VnReview
Hà Nội

Tại sao các nhà khoa học biết virus corona bắt nguồn từ dơi, không phải từ phòng thí nghiệm

Một trong những thuyết âm mưu lan tràn khắp mạng internet giữa đại dịch COVID-19 là virus corona được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Nhưng đại đa số các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu về chủng virus này đều tán đồng rằng nó đã tiến hoá một cách tự nhiên và truyền sang con người từ một loài động vật mà nhiều khả năng là dơi.

Làm cách nào chúng ta biết được virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật và lây lan sang con người chứ không phải một virus nhân tạo? Câu trả lời nằm ở vật chất di truyền và lịch sử tiến hoá của nó, cùng với những đặc điểm về sinh thái học của loài dơi được đề cập ở trên.

Ước tính khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm đã biết và 75% tất cả các bệnh mới, đang nổi lên, hoặc tái bùng lên ở con người có nguồn gốc từ động vật. SARS-CoV-2 là chủng mới nhất trong 7 chủng virus corona được tìm thấy trên con người, vốn đều bắt nguồn từ động vật, có thể là dơi, chuột, hay vật nuôi trong gia đình. Dơi cũng từng là nguồn gốc của những virus truyền nhiễm như Ebola, dại, Nipah, và Hendra, bệnh do virus Marburg, và một số chủng virus cúm A (Influenza A).

Thành phần di truyền, hay "bộ gene" của SARS-CoV-2 đã được giải mã và chia sẻ công khai hàng ngàn lần bởi các nhà khoa học trên toàn thế giới. Nếu virus này được tạo ra trong phòng thí nghiệm, hẳn sẽ phải có những dấu hiệu chỉnh sửa trong dữ liệu bộ gene. Những dấu hiệu đó bao gồm bằng chứng về một chuỗi gene của một virus đã có từ trước để làm nền cho virus mới, và hiển nhiên không thể thiếu những yếu tố di truyền được chèn vào (hoặc bị xoá đi) một cách có chủ đích.

Nhưng không hề có bằng chứng nào như vậy tồn tại. Bất kỳ kỹ thuật nào được sử dụng để phát triển nên một con virus cũng phải để lại một "chữ ký di truyền", ví dụ như những phần mã ADN có thể xác định được.

Bộ gene của SARS-CoV-2 tương tự như của các virus corona khác có nguồn gốc từ dơi, cũng như từ tê tê - tất cả đều có kiến trúc bộ gene tương tự nhau. Những khác biệt giữa bộ gene của những virus corona đó cho thấy những đặc điểm tự nhiên thường gặp trong quá trình tiến hoá của virus corona. Điều này cho thấy SARS-CoV-2 đã tiến hoá từ một chủng virus corona trước đó.

Một trong những đặc điểm chính khiến SARS-CoV-2 khác biệt so với các virus corona khác là một protein dạng gai liên kết chắc chắn với các protein khác ở bên ngoài tế bào con người gọi là ACE2. Nhờ đó, virus có thể dính vào và lây nhiễm cho một loạt các tế bào con người. Tuy nhiên, những virus corona liên quan khác cũng có những đặc điểm tương tự, cho thấy những bằng chứng rằng chúng đã tiến hoá tự nhiên thay vì được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Các chủng virus corona và loài dơi "mắc kẹt" trong một cuộc chạy đua vũ trang tiến hoá, trong đó virus liên tục tiến hoá để xâm chiếm hệ miễn dịch của dơi, và dơi thì tiến hoá để chống chịu sự lây nhiễm từ virus corona. Một virus sẽ tiến hoá thành nhiều biến thể, hầu hết trong số đó sẽ bị tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của dơi, nhưng một số sẽ sống sót và truyền sang cho những con dơi khác.

Một số nhà khoa học nhận định SARS-CoV-2 có lẽ xuất phát từ một virus dơi khác đã từng được biết đến, tên là RaTG13, được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Viện virus học Vũ Hán. Bộ gene của hai virus này giống nhau đến 96%.

Con số này khiến chúng ta có cảm giác chúng rất giống nhau, nhưng xét về mặt tiến hoá, 4% là đã đủ để khiến chúng trở nên khác biệt đáng kể dù cho cả hai đã được chứng minh là có cùng một tổ tiên chung. Điều này cho thấy RaTG13 không phải là tổ tiên của SARS-CoV-2.

