VnReview
Hà Nội

Các biện pháp phong tỏa đã ngăn ít nhất 60 triệu ca nhiễm tại Mỹ và 3 triệu ca tử vong ở Châu Âu?

Các biện pháp phong tỏa và giới hạn mạnh mẽ ở nhiều tiểu bang tại Mỹ và một số quốc gia Châu Âu đã góp phần ngăn chặn hàng chục triệu người có nguy cơ nhiễm Covid-19.

Theo một nghiên cứu mới đây của Đại học California, Berkeley ước tính, các biện pháp phong tỏa của Mỹ đã góp phần ngăn chặn ít nhất khoảng 60 triệu ca nhiễm Covid-19 từ ngày 3/3 đến ngày 6/4.

Nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai (8/6) mới đây đã tiến hành kiểm tra tác động của hơn 1,7 ngàn biện pháp phòng chống Covid-19 ở 6 quốc gia gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Pháp và Iran. Các biện pháp hạn chế gồm cấm đi lại, đóng cửa trường học, tôn giáo, hủy bỏ các sự kiện và lệnh cách ly tại nhà.

Với trường hợp tại Mỹ, nghiên cứu chỉ ra nếu không có bất kỳ biện pháp giới hạn nào, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi cứ sau hai ngày trong giai đoạn từ 3/3 đến 6/4. Tức số ca nhiễm có thể đạt tới ngưỡng 60 triệu người tại Mỹ nếu như nước này không có bất kỳ biện pháp hạn chế nào trong giai đoạn hơn 1 tháng đó.

Thậm chí phương pháp phong tỏa còn đạt được hiệu quả cao hơn ở Trung Quốc. Theo nghiên cứu, lệnh phong tỏa được thực hiện từ ngày 16/1 đến ngày 5/3 tại Trung Quốc đã góp phần cứu khoảng 285 triệu người khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.

Cho đến nay quốc gia này mới chỉ ghi nhận con số khoảng 88 ngàn ca nhiễm Covid-19, một con số thấp hơn nhiều Mỹ và các quốc gia Châu Âu. Nghiên cứu chỉ ra, lệnh phong tỏa sớm nhất được thực hiện tại Vũ Hán từ ngày 23/1 đã giúp ngăn chặn hàng chục ngàn ca nhiễm trên khắp tỉnh Hồ Bắc.

Ngoài ra, các biện pháp phong tỏa quy mô lớn cũng giúp ngăn chặn khoảng 54 triệu ca nhiễm bệnh ở Iran, khoảng 49 triệu ca tại Ý, 45 triệu ở Pháp và khoảng 38 triệu ca tại Hàn Quốc.

Nhóm nghiên cứu khẳng định: "Việc triển khai các chính sách chống dịch ở cả 6 quốc gia đã góp phần làm chậm đáng kể đại dịch". Tuy nhiên các nhà khoa học không quên nhấn mạnh rằng, chính sự chậm trễ trong cách xử lý của 6 quốc gia này đã dẫn tới những hậu quả hết sức tồi tệ.

Trong khi Trung Quốc chậm trễ trong công bố dịch và chia sẻ thông tin tới WHO thì Mỹ hay Ý lại chậm trễ trong việc phòng dịch và bỏ lỡ cơ hội vàng trong việc ngăn số ca nhiễm tăng lên.

Nhóm nghiên cứu tại Đại học Columbia gần đây ước tính rằng, Mỹ đáng lẽ đã có thể ngăn chặn khoảng 645 ngàn ca nhiễm và 36 ngàn ca tử vong vì Covid-19 nếu như nước này chủ động phong tỏa đất nước trong vòng 1-2 tuần trước đó.

Hay như một nhóm các nhà nghiên cứu tại Ý xác nhận, việc phong tỏa đất nước đã góp phần ngăn chặn khoảng 200 ngàn ca nhập viện trong khoảng thời gian từ ngày 21/2 đến 25/3.

Một nghiên cứu khác từ Đại học Imperial College London ước tính, lệnh phong tỏa và hạn chế đã giúp ngăn chặn ít nhất 3,1 triệu ca tử vong ở tại 11 quốc gia Châu Âu trong giai đoạn tháng 3 đến hết ngày 4/5.

Cụ thể nghiên cứu chỉ ra, Ý đã tránh được khoảng 630 ngàn ca tử vong và Pháp đã ngăn được 690 ngàn người chết vì Covid-19. Đây là hai quốc gia ngăn chặn được nhiều ca tử vong nhất trong số 11 nước Châu Âu.

Các quốc gia khác có trong danh sách gồm Đức đã ngăn chặn được khoảng 560 ngàn ca tử vong, Tây Ban Nha và Vương quốc Anh là hơn 400 ngàn ca tử vong. Trong khi đó các quốc gia có tỷ lệ tử vong so với dân số thấp nhất tại Châu Âu gồm có Đan Mạch, Thụy Điển và Na Uy. Chỉ có khoảng 3% dân số Thụy Điển bị nhiễm Covid-19, 1% tại Đan Mạch và dưới 0,5% tại Na Uy.

Nhìn chung, các biện pháp phong tỏa và kiểm soát dịch gắt gao đã đem lại những hiệu quả to lớn trong công tác chống dịch. Ở 11 quốc gia trong nghiên cứu này, tỷ lệ lây nhiễm đã không còn cao khi trung bình chỉ 1 người nhiễm Covid-19 lây cho 1 người khác.

Các nhà khoa học lạc quan cho rằng, các biện pháp kiểm dịch hiện tại sẽ giúp châu Âu kiểm soát dịch tốt hơn mặc dù họ không chắc các quốc gia có thể duy trì các biện pháp hạn chế này lâu hơn nữa hay không.

Tiến Thanh

https://www.businessinsider.com/us-coronavirus-lockdowns-compared-to-china-europe-2020-6/

Chủ đề khác