VnReview
Hà Nội

Sẽ ra sao nếu hệ thống GPS bị tắt khoảng 1 tháng?

Nếu hệ thống GPS không may dừng hoạt động trong khoảng 1 tháng, thiệt hại kinh tế mỗi ngày ước tính có thể lên tới 1 tỷ USD.

Kể từ khi bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1995, hệ thống vệ tinh chỉ đường GPS đã được áp dụng trên toàn thế giới. Điều hướng thông qua vệ tinh đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu như GPS bị tắt trong vòng 1 tháng?

Một viện nghiên cứu có tên RTI International ở North Carolina, Mỹ đã đi tìm câu trả lời cho câu hỏi thú vị này.

Theo Arstechnica, các nhà nghiên cứu đã tham vấn từ hơn 200 chuyên gia. Kết quả cho thấy, GPS được sử dụng trong nhiều dịch vụ khác nhau, từ nông nghiệp đến định vị các giàn khoan ngoài khơi hay giao hàng.

Nghiên cứu tìm hiểu quá trình từ năm 1984, thời điểm GPS non trẻ lần đầu được mở rộng cho mục đích thương mại tới năm 2017. Kết quả các nhà nghiên cứu nhận thấy, GPS đã góp phần tạo ra lợi ích kinh tế khoảng 1,4 ngàn tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 1984 đến 2017.

Dựa trên những thống kê đã có, các nhà nghiên cứu dự đoán, nếu hệ thống GPS dừng hoạt động trong vòng 30 ngày, thiệt hại mà nó gây ra có thể lên tới 1 tỷ USD/ngày. Ngoài ra khi vào thời điểm mùa trồng trọt, thiếu GPS có thể gây tổn thất khoảng 1,5 tỷ USD/ngày.

Tuy nhiên không phải mọi thứ đều rõ ràng. Nếu GPS biến mất, tác động của nó sẽ chỉ ở mức tối thiểu trong vòng 2 ngày đầu tiên. Nhưng sau đó, mạng không dây sẽ bắt đầu chứng kiến những tác động khủng khiếp. Sau 1 tháng, khả năng kết nối của mạng không dây sẽ chỉ ở ngưỡng 0-60 % so với năng lực kết nối bình thường. Mặc dù vậy điện thoại cố định sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.

Để đánh giá tác động của việc GPS ngừng hoạt động khoảng 1 tháng, nghiên cứu đã xem xét các biến số khác nhau. Trong số đó có "precision timing". Đây là giá trị cho phép một số dịch vụ không dây đồng bộ lưu lượng giữa các nhà mạng, chuyển giao kết nối không dây giữa các trạm gốc và quản lý thanh toán. Nếu mức độ thời gian chính xác càng cao, nó sẽ giúp mở rộng băng thông và cung cấp quyền truy cập tới nhiều thiết bị hơn. Lấy ví dụ như việc triển khai mạng 4G LTE sẽ không thể thực hiện được nếu như không có sự hỗ trợ của GPS.

Nghiên cứu có đoạn viết: "GPS ra đời vào thời điểm phát triển quan trọng của lĩnh vực viễn thông và đóng vai trò trong việc số hóa cơ sở hạ tầng và sự ra đời của công nghệ không dây. Công nghệ không dây vẫn đang tiếp tục phát triển và phụ thuộc khá nhiều vào độ chính xác của GPS. Nhiều xu hướng công nghệ từ xe tự lái đến Internet, tất cả đẩy công nghệ không dây tiến tới một giới hạn mới trong nhiều năm tới".

Đặc biệt viễn thông là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ GPS. Nhờ có sự hỗ trợ của GPS, độ tin cậy và băng thông của ngành viễn thông đã được cải thiện đáng kểm từ đó tạo ra lợi ích khoảng 685,9 tỷ USD. Trong khi đó GPS cũng giúp công nghệ viễn thông tạo ra được lợi ích khoảng 325 tỷ USD. Đối với smartphone, giá trị mà GPS đóng góp đã lên tới 215 tỷ USD.

Bên cạnh đó, giá trị của công nghệ GPS đối với nền kinh tế Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Theo nghiên cứu, 90% tác động tài chính của công nghệ GPS đã bắt đầu thể hiện từ năm 2010. Tuy nhiên một số lĩnh vực kinh tế mới chỉ nhận ra giá trị của GPS trong vài năm trở lại đây.

Thông qua nghiên cứu trên, nhóm tác giả mong muốn chính phủ Mỹ sẽ sớm cải tiến độ an toàn và bảo mật cho hệ thống GPS. Một trong những dự án mới nhất của quân đội Mỹ là hệ thống GPS III, gồm 10 vệ tinh dự kiến sẽ được phóng hoàn tất vào năm 2023. Hệ thống vệ tinh GPS III mới có khả năng cung cấp độ chính xác cao hơn gấp 3 lần (độ chính xác từ 1-3m) so với GPS II (5-10m) hiện tại, đồng thời chống nhiễu cao hơn. Tổng giá trị của GPS III ước tính lên tới 5,5 tỷ USD.

Tiến Thanh

Chủ đề khác