VnReview
Hà Nội

Virus SARS-CoV2 có thể đang khai thác “lỗ hổng” trong cơ chế miễn dịch của cơ thể?

Các nhà khoa học suy đoán rằng, virus có thể đang "khai thác lỗ hổng" trong cơ chế phản ứng phòng vệ của cơ thể con người.

Theo một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học tại MIT (Viện công nghệ Massachusetts) và Đại học Harvard công bố, virus SARS-CoV2 có thể đang lây nhiễm cho con người bằng cách "khai thác" một thành phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra điều này sau những phát hiện trước đó về mục tiêu tấn công của virus và cách chúng xâm nhập vào tế bào chủ yếu thông qua thụ thể enzyme ACE2 (Angiotensin-converting enzyme 2). Hỗ trợ cho thụ thể này là enzyme TMPRSS2.

Trong nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học phát hiện thấy các thụ thể ACE2 do hệ thống miễn dịch kích thích sản sinh ra chính là "người mở toang cánh cửa" cho virus xâm nhập vào cơ thể người.

Các nhà khoa học đã mô tả chi tiết cách thức interferons (một loại protein cảnh báo các tế bào khác về sự hiện diện của virus và có nhiệm vụ kích thích protein ACE2) làm cho virus lây nhiễm tới nhiều tế bào hơn.

Khi protein ACE2 xuất hiện, đó thường là phản ứng có ích của hệ miễn dịch. Nhưng vì virus SARS-CoV2 đánh vào ACE2 như mục tiêu chính, các nhà khoa học suy đoán rằng, virus có thể đang khai thác phản ứng bảo vệ của con người để làm gia tăng số tế bào bị lây nhiễm.

Giới nghiên cứu từ lâu đã chỉ ra virus corona gây ra hội chứng SARS hồi năm 2002-2003 bằng cách bám vào một thụ thể có tên ACE2 trên màng tế bào.

Nhưng với nghiên cứu mới nhất về virus SARS-CoV2, các nhà khoa học nhận thấy interferon chính là nguồn kích thích sản sinh loại protein này. Interferon là một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các động vật nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư). Interferon cũng là một loại cytokine, được tế bào sản sinh ra khi chúng cảm thụ với virus. Chất này có đặc tính giúp ức chế sự hoạt động của mARN qua đó làm giảm khả năng sinh sôi của virus.

Khi cơ thể tạo ra nhiều ACE2, chúng vô tình trở thành mục tiêu tấn công của virus. Nhóm Human Cell Atlas Lung Biological Network cho biết có ba loại interferon và hai trong số đó có thể kích thích sản sinh ACE2 trong đường hô hấp của con người.

Phát hiện mới nhất của nhóm nghiên cứu đã phần nào khẳng định việc chúng ta có thể đang bỏ qua thụ thể này trong nghiên cứu cách phòng chống và chữa trị Covid-19.

Ordovas-Montanes, một thành viên nhóm nghiên cứu nhấn mạnh: "Một khi bạn hiểu được những tế bào nào bị nhiễm bệnh, bạn sẽ bắt đầu đặt câu hỏi: Làm thế nào các tế bào đó hoạt động? Liệu những tế bào này có liên quan gì đến vòng đời của virus?".

Dựa vào cơ chế virus khai thác ACE2 của hệ miễn dịch để tấn công vào nhiều tế bào hơn trong cơ thể, chúng ta có thể tìm ra cách ngăn chặn cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV2.

Interferon hiện đã được thử nghiệm trong điều trị Covid-19 và trước đó đã sử dụng trong các nghiên cứu lâm sàng tìm thuốc chữa trị Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Hồi đầu tháng Tư, nhóm nghiên cứu đến từ Pháp đã tiết lộ về hiệu quả chữa trị của nhóm protein Type I interferons đối với SARS và MERS. Quả thực virus SARS-CoV2 nhạy cảm với interferons hơn cả SARS.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu Ordovas-Montanes cho biết vẫn chưa rõ interferons liệu có hại hay có lợi cho bệnh nhân mắc Covid-19. Sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để xác nhận điều này.

Phát hiện trên của nhóm nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Cell mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác