VnReview
Hà Nội

Cảnh báo: Rác thải điện tử toàn cầu tăng cao kỷ lục trong khi tỷ lệ tái chế vẫn rất thấp

Thế giới đã tạo ra kỷ lục hơn 53,6 tấn chất thải điện tử vào năm ngoái và phần lớn đến từ các quốc gia Châu Á.

Số liệu thống kê mới nhất trong báo cáo Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020 do Liên Hợp Quốc công bố mới đây cho thấy, rác thải điện tử sẽ sớm trở thành một vấn đề nhức nhối trên quy mô toàn cầu.

Cụ thể khối lượng rác thải điện tử trên toàn cầu đã tăng 21% trong năm qua. Với tốc độ như vậy tới năm 2030, thế giới có thể thải ra khoảng hơn 74 tấn rác thải điện tử. Đằng sau con số đáng báo động đó là tỷ lệ tiêu thụ cao các mặt hàng điện tử có vòng đời ngắn và khó sửa chữa.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra, các nước Châu Áu có khối lượng chất thải điện tử cao nhất với khoảng 24,9 tấn. Tiếp theo là Châu Mỹ với 13,1 tấn, Châu Âu là 12 tấn, Châu Phi và Châu Đại Dương lần lượt là 2,9 tấn và 0,7 tấn.

Tuy nhiên lượng rác thải điện tử trên bình quân đầu người lại có sự thay đổi trên quy mô toàn cầu. Các nước Châu Âu trong đó đứng đầu bảng xếp hạng khi một người trung bình thải ra số lượng rác điện tử nặng 16,2 kg, tiếp theo là Châu Mỹ với 13,3 kg. Trong khi đó khối lượng rác thải điện tử bình quân đầu người ở Châu Á và Châu Phi chỉ là 5,6 kg và 2,5 kg.

David M. Malone, tổng giám đốc của Liên Hợp Quốc cảnh báo: "Chúng ta cần những nỗ lực mạnh mẽ và khẩn cấp hơn để đảm bảo sản xuất, tiêu thụ và xử lý các thiết bị điện tử một cách thông minh và bền vững hơn".

Tỷ lệ tái chế rác thải điện tử vẫn còn ở mức thấp

Trong năm ngoái chỉ có khoảng 9,3 tấn, tương đương 18% tổng lượng chất thải điện tử được thu gom và tái chế. Phần còn lại chứa các kim loại có giá trị cao, bao gồm vàng, bạc, đồng và bạch kim có trị giá lên tới 57 tỷ USD vẫn đang bị bỏ đi lãng phí tại các bãi rác. Con số này tương đương với GDP của các quốc gia như Li-Băng, Costa Rica và các quốc gia thu nhập thấp khác.

Việc thải bỏ các thiết bị điện tử không khoa học không chỉ gây lãng phí mà còn giải phóng các chất độc hại và hóa chất vào đất và nguồn nước. Các hóa chất độc hại khi nhiễm vào đất và nước có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Cụ thể khoảng 50 tấn thủy ngân được sử dụng chủ yếu trong sản xuất, chế tạo màn hình, bóng đèn và các loại thiết bị khác đã bị rò rỉ ra ngoài môi trường trên thế giới và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của con nguời.

Đó là chưa kể những người làm việc công việc thu gom và tái chế rác thải điện tử ở các nước thu nhập thấp cũng phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghề nghiệp tồi tệ nhất. Trong quá trình khai thác thủ công các kim loại có giá trị cao, họ thường phải đập, đốt các linh kiện tử để lấy chúng. Và khói độc hại thải ra từ các linh kiện không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người lấy mà còn tác động tới cả môi trường.

Nikhil Seth, giám đốc điều hành Viện đào tạo và nghiên cứu của Liên hợp quốc cho biết: "Chất thải điện tử đang được thải ra nhiều hơn cả số rác thải được tái chế an toàn trên thế giới. Cần có nhiều nỗ lực hợp tác hơn nữa nhằm gia tăng nhận thức về vấn đề này và có biện pháp đối phó phù hợp thông qua các chương trình nghiên cứu và đào tạo".

Trong khi số quốc gia áp dụng chính sách thu gom và tái chế chất thải điện tử tăng từ 61 lên 78 thì ở các quốc gia còn lại vẫn chưa có một chính sách hoặc cơ chế đặc thù nào để giải quyết vấn đề này.

Cụ thể nhiều quốc gia đã yêu cầu các nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu thập và tái chế các sản phẩm từ người dùng. Nhưng chính phủ nhiều nước vẫn đang gặp khó khăn trong việc xây dựng các bộ luật liên quan đến tái chế rác thải điện tử.

Cuối cùng báo cáo cũng bày tỏ sự quan ngại đối với hoạt động tái chế điều hòa không khí và tủ lạnh đang gia tăng ở nhiều quốc gia đang phát triển. Nguyên nhân bởi một bộ phận dùng để làm mát trong điều hòa có sử dụng chất làm lạnh gây nguy hiểm cho khí hậu toàn cầu và làm gia tăng tình trạng nóng lên toàn cầu.

Điều này càng nguy hiểm hơn khi 98 tấn CO2 thải vào bầu khí quyển có nguồn gốc từ tủ lạnh và điều hòa đã qua sử dụng hoặc tái chế không hợp lý.

Tiến Thanh

Chủ đề khác