VnReview
Hà Nội

Vừa chơi game vừa tranh thủ ăn uống: Nguyên nhân, tác hại và cách khắc phục

Hình ảnh các gamer mắt nhìn màn hình, tay lấy đồ ăn thức uống, tranh thủ ăn ngay trong lúc chơi game từ lâu đã chẳng còn xa lạ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, thói quen ăn uống này có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.

Ăn trong lúc chơi

Số liệu thống kê từ tổ chức NewZoo (newzoo.com;- một tổ chức chuyên thu thập và phân tích các chỉ số liên quan đến mảng game) cho biết, có tới 80% game thủ trên toàn thế giới thừa nhận thường xuyên phải ăn hoặc uống gì đó khi chơi game. Trong đó, đàn ông có xu hướng ăn uống nhiều hơn so với phụ nữ, tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thói quen này: 91% nam giới và 87% nữ giới tại Bắc Mỹ độ tuổi từ 21 đến 35 thường có hành động ăn uống trong thời gian chơi.

Ăn uống không chủ đích

Trả lời câu hỏi: Người chơi thật sự ăn gì khi chơi game? Thống kê cho thấy: Tại Bắc Mỹ, 49% người chơi cho biết họ hay ăn snack vị mặn, 39% ăn snack vị ngọt và 48% người chơi thích nhâm nhi nước ngọt.

Nghiên cứu giúp chúng ta hình dung được những việc người chơi thường khi làm họ chờ tải game, khi game tạm dừng và cả khoảng thời gian hàng giờ của ván đấu. Sự phác họa này nêu bật nỗi lo lắng về những rắc rối mà hành động nhai không chủ đích có thể gây ra.

Thuật ngữ ăn uống không chủ đích ("mindless eating") dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Các chuyên gia dinh dưỡng coi nó như là nguyên nhân gây tăng cân và béo phì. Người chơi thường bị phân tâm bởi các diễn biến trong game và không chú ý đến đến các dấu hiệu yêu cầu ngừng ăn của cơ thể. Do đó, họ có xu hướng ăn quá nhiều trong khi chơi. Hành vi này gây tác động rất tiêu cực đến sức khỏe của họ.

Vandana Sheth, một chuyên gia dinh dưỡng tại Los Angeles chia sẻ với trang Digital Trends rằng "Chúng ta đang ăn mà không thực sự thưởng thức bữa ăn", và "Chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái muốn ăn dù không đói, và điều này dẫn đến việc tiêu thụ nhiều calo hơn cần thiết." Bà cũng cho biết thêm, các thực phẩm được ưa thích và tiêu thụ thường xuyên hầu hết đều là sản phẩm đóng gói, hàm lượng calo cao nhưng giá trị dinh dưỡng lại rất thấp.

Tất nhiên, để giảm cân chúng ta cần xét đến hai mặt của vấn đề gồm: lượng calo nạp vào và lượng năng lượng tiêu hao đi. Những người tiêu thụ nhiều calo vẫn có thể giữ được dáng vóc thon gọn nếu lượng calo mất đi nhờ các hoạt động vận động nhiều hơn lượng calo nạp vào cơ thể. Tuy nhiên, các game thủ thường không biết chính xác về các hoạt động của họ.

"Công thức" để tạo ra vấn đề sức khoẻ

Cho dù vấn đề đặt ra có bị làm quá hay không thì theo kết quả nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), Đại học Emory và Đại học Andrew khi tiến hành kiểm tra sức khỏe của hơn 500 game thủ vài năm trước, mọi chuyện đã trở nên rất dễ hiểu: Các game thủ ít di chuyển có sức khỏe kém hơn những game thủ thường xuyên vận động. Nam giới chơi game có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể  - Body mass index) lớn hơn những người không chơi game, trong khi chỉ số này cho kết quả ngược lại ở nữ giới.

Sheth cho rằng những quan sát này có thể sẽ giúp chúng ta khái quát được một công thức chung về các vấn đề sức khỏe.

Các game thủ không cô đơn. Rốt cục, ăn uống không chủ đích là vấn đề thuộc phạm vi của hành vi chơi điện tử. Mặc dù thỉnh thoảng mới xảy ra nhưng hành động ăn bỏng ngô trong rạp chiếu phim hay thưởng thức mỳ ý khi xem show truyền hình tại nhà cũng là hành vi ăn uống không chủ đích.

Sheth nhận định tất cả các hoạt động ăn uống không chủ đích dù là trong lúc chơi game hay xem phim cũng đều làm chúng ta mất tập trung khi ăn, gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Vậy, chúng ta có thể làm gì để cải thiện điều này? Câu trả lời đơn giản đến ngạc nhiên là hãy tập trung vào ý chí tự kiểm soát cơ thể.

Theo Sheth: "Hãy thưởng thức bữa ăn, bất kể đó là bữa chính hay đồ ăn vặt" và "Cố gắng tập trung cảm nhận vị ngon của món ăn, tránh phân tâm. Tránh ăn khi buộc phải phân tâm làm bất cứ việc gì khác."

Đối với các game thủ có xu hướng ưa thích snack, "tạo khoảng cách" cũng có thể giúp ích phần nào.

Để kẹo ra xa

Tiến sĩ Brian Wansink, tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Ăn uống không chủ đích" ("Mindless Eating: Why We Eat More Than We Think"), trong một buổi phỏng vấn với Viện Sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ (the National Institutes of Health) đã nói: Các nghiên cứu của ông chỉ ra rằng mọi người sẽ ngăn được hành vi ăn uống không chủ đích một cách rõ rệt nếu để thức ăn xa ngoài tầm tay với.

"Chúng tôi phát hiện ra nếu chuyển đĩa kẹo ra cách xa bàn 6 feet (khoảng 1.82m) thì cuối cùng sẽ chỉ một nửa số kẹo trong đĩa được ăn hết mà thôi." , Wansink cho biết. "Khoảng cách 6 feet khiến mọi người suy nghĩ rằng liệu cơ thể có thật sự đói không? Chỉ sau nửa giây thôi, tự bản thân cơ thể sẽ trả lời không".

Shirley (theo Digital Trends)

Chủ đề khác