VnReview
Hà Nội

Tại sao rất khó để xác định liệu virus corona có lây qua đường không khí hay không?

Các nhà khoa học hiện đang tranh cãi về một vấn đề quan trọng xoay quanh virus corona, vốn là nguyên nhân gây ra dịch bệnh COVID-19.

covid

Liệu con virus này có lưu lại trong không khí đủ lâu và với số lượng đủ lớn để biến việc lây truyền qua đường không khí trở thành một nguồn lây nhiễm phổ biến? Có vẻ là một câu hỏi đơn giản, nhưng trên thực tế lại là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu.

Chủng mới của virus corona, SARS-CoV-2, lây nhiễm vào cơ thể bệnh nhân chủ yếu thông qua đường hô hấp. Virus sẽ tấn công vào cổ họng, phổi, hoặc mũi của chúng ta, xâm nhập vào các tế bào, và bắt đầu tạo ra những bản sao của chính nó giống như một chiếc máy photocopy vậy. Một vài trong số những bản sao đó sẽ lây nhiễm cho người khác thông qua những mẫu chất lỏng và những hợp chất khác có chứa virus mà các nạn nhân làm bắn vào không khí khi thở hoặc ho, cũng như thông qua các bề mặt và các vật thể bị lây nhiễm bởi các dịch tiết này.

Mọi dịch tiết đều có chứa những hạt ẩm lớn và nhỏ. Các hạt lớn hơn, hay "giọt dịch", chỉ có thể di chuyển một khoảng ngắn trước khi rơi xuống đất. Tuy nhiên, các hạt nhỏ hơn lại có thể trôi nổi trong không khí trong rất lâu trước khi rơi xuống hoặc bay hơi. Do đó khi các nhà khoa học nhận định một con virus có thể lây nhiễm qua không khí, như sởi chẳng hạn, họ sẽ xem nó có thể tồn tại nguyên vẹn bên trong những khí dung siêu nhỏ kia không, và qua đó có thể lây nhiễm cho những người khác sau khi người bệnh đã rời khỏi phòng một thời gian dài hay không.

Chúng ta đã biết rằng SARS-CoV-2 lây lan một cách dễ dàng thông qua các giọt dịch lớn – đó là lý do tại sao chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội một cách nghiêm túc trong thời gian qua. Vượt qua quãng thời gian này, các chuyên gia nói rằng nguy cơ lây nhiễm virus thông qua các giọt dịch sẽ thấp đi đáng kể. Nhưng nếu virus corona có thể liên tục truyền qua khí dung, thì những biện pháp phòng ngừa nói trên nhiều khả năng vẫn quá ít ỏi. Vời người bình thường, đây đã là tin xấu, nhưng với các nhân viên y tế hay các nhóm nguy cơ cao khác vốn dành phần lớn thời gian để chăm sóc và tiếp xúc với người nhiễm bệnh, thì đây quả thực là thông tin kinh hoàng.

Vào giữa tháng 3, các nhà nghiên cứu đã đăng tải một công trình trên tạp chí dược New England và một số hãng truyền thông đã xem nó như một bằng chứng chắc chắn về việc virus có thể lây truyền qua không khí. Thí nghiệm này của các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dưới một số điều kiện cụ thể, virus có thể "bất động" trong không khí trong ít nhất 3 giờ đồng hồ. Nhưng sau khi đăng tải, các nhà khoa học khác đã chỉ trích việc các hãng truyền thông đưa tin về nghiên cứu, ý nghĩa đằng sau nó, và chính bản thân nghiên cứu.

"Chúng tôi chỉ muốn nêu ra rằng nghiên cứu này không xác nhận khả năng lây truyền qua khí dung của virus" – Sanjay Jain, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại John Hopkins cho biết. "Điều đó không có nghĩa là không có khả năng lây truyền qua khí dung – chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về nó".

Theo Jain, một trong những lý do nghiên cứu nêu trên bị chỉ trích là bởi các nhà nghiên cứu đã không giả lập các điều kiện thế giới thực nhằm tìm hiểu khả năng lây qua không khí của virus. Thay vào đó, họ sử dụng một thiết bị là máy phun sương để tạo ra các hạt khí dung hóa. Các nhà nghiên cứu không giấu giếm điều này, nhưng nó có nghĩa là bạn không thể giả định những tình huống tương tự cũng sẽ xảy ra trong môi trường ngoài phòng thí nghiệm.

