VnReview
Hà Nội

Apple và Samsung bỏ củ sạc kèm điện thoại có giảm được rác thải điện tử?

Với việc ngay chính những chiếc smartphone vẫn đang ở xu hướng "dùng một lần" như hiện tại, thì quyết định loại bỏ củ sạc đến từ Apple và Samsung khó lòng mang lại những ảnh hưởng tích cực khi mà chất thải điện tử vẫn không ngừng gia tăng hàng ngày.

Gần đây, cả hai ông lớn Apple và Samsung đều được đồn đoán sẽ ra mắt các flagship tiếp theo của họ mà không tặng kèm theo củ sạc. Cho dù đó là biện pháp tiết kiệm chi phí sản xuất hoặc động thái nhắm đến sự phát triển bền vững lâu dài, chúng ta vẫn cần đặt ra câu hỏi: Liệu quyết định đó có ảnh hưởng đến môi trường hay không?

Samsung có thể được xem là một trong số ít các nhà sản xuất điện thoại thông minh đang có những bước tiến quan trọng nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Năm ngoái, nhà sản xuất Hàn Quốc đã bắt đầu thay thế vật liệu nhựa không cần thiết khỏi bao bì sản phẩm của mình và thay thế bằng giấy và các vật liệu bền vững khác thân thiện với môi trường.

Gần đây, Samsung cũng đã giới thiệu bộ sạc điện thoại thông minh "xanh" mới nhất của mình. Theo công ty, kể từ năm 2014 các củ sạc của họ đã góp phần tiết kiệm 13 triệu kWh năng lượng điện cùng những cải tiến mạnh mẽ hơn được mong đợi từ các mẫu mới. Còn hiện tại, OEM này có thể loại bỏ chúng hoàn toàn, hạn chế sản xuất những thứ không cần thiết.

Đây đều là những động thái tích cực đến từ "gã khổng lồ" công nghệ Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi để chúng ở cạnh nhau với một lượng lớn chất thải điện tử được tạo ra bởi ngành công nghệ, việc giảm lượng khí thải carbon chỉ trông chờ vào bộ sạc và bao bì đóng gói dường như chẳng mấy hiệu quả.

Điện thoại thông minh "dùng một lần" và tái chế rác thải điện tử

Rác thải điện tử là một trong những vấn đề môi trường lớn nhất mà con người đang phải đối mặt hiện nay. Thuật ngữ rác thải điện tử bao gồm bất cứ thiết bị nào sử dụng pin hoặc điện để hoạt động, từ các thiết bị gia dụng cỡ lớn như tủ lạnh và máy giặt cho đến điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị đeo.

Số liệu ước tính sẽ có đôi chút khác biệt, nhưng theo hầu hết các nguồn, thế giới tạo ra khoảng 50 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm. Khoảng 10% trong số đó đến từ các thiết bị điện tử nhỏ như smartphone và tỷ lệ dự kiến ​​sẽ tiếp tục gia tăng.

Dẫu cho giá bán của những chiếc flagship đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhưng người dùng vẫn có rất nhiều sự lựa chọn đến từ những chiếc smartphone giá rẻ hoặc tầm trung - vốn chẳng mấy ai mặn mà sửa chữa hay đúng hơn là nếu hư thì mua mới. Khả năng sửa chữa; hạn chế hoặc thậm chí không thể sửa chữa càng làm trầm trọng thêm vấn đề.

Samsung cũng không đứng ngoài xu hướng này. Các thiết bị của họ thường nhận được điểm sửa chữa thấp. Mặc dù, hãng đã tỏ ra quan tâm đến người dùng với việc theo dõi cải thiện các bản cập nhật trong những năm gần đây, tuy nhiên phần lớn các thiết bị đều "ngậm ngùi" chấp nhận dừng lên phiên bản Android mới nhất chỉ sau 2 hoặc 3 năm ra mắt, đến ngay cả những chiếc flagship "đắt đỏ" cũng phải chịu chung số phận.

Hình thái tương tự cũng được áp dụng bởi hầu hết các nhà sản xuất Android. Điều này đã làm kìm hãm mức độ hấp dẫn lâu dài của sản phẩm không chỉ đối với những người mua chấp nhận "đập hộp" mà còn đối với thị trường đồ second hand.

