VnReview
Hà Nội

Hàng nghìn người muốn phơi nhiễm với SARS-CoV-2 vì khoa học

Abie Rohrig vừa tròn 18 tuổi khi anh nói với mẹ mình rằng anh sẽ hiến một quả thận để cứu mạng một người lạ. Câu trả lời của bà chỉ ngắn gọn là: Không được. Dù vậy, anh vẫn quyết định làm điều đó – phần nội tạng đã đến được với một người đàn ông khác bằng tuổi anh – và bà mẹ đã được truyền cảm hứng đến mức chính bà cũng đã đi và hiến một quả thận của mình.

Vì vậy, Rohrig mong mẹ mình hiểu khi anh nói với bà rằng, vì lợi ích của nhân loại, anh có thể tình nguyện bị nhiễm Covid-19.

Hóa ra là "mẹ anh lo lắng về chuyện quả thận hơn", Rohrig, hiện là một sinh viên đại học 20 tuổi sống cùng bố mẹ trong một căn hộ ở thành phố New York, cho biết.

"Bà ấy kiểu, ‘Cái gì? Cái gì cơ? Mẹ không biết đâu,'", anh nói. "Bà ấy hoài nghi về việc này."

Theo hãng tin CNN, Rohrig là một trong số hơn 16.000 người - hầu hết trong số họ là thanh niên - đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với một phương pháp gây tranh cãi nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine chống Covid-19, bằng cách cố ý lây nhiễm virus corona mới này cho hàng chục tình nguyện viên. Những người đăng ký đăng ký trực tuyến – trên một trang web mới có tên 1 Day Sooner - đã đều tích vào một hộp kiểm đặt bên cạnh lời tuyên bố: "Tôi quan tâm đến việc bị phơi nhiễm với virus corona để đẩy nhanh tốc độ phát triển vaccine."

Hàng nghìn người muốn phơi nhiễm với SARS-CoV-2 vì khoa học

Abie Rohrig, 20 tuổi, đã ký một sổ đăng ký trực tuyến, có tên gọi là 1 Day Sooner, để bày tỏ sự quan tâm của mình đối với việc để bản thân bị phơi nhiễm với virus corona.

Phương pháp này được gọi là nghiên cứu thử thách ở người - hoặc nghiên cứu lây nhiễm có kiểm soát ở người, có khả năng rút ngắn thời gian một nghiên cứu vaccine thông thường giảm đi vài tháng. Lý do: Thay vì chờ đợi hàng tháng trời để đánh giá bao nhiêu phần trăm số tình nguyện viên đã thử nghiệm vaccine bị nhiễm căn bệnh đang nghiên cứu khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày của họ, thì một thử nghiệm thử thách tỏ ra đơn giản hơn nhiều, bằng cách phơi nhiễm trực tiếp khoảng 100 tình nguyện viên với mầm bệnh - thông qua ống tiêm, những ly cocktail, muỗi đốt hoặc thuốc xịt mũi - sau khi đã tiêm vaccine thử nghiệm hoặc giả dược cho họ (Trong trường hợp nghiên cứu Covid-19, các chuyên gia nói rằng nó có thể sẽ được thực hiện bằng cách nhỏ một dung dịch vào mũi tình nguyện viên.)

Tuy nhiên, "quả ngọt" bao giờ cũng đi kèm với mức độ rủi ro lớn: Mặc dù Covid-19 là căn bệnh nguy hiểm đối với người già và những người dễ bị tổn thương vì các bệnh lý nền hơn so với những người trẻ tuổi khỏe mạnh, nhưng nó vẫn luôn là một mầm bệnh khó lường, đã khiến nhiều vận động viên ngôi sao phải vào bệnh viện. Hơn nữa, nếu xảy ra sự cố, các lựa chọn điều trị cho tình nguyện viên bị "nhiễm bệnh thật" cũng hạn chế hơn.

Tuy nhiên, với việc dịch bệnh vẫn đang hoành hành dữ dội sau khi đã giết chết hơn 82.000 người Mỹ và 291.000 người trên toàn thế giới kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái, một số người cho rằng việc tiến hành một nghiên cứu "nguy hiểm hơn bình thường" để cứu nhân loại cũng là điều hợp lý.

Các nghiên cứu thử thách đem đến thành quả cao, nhưng cũng đi kèm với rủi ro lớn

Hàng nghìn người muốn phơi nhiễm với SARS-CoV-2 vì khoa học

Abie Rohrig chụp ảnh cùng mẹ, Elaine Perlman. Rohrig, người đã từng hiến một quả thận cho người lạ, nói rằng anh sẵn sàng tiếp xúc với virus corona để góp phần thúc đẩy quá trình tìm kiếm vaccine.

