VnReview
Hà Nội

Nhân loại có thể đối mặt với nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt 1,5 độ C trong 5 năm tới?

Hậu quả của biến đổi khí hậu có thể sẽ đến sớm hơn bao giờ hết nếu con người vẫn tiếp tục thờ ơ với hành tinh này.

Các chuyên gia môi trường và các nhà khoa học từng đưa ra cảnh báo về việc nếu chúng ta không cắt giảm khí thải nhà kính mạnh mẽ hơn trước năm 2030, nền nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể vượt ngưỡng tăng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này. Thoạt nghe những dự báo này có vẻ xa vời nhưng thực tế thì hậu quả có thể đang gần ngay trước mắt chúng ta.

Theo chia sẻ mới nhất của Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời tiền công nghiệp. Đây là ngưỡng mà nhân loại đã vượt qua lần đầu tiên vào năm 2015.

Tuy nhiên dự báo mới nhất cho thấy, trong giai đoạn 5 năm tới (2020-2024), nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể chạm ngưỡng 1,5 độ C. Dự báo trên được đưa ra từ các mô hình nghiên cứu của nhiều trung tâm dự báo khí hậu trên thế giới.

Điều này càng cho thấy sự cấp thiết phải có những chính sách khí hậu quyết liệt hơn từ các nước để chống lại biến đổi khí hậu nếu muốn đạt được mục tiêu của Hiệp định khí hậu Paris, đó là kiềm chế nhiệt độ toàn cầu không vượt qua 2 độ C trước cuối thế kỷ này.

Hiệp định khí hậu Paris cũng nhắc đến ngưỡng 1,5 độ C nhưng có lẽ mục tiêu này sẽ khó đạt được với đà biến đổi khí hậu hiện nay. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thập kỷ 2010-2019 vừa qua là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử. 2019 là năm ấm thứ hai trong lịch sử từng được ghi nhận, chỉ sau năm 2016.

Peter Peter Kalmus, một nhà khoa học khí hậu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA chia sẻ: "Sự cố khí hậu không thể đảo ngược đang diễn biến đúng kịch bản của các nhà khoa học. Chúng ta sắp sửa mất Trái Đất, nơi chúng ta đã sinh sống thật rồi".

Xu hướng tăng nhiệt trên quy mô toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục. Theo dự báo trong vòng 5 năm tới, gần như tất cả các khu vực trên Trái Đất sẽ trở nên nóng hơn so với trước đây. Trong đó, một số khu vực sẽ tiếp tục ấm lên nhanh hơn các khu vực khác trên Trái Đất.

Bắc Cực trong những năm gần đây đã ghi nhận tình trạng băng tan ngày càng nhanh và hiện đang phải gồng mình chống chịu các đợt sóng nhiệt khủng khiếp. Bắc Cực được dự đoán sẽ tiếp tục nóng lên gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu. Nguy hiểm hơn nếu như tình trạng này tiếp tục kéo dài, lớp băng vĩnh cửu có thể tan ra và làm tăng mực nước biển, đe dọa nhấn chìm nhiều vùng đất trên thế giới.

Nhiều thành phố trong tương lai có thể ngập dưới nước biển nếu như băng tan ở hai cực

Nếu như con người để nhiệt độ trung bình toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C, tần suất xảy ra các cơn bão nhiệt đới, hạn hán và sóng nhiệt sẽ ngày càng tăng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan không chỉ đe dọa mạng sống của con người mà còn gián tiếp phá hủy nguồn cung cấp thực phẩm và lương thực. Và tất nhiên những người thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội sẽ là những người phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

Có lẽ điều mà thế giới mong muốn nhất lúc này là những cam kết chắc chắn về tương lai của Trái Đất từ lãnh đạo các quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất như Mỹ và Trung Quốc. Hơn hết chúng ta cần tìm cách giảm thiểu tối đa sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Chỉ có như vậy mới giảm được phần lớn nguồn phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển từ nhiệt điện, giao thông,…

Nhưng tất nhiên để cụ thể hóa được mục tiêu này, nhân loại sẽ phải tiếp tục phát triển các giải pháp năng lượng thay thế hiệu quả hơn, dần tiến tới giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và chung sống bền vững hơn với tự nhiên.

Tiến Thanh (Theo Gizmodo)

Chủ đề khác