VnReview
Hà Nội

Dịch Covid-19 có thể giúp chúng ta phòng tránh cúm mùa tốt hơn trong tương lai

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang đưa ra các biện pháp khác nhau nhằm làm chậm sự lây lan của Covid-19. Cụ thể, các biện pháp đó là cách ly, giãn cách xã hội, đóng cửa các trường học, nhà hàng và các địa điểm công cộng khác. Chính phủ các nước cũng khuyến khích người dân nên thực hiện nhiều biện pháp khác để bảo vệ bản thân bao gồm đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã đưa ra bằng chứng rằng đại dịch hiện nay có thể tác động đến việc lây truyền cúm mùa và nó có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh cúm trong năm nay. Nhưng tại sao lại như vậy? Để hiểu rõ hơn, hãy nhìn vào những dấu hiệu tổng quan dưới đây về việc truyền nhiễm cúm mùa.

Thói quen vệ sinh

Đại dịch Covid-19 đã khiến các cơ quan y tế phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay, sát khuẩn và giãn cách xã hội. Khi được thực hiện đúng cách, các biện pháp y tế công cộng đơn giản này có thể mang lại hiệu quả trong việc hạn chế sự lây lan của các bệnh về đường hô hấp như cúm mùa.

Tương tự như Covid-19, bệnh cúm lây lan qua các giọt chất lỏng, như nước mũi và nước bọt của người bệnh. Theo thời gian, virus sẽ truyền qua tay và những bề mặt khác. Rửa tay bằng nước ấm và xà phòng có tác dụng loại bỏ những giọt nước này trên tay chúng ta, tiêu diệt virus. Việc khử khuẩn hoạt động bằng cách vô hiệu hóa virus trên tay hoặc bề mặt bị ô nhiễm.

Trước đại dịch, vấn đề rửa tay hầu như không được xem trọng. Một nghiên cứu của Anh cho thấy, hầu hết mọi người không rửa tay đúng cách. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chỉ có 32% nam giới và 64% nữ giới rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Trái lại, một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 3 vừa rồi cho thấy 83% những người tham gia khảo sát hiện đang rửa tay thường xuyên hơn. Mặc dù chúng ta không biết rõ là liệu họ có rửa tay trong vòng 20 giây như khuyến nghị không, nhưng nếu con số trên đại diện cho phần lớn dân số nước Anh thì nó sẽ góp phần giảm thiểu việc truyền bệnh cúm.

Đóng cửa các trường học

Một số nhóm người sẽ có khả năng dễ nhiễm bệnh hơn những người khác. Đôi khi điều này xảy ra không rõ lý do và đôi khi nó được gây ra bởi các yếu tố cơ bản khác (bao gồm cả tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim) khiến mọi người dễ bị lây nhiễm hơn.

Đối với bệnh cúm, trẻ em đi học ở trường được xác định là một nhóm dễ mắc bệnh và chúng dường như có tỷ lệ mắc bệnh cao mỗi khi bùng phát. Điều này một phần là do khả năng miễn dịch của trẻ em thấp hơn và môi trường tiếp xúc với nhiều người khiến bệnh dễ lây lan trong trường học.

Với việc đóng cửa trường học trên toàn quốc của nhiều quốc gia để làm chậm sự lây lan của virus corona, nhiều trẻ em hiện đang an toàn ở nhà. Điều này hợp lý bởi nó có thể hạn chế việc truyền bệnh cúm ở một mức độ nhất định.

Giãn cách xã hội

Một yếu tố chính khác ảnh hưởng đến việc truyền bệnh cúm là mức độ tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh. Một nghiên cứu cho thấy người bị cúm có thể truyền bệnh qua các giọt bắn đến khoảng cách lên tới 1,8 mét.

Điều này có thể xảy ra thông qua ho, hắt hơi hoặc trò chuyện.

Sau khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, các cơ quan y tế đã kêu gọi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Hạn chế các cuộc tụ họp đông người, chỉ nên đi lại khi cần thiết và hầu hết các công ty đều chấp nhận làm việc từ xa. Mọi người cũng được yêu cầu giữ khoảng cách 2m đối với người ngoài.

Những biện pháp này có thể làm giảm lây truyền bệnh trên diện rộng và cũng có thể hạn chế lây truyền bệnh cúm dựa trên những gì chúng ta biết về khoảng cách những những giọt bệnh này có thể lây nhiễm.

Những con số này thực sự nói lên điều gì?

Mặc dù những sự liên kết này có ý nghĩa, nhưng chúng ta vẫn chưa biết rõ được mức độ mà tỷ lệ cúm có thể giảm.

Đánh giá khả năng người bị nhiễm bệnh có thể là thách thức. Các triệu chứng của cúm có thể tương tự như các triệu chứng do nhiễm trùng khác. Cũng đáng lưu ý rằng chỉ những bệnh nhân đến cơ sở chăm sóc sức khỏe có triệu chứng cúm mới được tính.

Mặc dù vậy, trong tuần thứ hai của tháng 2 năm 2020, Nhật Bản đã báo cáo giảm 60% các trường hợp cúm so với cùng tuần năm 2019.

Báo cáo hàng tuần từ Y tế công cộng Anh (Public Health England) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu cũng báo cáo tỷ lệ mắc bệnh cúm giảm trong cùng thời kỳ so với các năm trước.

Tuy nhiên, nếu những quốc gia này bị hạn chế trong việc tiến hành xét nghiệm cúm do các cơ sở chăm sóc sức khỏe bị quá tải trong đại dịch thì những con số này có thể không phản ánh đúng thực tế. Tương tự như vậy, những con số này có thể khác với thực tế, vì mọi người có thể không đến bệnh viện khám vì sợ cho rằng bị nhiễm Covid-19. Do đó, những ước tính này nên được giải thích thận trọng.

Hiện tại vẫn chưa rõ liệu việc giảm lây truyền có làm giảm biến chứng và tỷ lệ tử vong vì cúm không.

Nhưng điều quan trọng là chúng tôi cố gắng tìm hiểu về nó vì các trường hợp cúm phức tạp sẽ gây thêm gánh nặng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và điều này có thể mang lại ý nghĩa cho sự nỗ lực của chúng tôi trong việc đối phó với Covid-19. Do đó, chúng tôi cần nhiều dữ liệu và nghiên cứu nhiều hơn về vấn đề này.

Mặc dù thói quen rửa tay và giãn cách xã hội của chúng ta để đối phó với Covid-19 cũng có thể có khả năng giảm lây truyền cúm thì các biện pháp "khóa chặn" cũng chỉ là tạm thời và cúm còn là một loại virus khó lường.

Chúng ta có thể làm hết sức mình để ngăn chặn tác động của cả Covid-19 và cúm bằng cách làm theo hướng dẫn của chính phủ. Khi làm như vậy, chúng ta có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Zenda

Chủ đề khác