Ý tưởng về một thử nghiệm thử thách trên người với Covid-19 đã được bắt đầu bằng một bài báo ngày 31/3 trên Tạp chí Các Bệnh truyền nhiễm (Journal of Infectious Diseases), trong đó lập luận rằng bản chất của tình trạng khẩn cấp toàn cầu cho phép chúng ta cân nhắc những phương pháp tiếp cận khác thường.

Công trình đứng tên 3 đồng tác giả gồm Nir Eyal đến từ Rutgers, Marc Lipsitch đến từ Harvard và Peter Smith của Trường Y học Nhiệt đới & Vệ sinh London, đã kết luận rằng mặc dù các nghiên cứu thử thách ở người không thể tránh khỏi rủi ro, nhưng "mỗi tuần trôi qua mà chưa có vaccine hữu hiệu được triển khai sẽ khiến hàng nghìn mạng người mất đi trên toàn thế giới."

"Đó là một ý tưởng chắc chắn sẽ gây tranh cãi khi mọi người lần đầu tiên nghe về nó," Eyal, một nhà đạo đức sinh học, trả lời phỏng vấn CNN. "Tuy nhiên, chúng tôi cho thấy rằng nếu bạn chọn người để thử nghiệm đúng cách và tiến hành thử nghiệm đúng cách, thì mức độ rủi ro sẽ thấp đáng ngạc nhiên và chắc chắn nằm trong giới hạn của những gì chúng tôi đã phê duyệt."

Những nghiên cứu như vậy cuối cùng sẽ cần sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).

Nhưng lời kêu gọi của các nhà nghiên cứu về một tiến hành nghiên cứu thử thách đã được hưởng ứng bởi những người đã ký tên trên 1 Day Sooner - tổ chức như một tổ chức phi lợi nhuận - rằng họ sẽ sẵn sàng làm "chuột bạch thí nghiệm" (Mặc dù đây chỉ là một sự hưởng ứng không chính thức, chứ hoàn toàn chưa phải là hợp đồng ràng buộc.)

Trang web này, lấy cảm hứng từ bài nghiên cứu trên, đã chính thức ra mắt vào giữa tháng 4 với tôn chỉ dựa trên một tuyên bố rằng nếu rút ngắn được cuộc đua tìm vaccine chống Covid-19 được một ngày cũng đã có thể cứu sống tới 7.120 người.

Nghiên cứu thử thách trên người đối với virus corona là như thế nào?

Tại một thời điểm nào đó (cũng chưa thể xác định), nếu có một nhóm các nhà nghiên cứu quyết định tìm hiểu nghiêm túc về phương pháp này, trang web sẽ yêu cầu các tình nguyện viên tương lai điền vào một bộ các câu hỏi sơ tuyển, trong đó đề nghị họ tiết lộ thêm về lịch sử y tế, khu vực cư trú và các thông tin khác, từ đó giúp xác định xem tình nguyện viên đó có đủ điều kiện tham gia hay không, đồng sáng lập Josh Morrison của 1 Day Sooner cho biết.

Các nhà nghiên cứu sau đó sẽ sàng lọc các mẫu đơn đó để tìm ra những người nộp đơn đủ điều kiện nhất và cuối cùng, sẽ tìm kiếm sự chấp thuận từ một trung tâm nghiên cứu hoặc trung tâm y tế nào đó, đề nghị họ đứng ra tổ chức nghiên cứu.

Morrison là cựu luật sư của một công ty, người đã quyết định từ bỏ cuộc sống đáng mơ ước của mình để thành lập một tổ chức phi lợi nhuận có tên Waitlist Zero, giúp kết nối những người tình nguyện hiến thận với người nhận phù hợp nhất. Trong thời điểm dịch bệnh, khi các công việc liên quan đến ghép thận gần như ngừng hẳn, Morrison nhận thấy mình có rất nhiều thời gian rảnh rỗi.

"Tôi phải ngồi ở nhà trong căn hộ của mình ở thành phố New York, thật sự khá là chán", anh nói.

Morrison tình cờ thấy bài nghiên cứu trên trong khi đang lướt mạng.

"Rồi tôi nghĩ, ‘Chà, tôi có nên làm việc này không nhỉ?'", anh nói. "Tôi còn khá trẻ, 34 tuổi và có sức khỏe tốt. Và tôi đã đi đến kết luận, ‘Có, tôi nghĩ tôi sẽ làm việc đó.'"

Ý tưởng này dường như nhận được sự đồng tình trong giới chuyên gia. Vào ngày 6/5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một báo cáo trong đó ghi rõ "các tiêu chí chính về đạo đức đối với các nghiên cứu thử thách trên người để chống lại dịch bệnh Covid-19".

Người phát ngôn của FDA nói với CNN rằng cơ quan này sẽ làm việc với những nhà nghiên cứu quan tâm đến việc thực hiện các thử nghiệm thử thách trên người để giúp họ đánh giá các vấn đề đạo đức và các vấn đề khác.

"Quyết định chính thức về bất kỳ đề xuất nghiên cứu thử thách thử thách cụ thể nào trên người sẽ được FDA đưa ra sau khi cân nhắc tất cả các thông tin có sẵn tại thời điểm đó", Michael Felberbaum viết trong email.

Hàng nghìn người muốn phơi nhiễm với SARS-CoV-2 vì khoa học

Một công ty công nghệ sinh học ở Đức đã bắt đầu thử nghiệm vaccine chống Covid-19 trên người.

Các thử nghiệm vaccine thông thường thường bao gồm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, trong đó có ít hơn 100 người tham gia, nhằm xác định mức độ an toàn của vaccine. Giai đoạn thứ hai, trong đó số lượng người tham gia tăng lên hàng trăm người; và giai đoạn thứ ba, trong đó nghiên cứu được mở rộng với sự tham gia của hàng nghìn người.

Thông thường, trong giai đoạn thứ ba, những người tham gia thử nghiệm sẽ được quay trở lại cuộc sống hàng ngày của họ và các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi và so sánh tỷ lệ lây nhiễm giữa các nhóm thử nghiệm và một nhóm đối ứng khác.

Thử nghiệm thử thách trên người có thể thay thế toàn bộ giai đoạn thứ ba, bài báo trên cho biết, giúp rút ​​ngắn thời gian phát triển vaccine vài tháng bởicác nhà nghiên cứu không phải đợi người tham gia thử nghiệm bị lây nhiễm một cách tự nhiên – thông qua các tương tác với mọi người tại nơi làm việc, trường học, trong nhà thờ hoặc trong nhà. Thay vào đó, họ cho các tình nguyện viên phơi nhiễm luôn với mầm bệnh "ngay và luôn" trong phòng thí nghiệm.

Thử nghiệm thử thách cũng có thể đóng vai trò cầu nối đến giai đoạn 3 của nghiên cứu, giúp các nhà nghiên cứu xác định ứng cử viên vaccine nào có triển vọng nhất; hoặc nó có thể mở đường cho việc cấp phép vaccine tạm thời trong các tình huống khẩn cấp.

Đối với các thử nghiệm Covid-19 thuộc loại mà tổ chức 1 Day Sooner đang thúc đẩy, quy trình có thể sẽ là: Đầu tiên các nhà nghiên cứu sẽ tiêm vaccine thử nghiệm vào tay của khoảng 50 tình nguyện viên và tiêm thuốc giả dược cho 50 người khác, theo thông tin các chuyên gia chia sẻ với CNN. Khoảng hai đến bốn tuần sau, tất cả 100 người đó sẽ bị cho phơi nhiễm với virus - có lẽ thông qua thao tác nhỏ mũi.

Những lo ngại về an toàn và đạo đức đối với những điều đã biết và chưa biết về virus

Thực tế, nghiên cứu thử thách trên người không phải là một biện pháp mới. Chúng đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của một số loại vaccine, bao gồm cả vaccine phòng bệnh bệnh sốt rét, cúm và sốt xuất huyết.

Nếu không có nghiên cứu thách thức trên người, một loại vaccine mới phòng bệnh thương hàn không thể được đưa đến Zimbabwe sau khi được cấp phép tạm thời vào năm ngoái.

"FDA đã phê duyệt một loại vaccine dịch tả chỉ dựa trên nghiên cứu thử thách trên người", Tiến sĩ Robert Read, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Anh cho biết.

Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ những bệnh này có ít ẩn số hơn Covid-19, và các bác sĩ lâm sàng tiến hành thử nghiệm có thể đưa ra phương pháp điều trị y tế - như kháng sinh hoặc thuốc chống siêu vi - cho các bệnh nhân nhiễm bệnh có biểu hiện triệu chứng.

Loại thuốc có triển vọng nhất để điều trị Covid-19 là remdesivir, song vẫn chưa được phê duyệt và tác dụng của nó rất khiêm tốn mặc dù đáng kể.

Và mặc dù ý tưởng tiến hành thử nghiệm thử thách con người để chống Covid-19 đang gây chú ý trong cộng đồng khoa học, một số chuyên gia đã nêu những lo ngại nghiêm trọng về mức độ an toàn.

Hàng nghìn người muốn phơi nhiễm với SARS-CoV-2 vì khoa học

Bác sĩ Robert Read là một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Vương quốc Anh.

Read, người đứng đầu về khoa học lâm sàng và thực nghiệm tại Đại học Southampton, chỉ ra rằng Covid-19 vẫn là một mầm bệnh bí ẩn và các nhà nghiên cứu không thể cung cấp đầy đủ thông tin về nguy cơ bị nhiễm trùng có chủ ý cho các các tình nguyện viên đăng ký tham gia.

"Bạn phải có khả năng mô tả những gì bạn biết về những điều có thể xảy ra với các tình nguyện viên nếu họ tham gia thực nghiệm bị nhiễm trùng có kiểm soát, với sự rõ ràng và trung thực hoàn toàn", Read, người đã tự mình thực hiện các thử nghiệm thử thách - gần đây ông đã lây nhiễm bệnh ho gà cho hàng chục tình nguyện viên nhằm tìm kiếm một loại vaccine hiệu quả hơn. "Và tôi nghĩ rằng rất nhiều tình nguyện viên, khi được cung cấp đầy đủ các thông tin, có lẽ sẽ không đồng ý tham gia."

Một bài báo được xuất bản vào tuần trước trên Science - tạp chí của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ - cung cấp số liệu về nguy cơ tử vong của những người trưởng thành trong độ tuổi 20-44 bị nhiễm Covid-19 ở mức dưới 0,2%. Nhưng bài viết cũng cảnh báo rằng số liệu trên, cùng với các thống kê khác về Covid-19 có nguồn gốc từ các điểm dữ liệu không đầy đủ và kích thước mẫu nhỏ.

Nói chung, Covid-19 gây tử vong nhiều hơn cho mọi người ở mọi lứa tuổi có các vấn đề sức khỏe từ trước đó như tăng huyết áp hoặc tiểu đường; song vẫn một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt đáng báo động. Các bác sĩ đã nói rằng Covid-19 dường như có liên quan đến sự gia tăng đột quỵ của những người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi 30 và 40.

Tiến sĩ Anna Durbin, giáo sư y tế quốc tế tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg (Mỹ) - người đã dẫn đầu một thử nghiệm thử thách trên người đối với bệnh sốt xuất huyết và nghiên cứu một loại bệnh sốt rét khác - cho biết cô sẽ quan tâm và muốn nghe một số tình nguyện viên tương lai sẽ trả lời những báo cáo về "tai nạn mạch máu não".

"Thế hệ millennials (còn gọi là thế hệ Y, chỉ những người sinh ra trong khoảng từ năm 1980 đến 2000 – N.D.) không tin rằng họ sẽ mắc bệnh vì phương pháp thực nghiệm này", Durbin, người, giống như Read, tỏ ra cởi mở ý tưởng về các thử nghiệm thử thách của con người nhằm chống dịch Covid-19, nhưng nhấn mạnh rằng các nhà nghiên cứu phải đánh giá đầy đủ rủi ro của một mô hình như vậy và chia sẻ chúng đến mức tối đa có thể với những người tham gia thử nghiệm trong tương lai. "Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều người trẻ tuổi trong bệnh viện phải sử dụng máy thở."

Các tình nguyện viên có nhiều lý do để đăng ký tham gia – có những người thực sự vị tha, có những người lại chỉ thực

Rohrig cho biết số lượng đáng sợ các bệnh nhân trẻ Covid-19 bị đột quỵ là tin tức gây chú ý đối với anh.

"Thật kinh khủng. Tôi biết rằng việc này mang lại một rủi ro không hề nhỏ," anh nói.

Tuy nhiên, Rohrig nói rằng anh ta gần như chắc chắn sẵn sàng  điều đó.

"Tôi biết rằng có những rủi ro, và nếu tôi gặp chuyện gì, thì điều đó thật tồi tệ, gia đình tôi sẽ rất buồn", Rohrig nói. Nhưng "sẽ có ai đó phải đi trước. Việc này chắc chắn sẽ cần ai đó làm."