Việc giữ được sức hấp dẫn của một sản phẩm sau khi được mua đi bán lại là cực kỳ quan trọng. Chúng thường được tân trang và đẩy vào thị trường thiết bị second hand hoặc đem đi tặng. Nếu những người quyết định mua sản phẩm đã qua sử dụng nhưng lại không thể thay pin dễ dàng hoặc thậm chí các cửa hàng sửa chữa của bên thứ ba cũng phải chịu thua, họ sẽ chẳng còn lý do gì để mà lưu luyến việc gắn bó với chiếc điện thoại đó lâu dài.

Vấn đề này thậm chí còn dễ mường tượng hơn với các thiết bị xu hướng hiện nay: những chiếc smartphone với màn hình gập – dễ hư hỏng và cực khó sửa chữa. Những bãi rác sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi những chiếc smartphone này còn nhanh hơn cả những "người đồng nghiệp" không gập được nếu như chúng được sử dụng rộng rãi.

Vấn đề tái chế smartphone

Chỉ có khoảng 20% ​​chất thải điện tử được tái chế trên toàn cầu. Nếu không được xử lý đúng cách, các thiết bị sử dụng pin Lithium-ion như điện thoại thông minh sẽ dẫn đến nguy cơ nghiêm trọng. Ví dụ như đã có trường hợp cháy pin thiêu rụi toàn bộ cơ sở sản xuất.

Tệ hơn nữa, điện thoại thông minh chứa một số vật liệu quý hiếm và giá trị, chúng đều được tập kết về cùng chung trong bãi rác. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Plymouth đã bỏ những chiếc smartphone vào một chiếc máy xay và phát hiện ra rằng chúng chứa trung bình 900mg vonfram, 70mg coban, 90mg bạc, 36mg vàng, cùng với các vật liệu quý hiếm khác.

Mặc dù về mặt giấy tờ, chừng đó có vẻ không nhiều, nhưng các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng để tạo ra chỉ một chiếc điện thoại, người ta cần khai thác 7kg quặng vàng cao cấp. Điều này cho thấy những vật liệu không thể tái tạo và khó khăn trong việc khai thác đến như vậy lại đang thường xuyên bị phí phạm, trong khi hoạt động khai thác quặng mới vẫn luôn được tiếp tục.

Tái chế có vẻ như là giải pháp khả dĩ cho vấn đề hiện tại. Một ví dụ sáng giá nhất, đó là huy chương Olympic Tokyo 2021 được làm từ vàng, bạc và đồng có nguồn gốc từ chất thải điện tử được tái chế.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp tái chế cũng không phải không có vấn đề. Một nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức Basel Action Network đã tiết lộ rằng gần 40% rác thải điện tử của Mỹ bị xuất khẩu bất hợp pháp. Các nhà nghiên cứu đã đặt các thiết bị theo dõi vô tuyến trong một số thiết bị điện tử được gửi đến các cơ sở tái chế được cấp phép và sau đó theo dõi hành trình của chúng.

Phần lớn các bộ phận thiết bị đã "dừng chân" ở các nước đang phát triển, hầu hết trong số đó là ở châu Á. Khi đó, chất thải điện tử thường được xử lý trong các cơ sở không an toàn hoặc thậm chí là bãi phế liệu ngoài trời nơi công nhân xử lý các thiết bị mà không hề sử dụng bất cứ thiết bị bảo hộ nào.Trong quá trình làm việc, họ tiếp xúc liên tục với thủy ngân, niken và các vật liệu độc hại khác.

Dữ liệu tại EU cũng chẳng khấm khá hơn. Một phần đáng kể chất thải điện tử tại các quốc gia này sẽ được đưa đến các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, đôi khi ở những nơi như khu Agbobloshie, bãi phế liệu điện tử lớn nhất ở Ghana. Ở đó, màn hình, máy tính cũ, và nhiều thứ khác bị đốt cháy ngoài trời, thải ra khói độc và rò rỉ chất độc xuống đất, đôi khi còn lan tỏa cả vào nguồn nước uống. Sự tiếp xúc liên tục này dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ngộ độc chì, ung thư và dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Điện thoại với thiết kế mô-đun và quyền sửa chữa

Liệu có một giải pháp nào có thể ngăn chặn tất cả tác hại này và thực sự giảm rác thải điện tử từ điện thoại thông minh? Nhiều người đã đề nghị đặt trách nhiệm lên vai người tiêu dùng và khuyến nghị người dùng hạn chế mua mới điện thoại thông minh và những thiết bị công nghệ khác. Mặc dù điều đó nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực chất mọi sự thay đổi phải bắt đầu từ gốc.

