VnReview
Hà Nội

Bạn thực sự có thể nhận ra bao nhiêu màu sắc?

Nếu sự thay đổi màu sắc xảy ra ở phần rìa hình ảnh, hầu hết chẳng ai nhận biết được điều đó dù cho thay đổi có lớn cỡ nào.

số 15

Người mắc bệnh mù màu không thể nhìn được số 15 trong hình;(Nguồn: Courtesy of Pseudoisochromatic 24 Plate, Vision Training Products, Inc.)

Khi nhìn thoáng qua một cảnh vật bất kỳ, chúng ta thường có cảm giác chung chung rằng cảnh vật này đầy màu sắc và không để tâm nếu có màu lạ nào xuất hiện.

Một nghiên cứu thú vị mới đây của hai nhà khoa học Michael A. Cohen và Jordan Rubenstein chỉ ra rằng, khả năng nhận biết màu sắc của mắt thật ra kém hơn nhiều so với chúng ta vẫn nghĩ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ người không phân biệt được biến dạng màu sắc ở phần rìa ngoài hình ảnh là rất cao.

Những tình nguyên viên tham gia nghiên cứu có thị giác tốt, sức khỏe bình thường, được cho xem một series ảnh. Trong đó, thời gian xuất hiện của mỗi hình là 288 mili giây. Tình nguyện viên được yêu cầu tập trung nhìn kỹ vùng trung tâm bức ảnh và tìm ra một đặc điểm bất kỳ (có thể là khuôn mặt người hoặc khung cảnh trong nhà, cảnh ngoài vườn…).

Điểm đặc biệt là tại mỗi series, đôi khi bức hình cuối cùng sẽ bị thay đổi màu sắc. Có thể độ bão hòa được điều chỉnh, chỉ giữ lại sắc xám. Hoặc có lúc, bức hình sẽ được hoán đổi màu sắc (hue-rotate) và tạo ra một số hiệu ứng kỳ quái như khiến nước bể bơi có màu đỏ hay lá cây có màu xanh nước biển. Chỉ một khoảng nhỏ nằm giữa bức hình được giữ nguyên không đổi.

đổi màu

Các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành thu thập ý kiến ngay khi bức hình cuối cùng chiếu xong. Rất ít người nhận ra sự kỳ lạ ở phần khung viền bất kể sự thay đổi đến từ điều chỉnh độ bão hòa hay là hoán đổi màu sắc.

Với hai loại thử nghiệm, số liệu cuối cùng cho thấy, 75% tình nguyện viên không nhận ra được sự thay đổi nếu nhiệm vụ là tìm kiếm khuôn mặt ở trung tâm bức hình. Trong khi đó, ở nhiệm vụ so sánh cảnh vật bên trong và bên ngoài nhà, tỷ lệ này chỉ là 40%. Sự khác biệt của số liệu được cho là bởi mỗi loại nhiệm vụ có độ phức tạp khác nhau. Tìm khuôn mặt đòi hỏi nhiều sự tập trung chú ý vào vùng trung tâm (nơi màu sắc vẫn bình thường) hơn nhiệm vụ còn lại.

Các tác giả kết luận rằng nhận thức tức thời của con người về màu sắc không đầy đủ như chúng ta vẫn tưởng: "Tại thí nghiệm này, chúng tôi kiểm tra xem có bao nhiêu thông tin màu sắc có thể được xử lý tại vùng biên thị giác. Kết quả thí nghiệm cho thấy rõ ràng rằng khi tập trung chú ý, nhận thức tức thời của não bộ về màu sắc là rất hạn chế và thiếu nhiều đến kinh ngạc."

288 mili giây cho mỗi khung hình tưởng chừng ngắn, nhưng đó là thời gian trung bình chúng ta vẫn dùng để nhìn từng điểm ảnh trong một khung hình phức tạp bất kỳ.

Nói cách khác, thị giác tiếp thu hình ảnh tự nhiên cũng bằng cách khái quát nhận thức của chuỗi nhiều hình ảnh nhỏ có liên quan đến nhau, giống như thí nghiệm chiếu chuỗi các hình vậy. Thường thì, trong cuộc sống hàng ngày, hiếm khi nào chúng ta phải nghi ngờ hình ảnh ta thu vào tầm mắt lại thiếu nhiều thông tin về màu sắc hữu ích như thế.

Do đó, phải làm sao để nhận biết màu sắc được đầy đủ nhất? Các tác giả nêu giả thiết rằng, não người về cơ bản phản ứng dựa trên lượng thông tin màu sắc giới hạn mà thị giác thu được: "Theo quan điểm này, mặc dù mỗi khung hình có thể là độc lập và thiếu một ít màu nhất định ở khung rìa, nhưng đến cuối cùng, thông qua tác vụ hợp nhất, tất cả những nhận biết của mỗi khung hình sẽ được ghép nối tạo nên trải nghiệm trực quan hoàn chỉnh."

Đề tài của nghiên cứu không hoàn toàn mới, câu hỏi về cách chúng ta trải nghiệm thế giới phong phú này vì sao luôn ổn định và liền mạch trong khi tầm nhìn bị hạn chế và thường xuyên thay đổi, đã được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, thí nghiệm bóp méo hình ảnh của Cohen và Rubenstein là một hình thức tiếp cận mới lạ, được thể hiện theo hướng tập trung về khía cạnh màu sắc.

Shirley theo Discover magazine

Chủ đề khác