VnReview
Hà Nội

Đường tinh luyện có độc không?

Nói một cách ngắn gọn thì: đường chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho cơ thể chúng ta cả!

Nhiều năm qua, đã có không ít những tranh cãi xoay quanh nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì lan rộng trên toàn nước Mỹ, và sự gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường, đau tim, cũng như ung thư liên quan đến béo phì. Chúng ta luôn được cảnh báo về những nguy hiểm của chất béo, carbohydrates, calories, và của việc không tập luyện đầy đủ, nhưng những vấn đề về sức khoẻ vẫn không có dấu hiệu sụt giảm. Hiện nay, các chuyên gia bắt đầu chuyển hướng sang đường tinh luyện, thứ thực phẩm mà nhiều nhà nghiên cứu và nhà khoa học khẳng định chẳng khác gì một "độc dược" đối với cơ thể. Dù ai cũng đồng ý rằng đường chẳng mang lại hệ quả gì tốt đẹp cho con người, câu hỏi cần đặt ra là: lượng đường mà bạn phải tiêu thụ là bao nhiêu mới đủ biến nó thành chất độc?;

Chúng ta tiêu thụ đường tinh luyện dưới hai dạng chính: Sucrose (hay đường cát, cả đường nâu lẫn đường trắng), và syrup ngô có nồng độ fructose cao (HFCS). Đường cát có một nửa là glucose, một nửa là fructose. HFCS có nồng độ fructose giao động từ 42-55%, phần còn lại chủ yếu là glucose. Đường trong trái cây chỉ có glucose. Fructose ngọt gấp đôi glucose, do đó chúng ta có xu hướng thích đường fructose hơn.

Glucose có thể được xử lý bởi mọi loại tế bào trong cơ thể chúng ta, và dễ dàng được chuyển đổi thành năng lượng, trong khi gan là cơ quan xử lý fructose. Glucose trong một miếng trái cây được tiêu hoá tương đối chậm, bởi cơ thể cần phải giải quyết đủ loại chất dinh dưỡng khác bên trong trái cây nữa. Đường tinh luyện, đặc biệt ở dạng lỏng, "chạy" thật nhanh đến gan mà chẳng hề bị cản trở bởi chất xơ hay các chất dinh dưỡng khác.

HFCS bị chỉ trích khá nhiều bởi để lại hệ quả "tồi tệ" hơn so với đường cát, nhưng cơ thể chúng ta lại xử lý chúng y hệt nhau. Nếu bạn tiêu thụ một lượng lớn đường tinh luyện, gan sẽ phải làm việc quá sức và bắt đầu chuyển nó thành chất béo - và đây là nơi mà đường tinh luyện bắt đầu thể hiện sự độc hại của nó.

Lượng chất béo thừa thãi trong gan là nguyên nhân chính gây ra béo phì, và lượng chất béo nó sản xuất ra (triglycerides) là loại chất gây tắc nghẽn động mạch, dẫn đến bệnh tim. Chất béo trong gan còn có thể dẫn đến một triệu chứng gọi là "kháng insulin", trong đó các tế bào không phản ứng với insulin nữa. Nếu bạn chưa biết thì insulin là hợp chất được tiết ra bởi tuyến tuỵ nhằm điều tiết lượng glucose trong máu. Vì tế bào không phản ứng với insulin, nên khi tuyến tuỵ căng mình sản xuất ra ngày một nhiều insulin, lượng đường trong máu của bạn sẽ bị mất kiểm soát. Insulin còn có mối liên hệ với sự phát triển của bệnh ung thư, có khả năng giúp các tế bào tiền ung thư trở thành các tế bào ác tính.

Rõ ràng có nhiều thông tin khiến chúng ta tin rằng đường có hại, nhưng chúng chưa hoàn toàn liên kết với nhau. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đường gần như ngay lập tức gây hại cho con người và các loài gặm nhấm, nhưng đó là trong trường hợp lượng fructose khá cao đến mức bất hợp lý. Bằng chứng dường như cho thấy lượng fructose có trong chế độ ăn uống thông thường không độc hại, nhưng thông thường là thế nào, vẫn còn nhiều tranh cãi, và sự thật là mức độ tiêu thụ đường tinh luyện đã và đang tăng đều trong nhiều thập kỷ qua. Chúng ta có lẽ chưa có một câu trả lời chắc chắn cho đến khi có thêm những nghiên cứu lâu dài về lượng đường thực tế sử dụng. Còn ngay lúc này, nếu bạn thấy thèm một chút gì đó ngọt ngọt, hãy tìm cho mình một trái táo nhé!

Minh.T.T theo HowStuffWorks

Chủ đề khác