VnReview
Hà Nội

Hơi cay mà cảnh sát Mỹ sử dụng để kiểm soát bạo loạn có phải là một loại vũ khí hóa học?

Trong vài tuần qua, cảnh sát Mỹ đã sử dụng các loại chất kích ứng hóa học để kiểm soát người biểu tình và bạo loạn.

gas

Hóa chất đó có thể là khí gas gây chảy nước mắt (tear gas), hơi cay (pepper spray), mace, hay bóng cay (pepper ball) – nhưng tựu chung lại, chúng đều là những loại vũ khí hóa học.

Chỉ trong tuần trước, các loại hóa chất chiến tranh đã được sử dụng đến hai lần tại Sydney. Cảnh sát Úc dùng hơi cay xịt vào người tuần hành tại Ga Trung tâm ngay sau cuộc biểu tình Black Lives Matter hôm thứ bảy.

Ngày hôm sau, khí gas gây chảy nước mắt đã được dùng để giải tán một cuộc xô xát tại nhà tù Long Bay, khi mà các cai ngục tại đây ném đầy những bình khí gas như vậy vào sân nhà tù, khiến các hộ dân lân cận cũng bị ảnh hưởng.

Những sự kiện như vậy xảy ra sau khi các loại hóa chất kiểm soát bạo loạn – cụ thể là "bom cay" – được triển khai tại Washington DC hồi tuần trước. Chúng được dùng để giải tán những người biểu tình khỏi một công viên công cộng để Tổng thống Donald Trump có thể đi bộ từ Nhà Trắng đến một nhà thờ gần đó để chụp ảnh.

Tổng Chưởng lý Mỹ William Barr nói rằng "khí gas gây chảy nước mắt không hề được sử dụng", cùng với khẳng định "hơi cay không phải là một chất kích ứng hóa học. Nó không phải hóa chất".

Nhưng theo các kỹ sư hóa học, hơi cay thực sự là một chất kích ứng hóa học rất mạnh, và là một vũ khí hóa học.

Có gì bên trong hơi cay?

Hợp chất chủ đạo trong hơi cay là capsaicinoids. Biểu tượng quân sự của chúng là OC – viết tắt của "oleoresin capsicum".

Hóa chất quan trọng nhất trong OC là capsaicin. Nó được trích xuất từ ớt (chilli pepper) trong một quy trình hóa học nhằm hòa tan và cô đặc nó thành một chất lỏng. Capsaicin chính là hợp chất tạo cảm giác cay nóng của ớt, nhưng tồn tại dưới dạng vũ khí hóa với mức độ gắt cao hơn.

Không phải mọi loại capsaicinoids đều có thể thu được trong tự nhiên. Loại có tên là nonivamide (PAVA, hay pelargonic acid vanillylamide) chủ yếu được chế tạo bởi con người. PAVA là một chất kích ứng khá gắt, được dùng trong hơi cay nhân tạo.

Hơi cay có phải là một khí gas gây chảy nước mắt?

Hơi cay là một hóa chất, nhưng phải chăng nó cũng là một loại khí gas gây chảy nước mắt?

gas

"Khí gas gây chảy nước mắt" là một thuật ngữ không chính thức, và khiến mọi người hiểu sai vấn đề, bởi nó không phải là một khí gas. Trên thực tế, khí gas gây chảy nước mắt chỉ chung bất kỳ loại chất kích ứng vũ khí hóa nào được sử dụng để giảm thiểu khả năng di chuyển của mục tiêu.

Cụ thể hơn, khí gas gây chảy nước mắt thường được dùng để miêu tả những loại vũ khí với khả năng phân tán các chất kích ứng bên trong vào không khí dưới dạng các hạt khí dung lỏng (như các bình khí gas), hay dưới dạng bột (như bóng cay). Định nghĩa này giúp chúng ta phân biệt được khí gas gây chảy nước mắt với các loại bình xịt tự vệ sử dụng bọt, gel, và chất lỏng.

Bình khí gas gây chảy nước mắt thường chứa các chất kích ứng 2-chlorobenzalmalononitrile (CS) và phenacyl chloride (CN). Cả CS và CN đều là những hóa chất nhân tạo được phát hiện trong phòng thí nghiệm, không như capsaicin (thành phần truyền thống trong hơi cay).

Nhưng mặc cho capsaicin có nguồn gốc từ ớt, hơi cay vẫn là một chất kích ứng vũ khí hóa có thể được phân tán dưới dạng khí dung hay bột. Nó chắc chắn phải được xem là một loại khí gas gây chảy nước mắt.

Dùng hơi cay như vũ khí

Các chất kích ứng hóa học OC, CS, và CN có biểu tượng quân sự bởi chúng là vũ khí hóa học. Chúng được xếp vào nhóm "độ sát thương thấp" vì có ít khả năng giết chết mục tiêu hơn so với các vũ khí truyền thống. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cách sử dụng, chúng vẫn có thể gây tử vong.

Về mặt kỹ thuật, hơi cay và các loại khí gas gây chảy nước mắt khác được phân loại là hóa chất lachrymatory. Các hóa chất lachrymatory tấn công niêm mạc trong mắt và hệ hô hấp.

Hơi cay có hiệu quả gần như tức thời, buộc mắt phải nhắm nghiền lại và nước mắt tuôn ra. Kết hợp với ho liên tục và khó thở, mục tiêu sẽ bị mù tạm thời và mất khả năng hành động. Bởi các hóa chất lachrymatory tác động vào các thụ thể thần kinh giúp chúng ta cảm nhận nhiệt, chúng còn gây ra cảm giác nóng cực độ.

Những tác động kết hợp của hơi cay có thể tồn tại từ 15 phút cho đến hơn 1 giờ đồng hồ.

Các hóa chất lachrymatory xuất hiện trên chiến trường từ Đệ nhất thế chiến. Đạn pháo được nhồi thêm các hóa chất như xylyl bromide và chloroacetone và bắn vào các binh sỹ phe địch. Các hóa chất gây ngạt thở, phồng rộp da, và nôn mửa về sau đã được thêm vào khi cuộc đua vũ khí hóa học dần leo thang.

Trong những năm 1920, Nghị định thư Geneva đã được ký kết nhằm cấm sử dụng những loại vũ khí hóa học bừa bãi và thường không mấy hiệu quả trên chiến trường. Ngay nay, việc sử dụng những hóa chất kiểm soát bạo loạn một cách phi lý chẳng khác gì con dao hai lưỡi, gây bất bình trong người dân, và làm mục ruỗng những hệ thống được hình thành với mục đích ban đầu là bảo vệ chúng ta khỏi những loại hóa chất vũ khí hóa nguy hiểm nhất đang tồn tại.

Minh.T.T (theo Conversation)

Chủ đề khác