VnReview
Hà Nội

Tại sao con người không thể mọc cánh?

Kể cả nếu con người mọc cánh, chúng ta cũng sẽ không thể ngay lập tức bay được!

Con người là loài động vật có cột sống. Có nghĩa là chúng ta nằm trong một nhóm gọi là "động vật có xương sống" - cùng với cá, lưỡng cư (như ếch), bò sát, chim, và thú có vú.

Rất lâu trước đây, con người vẫn chưa xuất hiện. Chúng ta thực ra bắt nguồn từ những con cá 500 triệu năm tuổi, không tay, chân, hay hàm. Nhưng dần dần, trải qua nhiều thế hệ, những con cá đó đã thay đổi. Một số bắt đầu mọc tay và chân, cuối cùng hình thành nên loài người mà chúng ta biết đến ngày nay.

Những thay đổi rất chậm chạp đó diễn ra với mọi loài động vật trong hàng triệu năm - một quá trình mà chúng ta gọi là "tiến hoá". Mọi phần trên cơ thể người, và mọi loài động vật khác, đều tiến hoá theo cách như vậy.

Hai tay, hai chân: tạo hình cơ bản của một cơ thể có xương sống

Cá là loài động vật có xương sống đầu tiên có các cặp chi. Đối với con người, đó là tay và chân. Cá có các cặp vây ở trước và sau. Rất lâu trước đây, một số con cá đã tiến hoá nên những mẩu xương trong vây của chúng, thứ mà sau này trở thành ngón tay của con người. Và tạo hình cơ thể gồm 2 cặp chi (tổng cộng 4 chi) đã và đang hiện diện trên cơ thể các loài động vật có xương sống cho đến ngày nay.

Mọi loài động vật có xương sống hiện nay đều có tạo hình cơ thể giống nhau: hai tay, hai chân, một đầu, hai mắt, hai lỗ mũi, một miệng với hàm răng... Tuy nhiên, qua quá trình tiến hoá, một số loài động vật không theo đúng tạo hình này. Cơ thể của chúng cần khác biệt để phù hợp với lối sống, bơi hoặc bay. Đó là lúc cánh bắt đầu xuất hiện.

Các loài động vật bắt đầu biết bay ra sao?

Cánh của các loài có xương sống biết bay, như chim, đơn giản là những cánh tay đã được biến đổi để giúp chúng bay được. Bạn hẳn đã từng nghe đến loài pterosaur - những sinh vật biết bay cỡ lớn sống cùng thời với loài khủng long. Pterosaur cũng từ từ hình thành bộ cánh qua rất nhiều năm. Chúng làm điều đó bằng cách phát triển một ngón tay dài kết nối một lớp da mỏng gọi là màng với phần còn lại của cơ thể.

Loài Pterosaur không phải là khủng long mà thuộc nhóm bò sát

Một nhóm thuộc loài khủng long đã tiến hoá thành chim vào khoảng 160 triệu năm trước. Quá trình này diễn ra ngay sau khi khủng long lần đầu phát triển lông vũ để giúp giữ ấm hoặc làm mát cơ thể khi cần thiết. Sau đó, qua nhiều thế hệ, cánh tay trước của chúng dần dần mọc dài ra để tạo thành đôi cánh.

Còn đây là một con khủng long có cánh mang tên Archaeopteryx

Tại sao con người không tiến hoá để mọc cánh?

Mọi sinh vật sống, bao gồm các loài động vật có xương sống, đều có một bộ gene. Bộ gene giống như một cuốn sách hướng dẫn tí hon bên trong cơ thể chúng ta, quyết định chúng ta sẽ lớn lên ra sao và cơ thể chúng ta có thể làm những gì. Chúng ta không thể thay đổi chức năng của gene được. Ví dụ, gene của bạn là lý do tại sao mắt bạn lại có màu đen, trong khi người khác màu nâu hoặc xanh dương - nhưng bạn không thể kiểm soát điều đó được.

Chúng ta còn có các gene gọi là "gene hox". Chúng có nhiệm vụ đảm bảo cơ thể chúng ta phát triển theo một cách nhất định khi chúng ta lớn dần lên. Ví dụ, bạn có thể trở nên cao hơn anh chị em trong gia đình, nhưng gene hox đảm bảo bạn chỉ có thể có 2 cánh tay và 2 chân mà thôi - chứ không thể có 8 chân như con nhện được. Trên thực tế, các gene hox của chính loài nhện là lý do nó có 8 chân.

Như vậy, một lý do chính giải thích việc con người không thể mọc cánh là bởi bộ gene của chúng ta chỉ cho phép mọc tay và chân mà thôi!

Nhưng nếu chúng ta có cánh thì sao?

Kể cả khi con người có cánh, chúng ta cũng sẽ không bay ngay được.

Để bay, chúng ta còn cần có kích cỡ cơ thể và hệ trao đổi chất phù hợp. Trao đổi chất là khả năng của cơ thể nhằm sử dụng nhiên liệu (như chất dinh dưỡng từ thức ăn chúng ta ăn) để tạo ra năng lượng, giúp chúng ta di chuyển.

Loài chim có cơ chế trao đổi chất cao hơn chúng ta rất nhiều. Quả tim của một con chim nhại có thể đập đến 1.200 lần/phút, trong khi quá tim của một vận động viên con người chỉ đập nhanh nhất là 220 nhịp/phút mà thôi. Có nghĩa là chim nhại có thể đốt cháy năng lượng tốt hơn nhiều so với con người.

Các loài chim bay được còn có bộ xương nhẹ hơn nhiều để giúp chúng thở tốt hơn, có bộ lông giúp chúng nhấc bổng cơ thể lên khi đang bay, và có hai lá phổi mạnh mẽ giúp bơm oxy trong toàn cơ thể.

Trừ khi con người có tất cả những thứ đó, chúng ta sẽ không thể bay được kể cả nếu có cánh. Loài khủng long cũng chỉ tiến hoá được thành chim bằng cách làm cho cơ thể chúng nhỏ lại và nhẹ đi nhiều lần qua thời gian.

Rồng thì sao?

Rồng chắc chắn không có thật, nhưng một số loài rồng mà chúng ta hình dung ra có cơ thể khá giống với các loài động vật có xương sống ngoài đời thực.

Những con rồng như Smaug trong phim The Hobbit chỉ có cánh và chân. Do đó nếu Smaug có thật, nó có thể bay được, miễn là khối lượng cơ thể nhẹ, cơ chế trao đổi chất cao, và có màng để tạo thành cánh.

Rồng Smaug

Mặt khác, chú rồng Night Fury trong phim Bí kíp luyện rồng có tay, chân, và cánh. Ngoài đời thực, điều đó tương đương với việc có 2 chân và 2 cặp tay.

Night Fury phá vỡ mọi quy tắc cơ bản của tiến hoá, bởi không có loài động vật có xương sống nào từng tiến hoá để có tạo hình như vậy cả. Các loài côn trùng thì có thể, nhưng chúng không có cột sống, do đó chúng không phải động vật có xương sống.

Rồng Nightfury

Do đó nếu Night Fury có thật, các nhà khoa học có lẽ sẽ xếp nó vào nhóm côn trùng!

Minh.T.T;(theo TheConversation)

Chủ đề khác