VnReview
Hà Nội

Làm thế nào các nhà khoa học khẳng định SARS-CoV2 không phải nhân tạo?

Thông qua một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Mỹ tin rằng, SARS-CoV2 là một sản phẩm của quá trình chọn lọc tự nhiên và do chính virus tự biến đổi để có khả năng lây lan từ con người sang con người.

Hôm 16/4 vừa qua, chính phủ Mỹ đề cập khả năng sẽ mở cuộc điều tra liên quan đến cáo buộc dịch Covid-19 có nguồn gốc từ phóng thí nghiệm virus ở Vũ Hán. Trong đó ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không quên nhắc trước Bắc Kinh về việc cần hợp tác để làm rõ vấn đề trên.

Theo tin tình báo Mỹ, virus SARS-CoV2 có thể đã bằng cách nào đó thoát ra khỏi phòng thí nghiệm tại Viện virus học ở Vũ Hán trước khi lây ra toàn cầu. Nhưng theo các chuyên gia y tế và các nhà khoa học, cáo buộc cho rằng virus SARS-CoV2 là sản phẩm nhân tạo là phi thực tế.

Dưới đây là thông tin về nguồn gốc của virus SARS-CoV2 do trang Live Science cung cấp.

Khi đại dịch Covid-19 đang lan ra toàn cầu với số ca nhiễm đã lên tới 3,6 triệu người, ngày càng có nhiều thuyết âm mưu và cả các tuyên bố có bằng chứng cáo buộc Trung Quốc đã phát tán dịch bệnh từ một phòng thí nghiệm ra khắp thế giới.

Tuy nhiên dựa trên các phân tích và đánh giá khoa học, SARS-CoV2 không hẳn là sản phẩm trong phòng thí nghiệm phán tán ra ngoài.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Scripps ở San Diego, California đã so sánh bộ gien của virus SARS-CoV2 với 6 loại virus khác thuộc nhóm coronavirus gồm: HKU1, NL63, OC43 và 229E, SARS, MERS. Trong đó SARS, MERS và SARS-CoV2 được biết đến với khả năng gây ra các triệu chứng nặng. Trong khi đó các virus còn lại chỉ gây các triệu chứng nhẹ.

Kết luận nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ khẳng định: "Các phân tích của chúng tôi cho thấy rõ ràng, SARS-CoV2 không có cấu trúc giống như được phát triển trong phòng thí nghiệm hoặc một loại virus bị thao túng có chủ đích".

Kristian Andersen, phó giáo sư miễn dịch học và vi sinh học tại Viện nghiên cứu Scripps cùng các đồng nghiệp đã xem xét khuôn mẫu di truyền của các protein hình gai nhô ra khỏi bề mặt của virus. Các virus thuộc nhóm coronavirus thường sử dụng các gai này để bám lên bên ngoài tế bào chủ và sau đó bắt đầu quá trình xâm nhập vào bên trong nhân tế bào.

Nhóm nghiên cứu sau đó đã tiến hành phân tích các trình tự gien liên quan đến hai chức năng của các gai protein này. Nó bao gồm khả năng bám lấy tế bào và sau đó tách màng tế bào để xâm nhập vào bên trong.

Phân tích cho thấy, những chiếc gai "móc" của SARS-CoV2 nhắm vào một thụ thể ở bên ngoài tế bào là ACE2. Nó đặc biệt hiệu quả trong việc gắn vào các tế bào của con người. Do đó các nhà khoa học tin rằng, những gai protein này là kết quả của quá trình chọn lọc tự nhiên chứng không phải là kỹ thuật di truyền.

Đây cũng là lý do chính dẫn đến việc SARS-CoV2 có liên quan rất chặt chẽ với virus gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS hồi năm 2003. Sở dĩ các nhà khoa đặt cái tên SARS-CoV2 cho virus mới là vì có một số thay đổi trong mã di truyền khiến virus này có có đôi chút khác biệt so với SARS-CoV.

Tuy nhiên trong các mô phỏng trên máy tính, các gai của SARS-CoV2 dường như không giúp virus liên kết với tế bào. Nếu các nhà khoa học cố tình tạo ra loại virus này, họ sẽ không chọn các đột biến gen mà các mô hình máy tính cho rằng, nó sẽ không hiệu quả trong việc bám vào tế bào của con người.

Thú vị thay thiên nhiên thông minh hơn các nhà khoa học tưởng tượng rất nhiều. Nghiên cứu khẳng định, chính tự nhiên đã giúp con virus SARS-CoV2 tự biến đổi và giúp nó thích nghi với việc xâm nhập vào tế bào của con người theo cách hoàn toàn khác biệt so với khoa học tạo ra.

Ngoài ra, một lưu ý có thể củng cố cho tuyên bố của nhóm nghiên cứu đó là cấu trúc phân tử tổng thể của SARS-CoV2. Theo nghiên cứu, tổng thể cấu trúc phân tử của loại virus này khá khác biệt so với các loại coronavirus đã biết trước đó. Đặc biệt nó gần giống với cấu trúc phân tử của một số loại virus chưa từng gây bệnh cho con người được tìm thấy trên dơi và tê tê.

Một thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Nếu ai đó đang tìm cách chế tạo một coronavirus giống như một mầm bệnh, họ sẽ tạo ra nó từ virus có khả năng gây bệnh chứ".

Vậy virus SARS-CoV2 đến từ đâu?

Các nhà khoa học đã đưa ra hai kịch bản có thể liên quan đến nguồn gốc của SARS-CoV2. Một kịch bản gắn với các loài virus đã từng gây ra đại dịch gần đây.

Trong kịch bản này, virus SARS được biết đã lây trực tiếp từ cầy hương sang người. Hay như đại dịch MERS cũng lây từ lạc đà sang người. Với SARS-CoV2, giới khoa học nghi ngờ dơi chính là nguyên nhân chính lây virus này sang con người. Cũng với kịch bản này, các đặc điểm di truyền làm cho loại virus mới này lây nhiễm rất nhanh cho các tế bào trong cơ thể.

Còn với kịch bản thứ hai, những đặc điểm gây bệnh của SARS-CoV2 được cho chỉ phát triển sau khi virus truyền từ vật chủ sang người. Cụ thể, một số loại virus corona có nguồn gốc từ tê tê có cấu trúc móc tương tự như SARS-CoV2. Do đó một con tê tê có thể trực tiếp hoặc gián tiếp truyền virus đó sang vật chủ mới.

Và một khi ở bên trong cơ thể vật chủ, virus sẽ tiếp tục tiến hóa và có thêm những năng lực mới, ví dụ như khả năng xuyên thủng màng bảo vệ và chui vào trong nhân tế bào. Một khi sở hữu năng lực mới, SARS-CoV2 nhanh chóng trở thành tai họa khi nó có thể tiếp tục lây lan từ người sang người.

Như vậy với các phân tích trên của các nhà khoa học Mỹ, giới y học có thể dự báo được tương lai của đại dịch này. Nếu virus này tự biến đổi để có khả năng xâm nhập vào tế bào của con người thì nó sẽ tiếp tục lây nhiễm từ người sang người. Đặc biệt nó vẫn đang tồn tại trong quần thể các loài động vật và có thể tiếp tục truyền sang người bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên cơ hội bùng phát trở lại một đại dịch như Covid-19 sẽ thấp hơn trong tương lai nếu như virus phải xâm nhập vào con người, sau đó tiến hóa để có khả năng lây nhiễm và gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác