VnReview
Hà Nội

Tại sao chụp X-quang lại "vẽ" được rõ nét hình ảnh bên trong cơ thể chúng ta?

Bạn đã từng thử tạo ra những hình ảnh thú vị bằng cách tạo bóng trên tường nhà? Khi làm như thế, bàn tay của bạn đang ngăn các tia sáng từ đèn chiếu vào tường. Cơ chế cho hình ảnh X-quang cũng gần tương tự như vậy.

Hãy thử đặt một cái đèn pin dưới bàn tay và để ý cách ánh sáng đi qua phần da ngón tay của bạn. Một số tia sáng sẽ không đi qua, đó là vì một phần năng lượng đã bị loại bỏ khỏi chùm tia sáng và một số tia sáng thì có thể, bạn có thể nhìn thấy nó.

Tia X cũng giống như tia sáng, nhưng điểm khác biệt nằm ở chỗ nó có thể đi xuyên qua nhiều chất liệu hơn. Da và mỡ sẽ không chặn được đáng kể năng lượng trong chùm tia X, cơ bắp sẽ cản nhiều năng lượng hơn và điều này sẽ tăng lên ở xương. Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy từng chiếc xương rõ ràng như vậy trên ảnh chụp X quang.

Một ảnh X quang cho thấy các sắc thái của màu xám, đó là số lượng chùm tia X có thể đi qua cơ thể bạn. Nếu bộ phận đó rất đậm đặc (như xương), nó sẽ có màu trắng, còn nếu ít đậm đặc hơn (như phổi chẳng hạn), nó sẽ có một màu xám tối hơn.

Những người thực hiện thao tác với máy X quang có thể điều chỉnh lượng và cường độ chùm tia X (giống như việc bạn có thể làm cho ánh sáng trên đèn pin mờ hoặc sáng hơn), để các bộ phận cơ thể họ muốn nhìn thấy được thể hiện rõ trên ảnh chụp.

X-quang được sử dụng trong các bệnh viện giúp chẩn đoán, điều trị nhiều chấn thương và bệnh tật. Các bác sĩ sử dụng hình ảnh X quang trong phòng mổ để hướng dẫn phẫu thuật. Ngoài ra, còn có một loại quét đặc biệt khác được gọi là chụp CT. Chụp CT sử dụng nhiều hình ảnh X quang để tạo ra hình ảnh 3D sống động của cơ thể.

Tuy nhiên, quá lạm dụng chụp X quang có thể gây nguy hiểm. Nó có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể bạn (đó là lý do tại sao các bác sĩ chụp X-quang rời khỏi phòng trong khi bạn trải qua quá trình này). Dẫu vậy, lượng tia X được sử dụng cho mỗi bức ảnh là rất nhỏ, vì vậy đừng lo lắng khi bác sĩ chỉ định bạn cần hình ảnh X quang.

Đôi khi tổn thương trên các tế bào lại là điều tốt. Có một phương pháp điều trị được gọi là xạ trị, sử dụng tia X nhằm tiêu diệt các tế bào xấu (như là tế bào ung thư).

Bạn có biết?

Tia X được phát hiện vào tháng 11 năm 1895 bởi nhà vật lý người Đức, Wilhelm Roentgen một cách rất tình cờ! Ông đang tiến hành thí nghiệm và giật mình khi một màn hình ở phía bên kia của phòng thí nghiệm phát sáng.

Wilhelm phát hiện ra rằng có một loại tia vô hình đã gây ra hiện tượng này nhưng không biết chúng là gì. Đó là lý do tại sao nó lại được gọi là tia X, với "X" có nghĩa là "không biết"!

Giang Vu (Theo The Conversation)

Chủ đề khác