VnReview
Hà Nội

Đây chính là nơi nguy hiểm nhất trong lịch sử hành tinh

Sau hơn một thế kỷ nghiên cứu các mẫu hóa thạch, các nhà khoa học đã khám phá ra rằng vào khoảng 100 triệu năm trước, sa mạc Sahara chính là nơi nguy hiểm nhất hành tinh này. Tại đây xuất hiện một số loài khủng long săn mồi kích thước lớn và chưa từng được phát hiện trong các hệ sinh thái trên cạn hiện đại khác.

Các mẫu hóa thạch được phân tích lấy từ tầng địa chất Kem Kem, một tầng địa chất dạng đá được phát hiện tại đông nam Marocco, gần biên giới Algerian có niên đại từ thời kỷ Phấn Trắng. Các mẫu hóa thạch cho thấy sự hiện diện của các loài khủng long ăn thịt kích thước lớn, loài bò sát ăn thịt biết bay và cả loài săn mồi tương tự cá sấu sinh sống trong khu vực. Tất cả các loài sinh vật trên sinh sống cùng nhau vào thời điểm Sahara vẫn còn là một hệ thống sông với nhiều loài cá lớn.

Các sinh vật được tìm thấy trong tầng địa chất Kem Kem xuất hiện trên Trái Đất khoảng 95 triệu năm trước khi loài người xuất hiện trên hành tinh này. Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học Nizar Ibrahim cho biết "nếu bạn có cỗ máy thời gian và quay về nơi này tại thời điểm đó, bạn sẽ không sống được quá lâu đâu".

Trả lời với CNN, Ibrahim cho biết "về mặt sinh thái", Kem Kem "thật sự là một nơi bí ẩn". Thông thường, các hệ sinh thái khác sẽ có số loài động vật ăn thực vật lớn hơn so với các loài ăn thịt, và trong số các loài ăn thịt, chúng sẽ có nhiều kích thước khác nhau cùng với một loài có kích thước lớn chiếm ưu thế.

Tại Kem Kem, số lượng hóa thạch của các loài khủng long ăn thịt lớn hơn nhiều so với các loài ăn thực vật và thậm chí là các loài ăn thịt còn sống chung với nhau trong cùng một khu vực chẳng hạn như Carcharodontosaurus, Spinosaurus, Abelisaur và Deltadromeus, chúng đều có kích thước to bằng một con T-rex.

Ibrahim cho biết đây là hiện tượng không bình thường, "thậm chí là với tập tính loài khủng long". Bởi vì khi T-rex xuất hiện tại Bắc Mỹ 10 triệu năm sau đó, nó trở thành "loài thống trị cao nhất trong hệ sinh thái cổ đại".

Một con khủng long săn mồi Abelisaur nghỉ ngơi trong khi một số loài thằn lằn bay tranh giành thịt thừa từ xác con mồi. Tác phẩm của Davide Bonadonna, dưới sự giám sát khoa học của Simone Maganuco và Nizar Ibrahim.

Có nhiều khả năng rằng những con khủng long săn mồi tại Kem Kem ăn thịt lẫn nhau. Theo Ibrahim, khả năng thực tế hơn là chúng ăn các loài cá có kích thước lớn và phong phú trong khu vực, ví dụ như cá Coelacanths có "kích thước bằng một chiếc xe hơi"; và cá đao có thể dài đến hơn 7 mét.

Các loài khủng long săn mồi tại Kem Kem có hình dáng như thế nào?

Nhà cổ sinh vật học và là nhà nghiên cứu khủng long tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie ở Pittsburgh, Matthew Lamanna cho biết loài khủng long Carcharodontosaurus giống với T-rex về hình dáng và kích thước nhưng với "phần đầu hẹp hơn, hai chi trước dài hơn với ba ngón trên mỗi chi (thay vì hai ngón)".

Lamanna cho biết loài Spinosaurus có kích thước thậm chí còn lớn hơn với ngoài hình "lai giữa Carcharodontosaurus và cá sấu". Chúng có hộp sọ và răng giống cá sấu và phần thân là sự pha trộn của cả hai loài nhưng chân trước dài hơn. Là một sinh vật có khă năng bắt cá dưới nước, điểm đặc biệt nhất của Spinosaurus là "phần vây cao khoảng 2 mét chạy dọc trên sống lưng".

Lamanna còn cho biết rằng loài Abefisaur có kích thước nhỏ hơn Spinosaurus và "khuôn mặt có nét giống loài chó mặt xệ".

Loài Deltadromeus được phát hiện qua một bộ xương không hoàn chỉnh, chúng được cho rằng có kích thước tương tự một con T-rex. Theo Ibrahim, Deltadromeus có thể có phần chân khá mảnh và phần đuôi rất dài. Tuy nhiên, loài khủng long này vẫn còn khá bí ẩn vì các hóa thạch tìm thấy chỉ mới có phần cổ và hộp sọ của chúng.

Ngoài ra, Lamanna còn cho biết một số loài sinh vật khác tại Kem Kem gồm "cá sấu săn mồi với kích thước tối thiểu là bằng các loài cá sấu còn sống ngày nay"  và các loài bò sát bay như Pterosaurs "sẽ đè bẹp bất cứ loài chim hiện đại nào".

Nghiên cứu tại tầng địa chất Kem Kem được tiến hành bởi Ibrahim và một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đến từ Mỹ, Anh, châu Âu và châu Phi nhằm nhấn mạnh sự quan trọng của việc nghiên cứu cổ sinh vật học tại châu Phi cũng như các khu vực khác ở Nam bán cầu.

Lục địa bị lãng quên

Ibrahim cho biết "theo nhiều cách hiểu, châu Phi vẫn còn là một lục địa bị lãng quên"  và nghiên cứu này sẽ giúp "chấm dứt sự phân biệt".

Mặc dù khả năng bảo tồn và tiếp cận các bằng chứng tại châu Phi ở nhiều mức độ khác nhau, tuy vậy vẫn còn rất nhiều điều chưa được khám phá trên lục địa này.

Những kết quả từ tầng địa chất Kem Kem cho thấy hệ sinh thái tại châu Phi "không đơn giản chỉ là phản ánh lại những gì chúng ta đã biết tại Bắc Mỹ, châu Âu hay các nơi khác"  và nó còn tiết lộ một số manh mối về sự sống trên Trái Đất khi có sự biến đổi mạnh mẽ về khí hậu.

Bằng chứng từ các tầng đá tại Kem Kem cho thấy rằng hệ thống sông, là nơi cư ngụ của các loài săn mồi và loài cá lớn, đã bị nước biển xâm nhập, biến nơi đây trở thành một vùng biển ấm và cạn. Tua nhanh đến hiện tại, vùng biển này đã trở thành một sa mạc lớn và nóng nhất trên thế giới.

Ibrahim cho biết nghiên cứu cổ sinh vật học sẽ giúp chúng ta hiểu được "hậu quả sâu xa của hiện tượng mất đa dạng sinh học và đó chính là điều đang diễn ra hiện nay".

Minh Bảo (Theo CNN)

Chủ đề khác