VnReview
Hà Nội

Đây là cách trí nhớ được "sáng tạo" trong bộ não con người khi chúng ta ghi nhớ một điều gì đó

Hãy suy nghĩ một chút về chủ đề này, theo bạn thì trí nhớ là gì? Bộ não hoạt động như thế nào khi chúng ta "nạp" vào trí nhớ một điều mới mẻ? Bài viết dưới đây sẽ cho bạn một câu trả lời ngắn gọn, cơ bản nhất có thể từ góc độ tâm lý và thần kinh học.;

Giải mã quá trình hình thành ký ức trong bộ não

"Não cá vàng" là biểu hiện của bộ não làm việc tốt

Tại sao chúng ta không thể quên đi được cách đi xe đạp?

(Ảnh: The Technews)

Trí nhớ và các cơ chế nền tảng

Theo nhà tâm lý Susan Blackmore trên Science Focus, thực sự không có cái được gọi là "trí nhớ". Trí nhớ (tiếng Anh memory, còn gọi là bộ nhớ, ký ức) là một quá trình hoặc một tập hợp các quá trình có liên quan đến nhau, trong đó bộ não của chúng ta thay đổi để đáp ứng với các sự kiện. Kết quả của các thay đổi này là chúng ta có thể lặp lại một cái tên hay một số điện thoại (trí nhớ ngắn hạn, short-term memory), nhớ lại một sự kiện cụ thể (trí nhớ tình tiết, episodic memory), đọc một bài thơ đã học ở trường (trí nhớ dài hạn về lời nói, long-term verbal memory) hoặc rèn luyện một kỹ năng đã học, ví dụ như chạy xe đạp, trượt ván (trí nhớ phương thức hay còn gọi là trí nhớ tiến trình, trí nhớ thường trực, procedural memory).

Có thể kể ra một số cơ chế quan trọng làm nền tảng cho trí nhớ như: thay đổi về sức mạnh của các khớp thần kinh (khoảng trống giữa các tế bào thần kinh mà các tín hiệu phải băng qua), sự phát triển của các cột sống đuôi gai tí hon mọc ra từ đuôi gai phân nhánh của tế bào, nhiều thay đổi hóa học tăng cường sức mạnh cho một số mạng lưới neuron (tế bào thần kinh) với chi phí phải trả là sức mạnh của các mạng lưới neuron khác. Tuy những thay đổi này xảy ra trên toàn bộ não nhưng một số khu vực như hồi hải mã tí hon trong thùy thái dương của não lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Thiệt hại ở các vùng này có thể là sự mất đi vĩnh viễn mọi khả năng thiết lập ký ức mới.

Nhà tâm lý người Anh Susan Blackmore (sinh năm 1951) là một nhà văn, giảng viên tự do, giáo sư thỉnh giảng đại học Plymouth ở Anh. Bà chuyên nghiên cứu về ý thức, cận tâm lý (các hiện tượng tâm lý siêu nhiên như ngoại cảm, ma ám, thôi miên…).

Trí nhớ được hình thành trong bộ não như thế nào?

Theo tác giả Christian Jarrett, sự tạo thành các ký ức là một hoạt động tự động, vô thức nhưng bên dưới đó là một quá trình rất phức tạp.

Ký ức được hình thành do sự thay đổi sức mạnh của các kết nối trong mạng lưới các tế bào não, đặc biệt là các kết nối ở vùng hồi hải mã nằm trong mỗi thùy thái dương (phần não ở gần tai). Một quá trình then chốt liên quan đến trí nhớ là "kích thích dài hạn" (long-term potentiation, còn gọi là điện thế hóa dài hạn), là sự thay đổi cách thức một neuron ảnh hưởng đến neuron khác mạnh mẽ đến mức nào trong dài hạn.

Ý tưởng xem trí nhớ là một bản ghi âm được khắc vĩnh viễn vào các khuôn mẫu của các tế bào não thật hấp dẫn, tuy nhiên, chính xác thì chúng ta nên xem trí nhớ là một quá trình sáng tạo. Trong quá trình gọi lại trí nhớ, các mẫu hoạt động não bộ trước đó được tái hiện. Đó là một quá trình dễ bị tổn thương nên sẽ có nhiều lỗi và cần được "biên tập".

Hồi hải mã (hippocampus) là một bộ phận quan trọng của não phụ trách việc học tập và trí nhớ. Con người và các động vật có vú đều có hai hồi hải mã nằm ở hai bên não.

Hai ảnh minh họa hồi hải mã (hippocampus) và thùy thái dương (temporal lobe) nơi chứa hồi hải mã (Ảnh: Neuro Scientifically Challenged)

Thuật ngữ hippocampus xuất phát từ "cá ngựa" trong tiếng Hy Lạp vì khi tách rời khỏi não, vùng hồi hải mã có hình dạng rất giống con cá ngựa. Do đó, vùng này còn được gọi là hồi cá ngựa.

Khi tách rời khỏi não, hồi hải mã (bên trái) có hình dạng rất giống con cá ngựa (bên phải) (Ảnh: Neuro Scientifically Challenged)

Nhà văn Christian Jarrett là tiến sĩ thần kinh học nhận thức, nhiều năm làm phóng viên, biên tập viên cho một số ấn phẩm của Hiệp hội Tâm lý Anh như Psychologist (tạp chí Nhà tâm lý), Research Digest (một blog tâm lý nổi tiếng thế giới với số lượt xem lên đến hơn 5 triệu vào năm 2015).

Linh Trần theo Science Focus

Chủ đề khác