Trên thực tế, SARS-CoV-2 nhiều khả năng tiến hoá từ một biến thể virus mà trước đây đã không thể sống sót trong một thời gian dài, hoặc đã tồn tại nhưng ở mức rất thấp trong cơ thể loài dơi. Trung hợp thay, nó đã tiến hoá để có khả năng xâm chiếm tế bào con người và bằng cách nào đó tìm được đường vào cơ thể chúng ta, nhiều khả năng thông qua một động vật trung gian, nơi nó có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Hoặc một dạng ban đầu, vô hại, của virus đã nhảy trực tiếp sang người và sau đó tiến hoá để trở nên nguy hiểm khi lây lan giữa người với người.

Biến dị di truyền

Sự hoà trộn hay "tái kết hợp" của nhiều bộ gene virus corona khác nhau trong tự nhiên là một trong những cơ chế tạo ra những chủng virus corona mới. Hiện đã có bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy quá trình này có lẽ đã góp phần vào thế hệ SARS-CoV-2 đang lây lan khắp thế giới.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, virus SARS-CoV-2 dường như đã bắt đầu tiến hoá thành hai chủng khác nhau, phát triển những khả năng thích ứng để xâm chiếm các tế bào con người hiệu quả hơn. Điều này có thể đã diễn ra thông qua một cơ chế gọi là "selective sweep" (quét chọn lọc), trong đó các đột biến có lợi giúp một virus lây nhiễm được nhiều vật chủ hơn và từ đó trở nên phổ biến hơn. Đây là một quá trình tự nhiên mà kết quả cuối cùng có thể là làm giảm đi biến dị di truyền giữa các bộ gene virus riêng rẽ.

Cơ chế tương tự cũng là nguyên nhân cho sự thiếu đa dạng thể hiện trong nhiều bộ gene SARS-CoV-2 đã được giải mã trình tự. Điều đó cho thấy tổ tiên của SARS-CoV-2 nhiều khả năng đã lây lan qua lại trong cộng đồng dơi trong một quãng thời gian dài. Nó sau đó đã có được những đột biến cho phép nó lây lan từ dơi sang các động vật khác, bao gồm con người.

Một điều quan trọng cần nhớ là khoảng 1 trong số 5 loài thú có vú trên Trái đất là dơi, một vài loài chỉ có thể tìm thấy ở những địa điểm cụ thể và một số khác thì di cư xuyên suốt những chặng đường rất dài. Sự đa dạng và phân tán về địa lý này khiến việc xác định nhóm dơi nào là nguồn gốc của SARS-CoV-2 trở nên rất thách thức.

Có bằng chứng rằng những ca bệnh COVID-19 đầu tiên xảy ra bên ngoài Vũ Hán và không có mối liên hệ rõ ràng nào với chợ hải sản nơi đại dịch được cho là đã bắt đầu. Nhưng đó chắc chắn không phải là bằng chứng của một thuyết âm mưu nào đó.

Sự việc có thể đơn giản là những người đã bị lây nhiễm đã vô tình mang virus vào thành phố và sau đó là chợ hải sản, nơi điều kiện bức bối và đông đúc đã làm tăng cơ hội cho bệnh dịch lây lan nhanh chóng. Khả năng này bao gồm cả việc một trong các nhà khoa học tham gia nghiên cứu virus corona trên loài dơi ở Vũ Hán bị lây nhiễm mà không hề biết, và đã mang virus trở lại nơi những con dơi họ đang nghiên cứu sinh sống. Việc này vẫn được xem là lây nhiễm tự nhiên, không phải rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Để thực sự hiểu được lịch sử và nguồn gốc tự nhiên của những dịch bệnh lây lan từ động vật sang người như COVID-19, chúng ta chỉ có thể dựa vào khoa học và những nghiên cứu sâu hơn về thế giới tự nhiên. Đó là điều hợp lý cần thực hiện liên tục bởi mối quan hệ luôn thay đổi giữa chúng ta, và việc chúng ta ngày càng tiếp xúc nhiều với thế giới hoang dã, là những yếu tố làm tăng nguy cơ xuất hiện những dịch bệnh chết chóc lây lan từ động vật sang người. SARS-CoV-2 không phải là virus đầu tiên chúng ta từng bị nhiễm từ các loài động vật, và chắc chắn sẽ không phải là virus cuối cùng.

Minh.T.T (theo TheConversation)

Chủ đề khác