VnReview
Hà Nội

Lượng khí thải toàn cầu giảm 17% vì đại dịch Covid-19, bằng thời điểm Thế chiến thứ Hai

Trên toàn cầu, lượng khí thải carbon đang giảm mạnh vì đại dịch Covid-19 và chúng ta chỉ có thể thấy điều này cách đây hàng chục năm trước, thời điểm Thế chiến thứ 2 bùng nổ.

Đại dịch Covid-19 đã buộc các nước phải ban hành lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới. Qua một phân tích mới đây, những biện pháp này đã góp phần làm giảm tới 17% lượng khí thải CO2 trung bình hàng ngày so với mức trung bình toàn cầu hàng ngày trong năm 2019.

Đó là sự sụt giảm lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử trên toàn thế giới.

Theo nghiên cứu mới vừa được đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change, lượng khí thải CO2 hàng ngày trên toàn cầu đã giảm khoảng 18,7 triệu tấn so với mức phát thải trung bình hàng ngày trong năm ngoái. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất từng được ghi nhận từ năm 2006.

Nghiên cứu nhận thấy, những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp và du lịch hàng không tại các quốc gia phong tỏa có thể làm giảm lượng khí thải CO2 hàng năm trong năm 2020 lên tới 7%. Các nhà khoa học cho rằng dù các thay đổi này là đáng kể nhưng sự sụt giảm này khó có thể đem lại tác động lâu dài một khi các quốc gia bắt đầu phục hồi kinh tế.

Corinne Le Quéré, giáo sư về biến đổi khí hậu tại Đại học East Anglia và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Trên toàn cầu, chúng ta chưa từng thấy sự sụt giảm về lượng khí thải nào lớn như vậy và ở cấp độ hàng năm, nó tương đương mức giảm như thời Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên đây không phải là cách giải qyết vấn đề biến đổi khí hậu. Mọi thứ sẽ không thể giải quyết được nếu không có sự thay đổi hành vi. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này bằng cách giúp mọi người dần thay đổi lối sống trở nên bền vững hơn".

Lượng phát thải CO2 hàng ngày từ hoạt động hàng không đã sụt giảm một cách đáng kinh ngạc lên tới 75% trong đầu tháng Tư. Tuy nhiên sự suy giảm đó chỉ chiếm một phần nhỏ so với mức giảm chung vì du lịch hàng không thường chỉ chiếm 2,8% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.

Các sân bay vắng bóng hành khách trong mùa dịch

Rob Jackson, giáo sư khoa học hệ thống Trái Đất tại Đại học Stanford, Mỹ cho biết, lưu lượng vận tải hàng không đã giảm khoảng 2/3 nhưng vận tải đường bộ như xe hơi, xe tải lại lớn hơn gấp 10 lần nếu xét về lượng phát thải.

Đại dịch có thể khiến lượng khí thải CO2 hàng năm giảm từ 4-7% tùy thuộc vào các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt trong bao lâu và tốc độ phục hồi của các nền kinh tế như thế nào.

Các quốc gia Châu Á ghi nhận mức giảm phát thải CO2 trung bình 26% vào thời kỳ phong tỏa cao điểm nhất, tiếp sau là Châu Âu và Bắc Mỹ.

Mặc dù vậy nghiên cứu chưa giải thích được tại sao lượng phát thải toàn cầu chịu ảnh hưởng từ các đợt bùng phát dịch bệnh và làn sóng lây nhiễm tiếp theo có thể tạo ra tác động giảm phát thải mạnh hơn trong năm nay hoặc năm 2021 hay không.

Zeke Hausfather, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học California cho biết: "Nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài, chúng ta có thể ghi nhận hoạt động kinh tế bị đình trệ tới năm 2021. Tại một thời điểm nào đó vào năm 2021, lượng phát thải có thể sẽ thấp hơn cả mức phát thải trong năm 2019 nhưng có thể cao hơn 2020, trừ khi mọi thứ vượt tầm kiểm soát của con người".

Tác động của dịch bệnh đối với môi trường là minh chứng rõ nhất cho thấy loài người "vẫn kịp" thay đổi trước khi quá muộn

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá hiệu quả của các biện pháp phong tỏa ở 69 quốc gia chịu trách nhiệm tới 97% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu. Do không có cách nào để đo lượng khí thải CO2 trong thời gian thực nên các nhà khoa học phải sử dụng dữ liệu từ các ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp, vận tải mặt đất, du lịch hàng không tại các quốc gia chịu ảnh hưởng từ tháng 1 đến tháng 4 vừa qua. Sau đó họ tính toán mức độ phát thải trong các lĩnh vực này và đóng góp của chúng đối với tổng lượng phát thải CO2 hàng năm.

Họ ước tính, lượng phát thải từ các tòa nhà chung cư trong thời gian này đã tăng 2,8%. Nguyên nhân bởi người dân phải ở nhà để cách ly xã hội, qua đó làm gia tăng lượng điện năng tiêu thụ. Le Quéré cho rằng, lượng CO2 sẽ còn tăng nếu đại dịch kéo dài suốt mùa hè tại Bắc Mỹ và nhiều nơi khác ở Bắc Bán Cầu. Bởi lẽ việc người dân phải ở nhà sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng điều hòa các thiết bị làm mát.

Mặc dù số liệu về khí thải đang rất khả quan do người dân phải ở nhà tránh dịch. Nhưng mức giảm phát thải CO2 cũng kéo theo chi phí xã hội cao. Đó là chưa kể những thay đổi này cũng không thấm vào đâu sau khi lệnh hạn chế và phong tỏa được dỡ bỏ.

Trước đại dịch Covid-19, lượng khí thải CO2 toàn cầu trung bình tăng khoảng 1% mỗi năm trong thập kỷ qua. Lượng khí thải giảm mạnh trong năm 2020 này có thể là một tín hiệu vui nhưng nó không đủ làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.

CO2 tồn tại trong khí quyển từ lâu, do đó biến đổi khí hậu phần lớn do tổng lượng phát thải CO2 chứ không phải bất kỳ lượng CO2 nào mà con người phát thải trong vòng một năm. Từ quan điểm khí hậu, rõ ràng điều quan trọng hơn cả là làm sao có thể giảm phát thải khí nhà kính một cách bền vững trong nhiều thập kỷ tới.

Nếu có thể giảm từ 4-7% lượng phát thải CO2 trên toàn cầu mỗi năm, chúng ta có thể đạt được mục tiêu giữ cho Trái Đất không nóng quá 1,5 độ C đến 2 độ C vào cuối thế kỷ này như thỏa thuận khí hậu Paris (2015) đã đặt ra.

Le Quéré hy vọng những phát hiện trong nghiên cứu của cô sẽ khuyến khích các nước suy nghĩ nhiều hơn về các biện pháp phục hồi kinh tế mà không cần hy sinh lợi ích môi trường và khí hậu.

Tất nhiên Le Quéré không phải là người lạc quan một cách vô cớ. Jackson cho rằng, chúng ta có lý do để lạc quan rằng những thay đổi tích cực từ con người sẽ làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Có thể thấy dễ nhất là những thay đổi từ môi trường khi đại dịch xảy ra. Đó là bầu trời trong xanh hơn, ít bụi bặm và ô nhiễm hơn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác