VnReview
Hà Nội

Nấm mốc mọc lên từ Chernobyl có thể giúp bảo vệ trạm ISS khỏi bức xạ vũ trụ

NASA đang kế hoạch quay trở lại mặt trăng vào năm 2024 và rất có thể là thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người tại đây trong 10 năm tới. Song lại có một vấn đề còn lớn hơn cả việc hậu cần đó chính là làm thế nào để tồn tại được trong không gian.

Nấm mốc mọc lên từ Chernobyl có thể giúp bảo vệ trạm ISS khỏi bức xạ vũ trụ

Bức xạ vũ trụ chính là một vấn đề đe dọa tới sức khỏe của các phi hành gia. Nếu con người muốn kéo dài thời gian du hành ngoài vũ trụ để vươn tới sao hỏa và thậm chí xa hơn thì chúng ta phải tìm cách để bảo vệ bản thân khỏi mối nguy hại này. Các phi hành gia trên trạm vũ trụ ISS phải hấp thụ lượng phóng xạ trong một năm nhiều gấp 20 lần so với những người sống tại Trái Đất.

Để bảo vệ phi hành gia, các nhà khoa học đã nghiên cứu một loài sinh vật mạnh mẽ bất thường được tìm thấy ở nơi có mức phóng xạ cao nhất trên thế giới: Chernobyl.

Vụ nổ năm 1986 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã đục một lỗ lớn trên lò phản ứng số bốn. Tại nhiều vị trí của nhà máy, mức phóng xạ cao đến nỗi đủ để giết một người chỉ trong 60 giây. Ấy vậy mà một vài loài nấm mốc vẫn có thể sinh trưởng và sống bất chấp nồng độ phóng xạ cao khủng khiếp.

Một nghiên cứu mới đây về loài nấm có tên khoa học là Cladosporium sphaerospermum đã được đăng tải trên bioRxiv vào ngày 17/7 vừa qua. Từ những gì đã phát hiện được, các nhà khoa học kết luận rằng loại nấm này có thể được sử dụng như một tấm khiên tự phục hồi và nhân rộng cho các phi hành gia đang thực hiện nhiệm vụ ngoài không gian.

Trước đó, các nhóm nghiên cứu đã đặt loài nấm này ngoài trạm ISS trong 30 ngày và phân tích khả năng chống chịu bức xạ của chúng. Nấm mốc, trong đó có loài C. Sphaerospermum, chứa một loại sắc tố có tên là melanin – thứ sẽ giúp hấp thụ bức xạ để chuyển hóa thành năng lượng.

Cụ thể, các nhà khoa học đã thiết đặt một đĩa petri có hai mặt. Một mặt sẽ có nấm C. Sphaerospermum, mặt còn lại thì không có gì. Bên dưới đĩa này là một máy dò phóng xạ. Trong 30 ngày, máy dò sẽ thực hiện đo đạc sau mỗi 110 giây. Kết quả đã cho thấy rằng nấm mốc vẫn có thể thích nghi với môi trường không trọng lực và phát triển bất chấp phóng xạ có trong vũ trụ. Ngoài ra chúng còn có thể chặn một phần phóng xạ, tương đương với gần 2% lượng bức xạ gửi tới.

Một trong những ưu điểm lớn nhất chính là loại nấm này có thể tự nhân giống chỉ từ một lượng vi bào. Nhờ vậy mà ta sẽ chỉ cần gửi đi một lượng rất nhỏ loại nấm này vào vũ trụ, rồi cung cấp dinh dưỡng cho chúng để tạo thành một tấm chắn bức xạ sinh học. Và với một vài thay đổi nhỏ, chúng cũng có thể được sử dụng để bảo vệ những căn cứ được xây dựng trên mặt trăng và Sao Hỏa.

Trung ND

Chủ đề khác