Thật trùng hợp, nguy cơ tử vong khi hiến thận - khoảng 3 trên 10.000 - cũng tương đương với rủi ro tử vong đối với những người khỏe mạnh ở độ tuổi 20 mắc Covid-19, nhà nghiên cứu Eyal đến từ Rutgers cho biết.

"Thật là phấn khích", Rohrig cho biết. Anh đã gặp người nhận quả thận hiến tặng của mình trên Good Morning America vào mùa hè năm ngoái.

Không phải tất cả các tình nguyện viên tương lai đăng ký tham gia chương trình thực nghiệm này đều ở độ tuổi 20.

John Gentle, một doanh nhân ở Alabama, bước sang tuổi 41 vào thứ năm vừa qua. Anh đã có vợ và bốn đứa con. Giống như Rohrig, Gentle tin rằng nghiên cứu thử thách sẽ cho anh có cơ hội đóng góp cho xã hội thông qua nỗ lực nghiên cứu và sản xuất vaccine. Nhưng là chủ sở hữu của một doanh nghiệp, phải đến các kho bãi và bay thường xuyên, anh cho rằng mình kiểu gì cũng sẽ bị nhiễm bệnh - vì vậy anh cũng có thể vượt qua nó.

"Tôi cảm thấy nếu tôi tham gia thử nghiệm trong một môi trường được kiểm soát và gặp phản ứng bất lợi trên cơ thể, cơ hội hồi phục của tôi sẽ tốt hơn so với việc tôi không biết rằng tôi đã bị nhiễm virus trong một tuần, cho đến khi có biểu hiện gì đó xấu đến mức tôi có thể nhận ra," Gentle cho biết.

Hàng nghìn người muốn phơi nhiễm với SARS-CoV-2 vì khoa học

John Gentle chụp ảnh với gia đình. Anh tin rằng mình có thể đóng góp cho việc sản xuất vaccine bằng cách tham gia vào nghiên cứu thử thách.

Thật vậy, các nghiên cứu thử thách trên người được tiến hành trong môi trường được thiết lập và kiểm soát chặt chẽ. Báo cáo trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm khuyên các đối tượng tham gia nên cách ly trong vài tuần và đảm bảo họ được tiếp cận với các cơ sở hiện đại của hệ thống y tế, nếu cần.

"Là một phần của việc tham gia thử nghiệm, họ sẽ được đảm bảo có được sự chăm sóc tuyệt vời nếu họ cần", Lipsitch, nhà dịch tễ học đến từ Trường Harvard, trả lời CNN. "Tất nhiên, bạn sẽ không mong đợi ai trong thử nghiệm phải cần đến điều đó, nhưng không phải lúc nào mọi thứ cũng diễn ra suôn sẻ."

Tiến sĩ Thomas Darton, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Sheffield, đã tiến hành các thử nghiệm thử thách ở người để tìm ra loại vaccine thương hàn mới.

Ông cho biết, trong những năm qua, ông đã từng lây nhiễm căn bệnh này cho khoảng 600 sinh viên. Họ thường "hấp thụ" bệnh thông qua một thức uống natri-bicarbonate giống như Alka-Seltzer và trở về về nhà. Ở đó, họ chờ đợi các triệu chứng của bệnh thương hàn - đối với những người tham gia nghiên cứu, chúng bao gồm các triệu chứng đau đầu, sốt và táo bón – và thường xuất hiện trong vòng bốn hoặc năm ngày. Lúc này, ông nói, các tình nguyện viên xuất hiện có triệu chứng sẽ được cung cấp một chế độ kháng sinh, giúp loại bỏ các triệu chứng trong một vài ngày.

"Chúng tôi có dữ liệu theo dõi rộng rãi và chưa có bất kỳ vấn đề lâu dài nào được phát hiện", Darton nói trong email. "Mô hình này là an toàn và có thể tái sản xuất và là một mô hình dành cho những bệnh chỉ có triệu chứng nhẹ."

Tuy nhiên, không phải tất cả các đơn đăng ký tiến hành các nghiên cứu thách thức trên người đều được chấp thuận và cấp phép. Năm 2017, một hội đồng đạo đức do Viện Y tế Quốc gia Mỹ triệu tập đã đề nghị không cấp phép đề xuất phát triển mô hình thử nghiệm thử thách trên người đối với virus Zika. (Một hội đồng khác đã đảo ngược khuyến nghị vào năm 2018, và giao thức lâm sàng để phát triển phương pháp thử thách trên người đối với virus Zika hiện đang được FDA Mỹ xem xét.)

Quang Huy

Chủ đề khác