VnReview
Hà Nội

Phát hiện hố đen gần Trái đất nhất từ trước đến nay

Các nhà thiên văn vừa tìm ra một "ứng cử viên sáng giá" trong cuộc tìm kiếm hố đen gần Trái đất nhất.

Hố đen này cách Trái đất khoảng 1000 năm ánh sáng, tương đương khoảng 9.5 ngàn triệu triệu km, nằm trong chòm sao Telescopium. Nghe thì có vẻ không gần lắm, nhưng thật ra xét trên quy mô của vũ trụ thì nó giống như nằm ngay cạnh Trái đất vậy.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hố đen này thông qua việc quan sát những tương tác hấp dẫn của nó với 2 vật thể còn lại trong hệ thống – một ngôi sao quay quanh hố đen và ngôi sao còn lại có quỹ đạo nằm ở giữa cặp đôi vừa đề cập.

Thường thì các hố đen được phát hiện thông qua những tác động dữ dội của nó với một đĩa bồi tụ tích tụ đầy khí và bụi. Các vật chất này bị phân nhỏ và giải phóng ra các tia X, các tín hiệu dạng năng lượng cao. Kính viễn vọng sẽ phát hiện ra các tín hiệu này, chứ không phải là bản thân hố đen. Vì vậy, đây là một trường hợp khá hy hữu, với sự chuyển động của các ngôi sao thuộc một hệ thống mang tên HR 6819.

"Đây là thứ mà bạn có thể gọi là ‘lỗ đen tối', nó thật sự đen theo đúng nghĩa đó", theo Dietrich Baade, nhà thiên văn học tại tổ chức Đài thiên văn Nam châu Âu (ESO) ở Garching, Đức. Trao đổi với BBC, ông cho rằng đây là trường hợp hố đen đầu tiên được phát hiện theo cách này. Không những thế, đây còn là hố đen gần nhất trong số các hố đen từng được biết tới, bao gồm cả số đang hình thành.

Một trong những khía cạnh khá hấp dẫn đó là chúng ta có thể nhìn thấy hệ sao HR6819 chỉ bằng mắt thường nếu như đang ở nam bán cầu mà không cần kính viễn vọng hay ống nhòm, mặc dù điều kiện hiện tại sẽ khá bất lợi vì hệ thống sao này chỉ mới xuất hiện từ phía sau Mặt trời.

Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu về hệ sao HR6819 từ nhiều năm trước, trong lúc tìm kiếm ngôi sao có tên gọi là "Be". Đây là một ngôi sao xoay nhanh đến nỗi gần như tự khiến nó bị xé thành từng mảnh. Những vật chất xung quanh 2 ngôi sao này là một ví dụ điển hình. Nhưng một loạt các biến cố xảy ra khiến cho công trình nghiên cứu buộc phải dừng lại, cho đến khi mới được hoàn thành gần đây.

Khi theo dõi hệ sao này bằng kính viễn vọng tại Đài Thiên văn La Silla ở Chile, các nhà nghiên cứu phát hiện 2 ngôi sao này đang xoay quanh một vật thể vô hình với chu kỳ 40 ngày.

Là một hố đen, ước tính khối lượng của nó phải gấp ít nhất 04 lần Mặt trời của chúng ta. Cho đến nay, các nhà thiên văn học đã phát hiện hàng tá hố đen trong Dải Ngân hà, hầu như tất cả chúng đều tương tác rất mạnh với các đĩa bồi tụ của mình.

Những số liệu thống kê cho thấy còn rất nhiều hố đen ngoài kia. Harianne Heida, nghiên cứu sinh bậc sau tiến sĩ tại ESO cho rằng trong dải Ngân hà, có thể có tới 100 triệu lỗ đen, vì thế, có thể còn nhiều hố đen gần với Trái đất hơn nhưng vẫn còn đang ẩn mình.

Giang Vu theo BBC

Chủ đề khác