí quyển xuyên suốt nhiều thế kỷ. Do đó ngay cả khi giảm lượng phát thải CO2 cũng khó đem lại những tác động ngay lập tức với khí hậu. Nói cách khác, giảm phát thải CO2 là một quá trình dài hơi và cần được tuân thủ nghiêm ngặt.

WMO nhấn mạnh, ngoài CO2, một số khí nhà kính cũng nguy hiểm không kém như oxit nitơ (NO2). Tuy nhiên dữ liệu công bố mới đây cho thấy nồng độ NO2 tại một số trung tâm công nghiệp ở Trung Quốc và miền bắc Italy đã giảm đáng kể do tác động của đại dịch Covid-19.

Vào ngày kỷ niệm 50 năm Ngày Trái Đất, WMO cho biết, nồng độ CO2 đã tăng 26% kể từ thời điểm đó đến nay và nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,86 độ C.

Taalas khẳng định thêm, biến đổi khí hậu là vấn đề nghiêm trọng đối với toàn cầu và nó nguy hiểm chẳng kém đại dịch Covid-19. Đồng thời ông kêu gọi chính phủ các nước cần chung tay và nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề này giống như cách họ đang chống dịch như hiện nay.

Ông cho rằng: "Covid-19 có thể làm giảm phát thải khí nhà kính tạm thời. Nhưng nó không thể nào thay thế được một hành động khí hậu mang tính bền vững. Chúng ta cần thể hiện quyết tâm và sự thống nhất tương tự để chống lại biến đổi khí hậu. Nhìn một cách lạc quan, chúng ta sẽ học hỏi được từ đại dịch này và ứng dụng cách phản ứng và tinh thần đó để giải quyết vấn đề khí hậu".

Kết thúc báo cáo, WMO cũng kêu gọi chính phủ các nước cần sớm đưa ra các gói kích thích giúp "xanh hóa" nền kinh tế và tích cực sử dụng năng lượng tái tạo.

Mai Huyền

Chủ đề khác