Chúng ta biết rằng những quy trình y tế nhất định được tiến hành trên các bệnh nhân COVID-19, như can thiệp bằng máy thở cơ khí, có thể gây ra một lượng lớn khí dung truyền nhiễm. Trong quá trình thực hiện những quy trình đó, các nhân viên y tế cần sử dụng nhiều trang thiết bị bảo vệ hơn, chủ yếu là mặt nạ phòng độc, như N95, để luôn an toàn. Nhưng trong những tình huống quan trọng khác, bằng chứng cho thấy COVID-19 có thể lây truyền qua khí dung là rất ít ỏi, ít nhất cho đến thời điểm này.

covid

Ví dụ, hồi đầu tháng 4, các nhà khoa học tại Trung Quốc đã công bố một nghiên cứu sàng lọc về một đợt dịch giả hiệu lây nhiễm trong một nhóm 10 người, mà nhiều khả năng xuất phát từ một khách hàng dùng bữa trong nhà hàng. Bệnh nhân A1 ngồi ở hàng giữa của một dãy bàn ở phía cuối nhà hàng, trong khi 9 ca còn lại ngồi ở bên trái hoặc phải của người khách hàng kia. Bởi các bàn ăn đều tương đối gần nhau và trong phạm vi phủ sóng của một máy điều hòa không khí (AC), các nhà nghiên cứu đưa ra dự đoán rằng AC đã mang những hạt dịch của người đầu tiên đi qua lại giữa các bàn. Nếu virus có khả năng lây qua không khí, thì các khách hàng ngồi ở phía xa cũng phải bị nhiễm bệnh. Nhưng không ai nhiễm bệnh cả.

Tất nhiên, bằng chứng cho thấy lây nhiễm qua khí dung không phải là không có. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra RNA của virus trong các mẫu lấy từ không khí trong các phòng bệnh viện nơi có bệnh nhân lây nhiễm nằm, hoặc tại những nơi mà virus chỉ có thể đến được nếu nó bay trong không khí, như trong ống dẫn khí chẳng hạn. "Nhưng những nghiên cứu này cũng có những hạn chế riêng" – theo lời Petros Karakousis, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại John Hopkins. "Các bài test của Trung Quốc chủ yếu dùng để phát hiện sự hiện diện của virus thường không nêu được liệu lượng virus còn sống sót trong không khí có đủ để thực sự lây nhiễm cho người khác hay không". Do đó những bài test này có lẽ chỉ tìm ra được những dấu vết không nguyên vẹn, không có khả năng lây nhiễm của virus.

Các nghiên cứu khác về các phòng bệnh viện đã phát hiện ra kết quả ngược lại, rằng không có dấu hiệu của virus lây truyền trong không khí. Và một số nghiên cứu liên quan các nhân viên y tế thì cho thấy rằng khẩu trang phẫu thuật cũng đã đủ để bảo vệ khỏi lây nhiễm như khẩu trang N95, ngay cả trong quá trình thực hiện những quy trình có thể tạo ra khí dung. Nói cách khác, các bằng chứng về khả năng lây truyền trong không khí của virus corona vẫn rất mâu thuẫn với nhau.

Điều đó không có nghĩa chúng ta có thể lơ là cảnh giác, cũng như không cần tiến hành thêm nghiên cứu nào nữa. CDC và WHO vẫn khuyên các nhân viên y tế sử dụng khẩu trang N95 khi tiến hành các quy trình có khả năng phát sinh khí dung. Trong khi đó, một số nhân viên y tế cho rằng nhiều quy trình khác, bao gồm quy trình ép lồng ngực để hồi sức tim phổi, nên được xem là một quy trình phát sinh khí dung và cần sử dụng trang phục bảo vệ phụ trợ.

Dù biết được virus corona không lây truyền qua không khí cũng chẳng thay đổi được sự thật là chúng ta cần thực hiện giãn cách xã hội, nhưng điều đó ít ra sẽ giúp chúng ta tránh được những sai lầm không đáng có khi tái mở cửa nhiều phần của cuộc sống thường ngày. Với hầu hết mọi người, cách tốt nhất có thể làm để tránh bị nhiễm hoặc lan truyền virus vẫn là ở nhà càng nhiều càng tốt, tránh xa những đám đông lớn và tiếp xúc gần với những người bên ngoài gia đình bạn. Đó vẫn là một lời khuyên tốt dù cho virus corona có thể lây truyền qua không khí hay không đi chăng nữa.

Minh.T.T (theo Gizmodo)

Chủ đề khác