VnReview
Hà Nội

Trung Quốc phóng tên lửa mạnh nhất, một bước nhỏ trong tham vọng thám hiểm sao Hỏa, Mặt trăng

Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa mạnh nhất của mình từ trước đến nay, Long March-5B (Trường Chinh 5B) hôm 5/5 vừa qua từ Trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương ở Hải Nam. Tên lửa được thiết kế để đưa các phi hành gia lên quỹ đạo Trái đất thấp hoặc thậm chí quanh Mặt trăng.

Theo Tân Hoa Xã, tên lửa được trang bị một cặp động cơ YF-77 chạy bằng nhiên liệu hydro và tám động cơ tăng áp chạy bằng dầu hỏa, có thể chở trọng tải 24,55 tấn lên quỹ đạo với lực đẩy gần 2,4 triệu pound (khoảng 1.200 tấn). Để so sánh, mỗi tên lửa Falcon 9 của SpaceX (Mỹ) tạo lực đẩy khoảng 1,7 triệu pound khi cất cánh và giảm nhẹ đi một chút trong không gian.

Trường Chinh 5B được thiết kế để chở hành khách, nhưng chuyến bay này không có ai. Thay vào đó, tên lửa đã nâng một toa hình viên đạn nguyên mẫu khổng lồ dài gần 21m được thiết kế để mang theo một phi hành đoàn 6 người lên vũ trụ. Toa hành khách hàng được cho là tương tự như những gì Trung Quốc sử dụng làm module lõi của Trạm vũ trụ Tianhe (Thiên Hà) sắp tới của họ. Trạm vũ trụ sắp tới dự kiến hoàn thành vào năm 2022.

Trung Quốc phóng tên lửa mạnh nhất, một bước nhỏ trong tham vọng thám hiểm sao Hỏa, Mặt trăng

Để có thể hoàn thành việc xây dựng trạm không gian vào trước hoặc sau năm 2022, Trung Quốc sẽ thực hiện 12 chuyến bay vào vũ trụ. Tiếp sau vụ phóng tên lửa này, Trung Quốc sẽ phóng module lõi Thiên Hà, 2 phòng thí nghiệm không gian Vấn Thiên (Wentian) và Mộng Thiên (Mengtian) vào vũ trụ.

Trong quá trình đó, Trung Quốc cũng sẽ 4 lần phóng tàu Thần Châu (Shenzhou) đưa người và 4 lần phóng phi thuyền Thiên Châu (Tianzhou) đưa hàng vào vũ trụ, nhằm tiếp tế cho trạm và thay các kíp phi hành gia.

Hiện việc nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp module lõi và phòng thí nghiệm đang được gấp rút tiến hành, các nhà du hành thực hiện 4 chuyến bay xây trạm không gian cũng đang được huấn luyện. Nhóm phi hành gia dự bị thứ 3 sẽ bắt đầu tuyển lựa vào giữa năm nay.

Năm 2024, trạm không gian nàу của Trung Quốc có thể sẽ trở thành trạm vũ trụ duу nhất trong không gian nếu trạm vũ trụ ISS do Mỹ dẫn đầu vận hành ngừng hoạt động theo kế hoạch.

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xây dựng một trạm không gian trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã phát triển hai trạm vũ trụ nguyên mẫu là Tiangong-1 (Thiên Cung 1) và Tiangong-2 (Thiên Cung 2), quay quanh Trái đất lần lượt từ 2011 đến 2018 và từ 2016 đến 2019. Các phi hành gia Trung Quốc đã đến thăm Thiên Cung 1 trong các nhiệm vụ vào năm 2012, 2013 và Thiên Cung 2 vào năm 2017.

Tuấn Phan

Chủ đề khác