VnReview
Hà Nội

Những hiểu lầm tai hại về các loại thực phẩm được đồn thổi giúp bảo vệ cơ thể trước Covid-19

Có nhiều lầm tưởng cho rằng, tỏi hay vitamin C có thể là những "thần dược" giúp chống lại virus SARS-CoV2 nhưng đây hoàn toàn là những tin đồn chưa được kiểm chứng.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, đã có nhiều thuyết âm mưu hay tin giả đồn thổi về một số loại thực phẩm và dưỡng chất bổ sung có thể giúp ngăn ngừa hoặc chữa khỏi Covid-19. Mặc dù WHO đã khẳng định tất cả thông tin này đều không có cơ sở khoa học nhưng một số tin đồn về các "thần dược" giúp chống lại Covid-19 vẫn tiếp tục lưu truyền.

Theo Sciencealert, tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ bản thân trước Covid-19 nhưng hiện tại chưa có bằng chứng khoa học cho thấy những loại thực phẩm và chất bổ sung có công dụng chống lại Covid-19. Dưới đây là một số tin đồn hay lầm tưởng không nên nghe theo.

Lầm tưởng 1: Ăn tỏi chống Covid-19

Có một số bằng chứng cho thấy tỏi có tác dụng kháng khuẩn nhờ các hoạt chất trong tỏi như allicin, allyl alcohol và diallyl disulfide. Đặc biệt các hoạt chất này giúp chống lại một số vi khuẩn như salmonella (bệnh đường tiêu hóa) và staphylococcus aureus (bệnh về da).

Tuy nhiên chưa có nhiều công trình khoa học tìm thấy khả năng chống virus của tỏi. Mặc dù ăn tỏi là một thói quen tốt cho sức khỏe nhưng tuyệt nhiên chưa có bằng chứng khẳng định ăn tỏi giúp chống virus SARS-CoV2.

Lầm tưởng 2: Chanh

Một số video lan truyền trên Facebook cho rằng, uống nước ấm với một vài lát chanh có thể giúp chống lại Covid-19, mặc dù chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận chanh có thể chữa khỏi căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.

Tất nhiên chanh là một nguồn cung cấp vitamin C tốt và rất quan trọng giúp các tế bào miễn dịch hoạt động tốt, nhưng nhiều loại trái cây và rau quả khác cũng có chứa rất nhiều vitamin C.

Lầm tưởng 3: Uống vitamin C để chống dịch

Như đã nói ở trên, vitamin C là một chất tham gia hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch, nhưng nó không phải dưỡng chất duy nhất giúp đảm bảo một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hầu hết các hiểu lầm về tác dụng của vitamin C đến từ suy nghĩ cho rằng, vitamin C giúp tăng cường sức đề kháng và làm giảm nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh thông thường.

Bên cạnh đó, cảm lạnh thông thường cũng rất khác so với việc nhiễm Covid-19. Vì vậy vitamin C không phải là thần dược mà nhiều người tin rằng có thể chống lại Covid-19.

Lầm tưởng 4: Ăn thực phẩm có tính kiềm

Tin giả trên mạng xã hội cho rằng, cơ thể người có thể chống lại virus SARS-CoV2 nếu ăn thực phẩm có độ pH cao hơn độ pH của virus. Cụ thể độ pH dưới 7 được coi là có tính axit, độ pH 7 là trung tính và trên pH 7 là kiềm.

Suy ra một số thực phẩm và rau quả có tính kiềm được cho là có thể chữa Covid-19 gồm chanh vàng hoặc xanh, cam, trà nghệ và bơ.

Nhưng thực tế tin giả lại đưa ra những chỉ dẫn phản khoa học. Chẳng hạn độ pH của một quả chanh là 2, tức là độ axit rất cao. Hay như có một số chỉ dẫn sai lệch cho rằng, những thực phẩm có tính axit sẽ trở thành kiềm sau khi chuyển hóa trong cơ thể.

Nhìn chung chưa có bằng chứng rõ ràng về thực phẩm có chứa tính kiềm với cơ chế phòng và chữa trị Covid-19. Thậm chí nếu sử dụng không cẩn thận, nó có thể ảnh hưởng đến độ pH trong máu, tế bào hoặc mô của chúng ta.

Lầm tưởng 5: Chế độ ăn nhiều chất béo và ít carbohydrate

Một số người truyền tai nhau rằng, chế độ ăn nhiều chất béo và ít carbohydrate, hay còn gọi là chế độ ăn keto sẽ giúp bảo vệ cơ thể chống lại Covid-19.

Lời khuyên này được đưa ra vì nhiều người cho rằng chế độ ăn này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Mặc dù đã có một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn keto giúp ngăn ngừa hoặc hỗ trợ điều trị cúm, nhưng đó là nghiên cứu trên chuột và hiện chưa có thử nghiệm nào trên người xác nhận chế độ này có tác dụng tương tự hay không.

Lời khuyên

Hiệp hội Dinh dưỡng Anh (BDA) khẳng định, không có thực phẩm hoặc dưỡng chất bổ sung nào có thể giúp bảo vệ cơ thể trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19 hoặc tiêu diệt virus. Do đó, BDA khuyên mọi người nên thực hiện theo các khuyến nghị về chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để nâng cao hệ thống miễn dịch.

Một chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng có chứa 5 nhóm thực phẩm chính để đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Một số chất dinh dưỡng chúng ta có thể lấy từ chế độ ăn gồm đồng, sắt, kẽm, selen, vitamin A, B6, B12, C và D. Đây đều là các khoáng chất và vitamin hỗ trợ rất tốt cho hệ miễn dịch.

Ngoài ra, mọi người cần tuân thủ các biện pháp phòng chống Covid-19 như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi đông người, thực hiện giãn cách xã hội để tự bảo vệ chính mình.

Đặc biệt với những ai đang phải ở nhà cách ly và hạn chế tiếp xúc với ánh sáng bên ngoài, họ có thể tự bổ sung thêm các thực phẩm giàu vitamin D như lòng đỏ trứng, cá, ngũ cốc hoặc viên uống bổ sung vitamin D.

Tiến Thanh

Chủ đề khác