Nếu điện thoại thông minh và máy tính bảng cứ khó sửa chữa hoặc bị làm cho lỗi thời có chủ đích, thì người tiêu dùng cũng không thể mãi làm theo mớ lý thuyết đó được. Khi việc sửa chữa tốn kém và mất thời gian hơn so với việc mua một thiết bị mới hào nhoáng, sự lựa chọn cho nhiều người rất đơn giản: mua mới!

Và rồi, những kiểu điện thoại theo dạng mô-đun như Fairphone 3 được cho là một giải pháp sáng giá. Chúng gồm những bộ phận dễ dàng thay thế, khiến cho việc sửa chữa được liền mạch. Cụ thể, Fairphone 3 có sáu mô-đun có thể thay thế. Fairphone cũng cực kỳ ưu ái người dùng khi hỗ trợ cập nhật dài hạn. Công ty này gần đây đã làm việc với nhóm LineageOS để đưa Android 9 Pie lên Fairphone 2. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như không biết rằng đó là một chiếc điện thoại đã gần 5 năm tuổi, thực tế bộ vi xử lý bên trong của nó chỉ được hỗ trợ chính thức đến Android 6.0 Marshmallow.

Thật không may, Fairphone vẫn chỉ được đánh giá là một sản phẩm tương đối độc đáo và thích hợp. Thương hiệu này cũng không phải là kẻ đầu tiên thử nghiệm kiểu thiết kế mô-đun. Chúng ta đã được chứng kiến sự xuất hiện của những chiếc điện thoại có thể ghép nối mô-đun như bộ Moto Mods và LG G5, chúng đến rồi đi mà không đọng lại quá nhiều ấn tượng nơi người dùng. Điều này làm cho các thiết bị như vậy trở thành một khoản đầu tư rủi ro cho các nhà sản xuất có mối quan tâm duy nhất là lợi nhuận.

Công cụ khả thi duy nhất mà chúng ta đang có để chống lại vấn đề là bộ luật về "quyền được sửa chữa". Ủy ban châu Âu đã đi đến sáng kiến "quyền được sửa chữa" ​​như là một phần của Kế hoạch Hành động Kinh tế tuần hoàn. Nó nhằm đến mục đích khuyến khích thiết kế sinh thái và tái sử dụng, nhưng cũng để giúp cho việc sửa chữa những thứ như pin smartphone và thay thế màn hình trở nên dễ dàng hơn.

Một bộ sạc tiêu chuẩn cho tất cả các điện thoại cũng là một phần của kế hoạch, mặc dù EU đã cố gắng nhưng chưa thể thực hiện ở hiện tại. Tuy nhiên, đây là một giải pháp tốt hơn nhiều so với việc Samsung và Apple loại bỏ các bộ sạc khỏi những chiếc điện thoại mới và rồi chỉ đơn giản là chuyển chi phí và trách nhiệm cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sáng kiến này chưa thể giải quyết tất cả các mối quan tâm. Động thái này đi kèm với việc mong muốn các OEM cung cấp các bộ phận thay thế chính thức và hướng dẫn sửa chữa cho các cửa hàng của bên thứ ba và khách hàng.

Tinh chỉnh phần mềm cũng là một phần quan trọng của câu chuyện được nhắc tới. Một số nhà hoạt động lập luận rằng việc root, mở khóa thiết bị và cài đặt ROM tùy chỉnh là cần thiết nhằm ngăn ngừa việc các thiết bị đã được lập trình lỗi thời từ trước. Sửa chữa cũng được coi là một phần thiết yếu của quyền sở hữu.

Tại Mỹ, một chiến thắng quan trọng đã được xác lập vào năm 2018. Giờ đây, người dùng có thể mở khóa một cách hợp pháp và root nhiều loại thiết bị gia đình, bao gồm cả điện thoại thông minh và thiết bị nhà thông minh. Tuy nhiên, sửa chữa phần cứng lại là một vấn đề khác. Hai mươi tiểu bang đã giới thiệu dự luật "quyền được sửa chữa", nhưng cho đến nay vẫn chưa được thông qua. Các nhà sản xuất như Apple thường vận động hành lang chống lại các dự luật.

Đó là lý do tại sao bộ luật "quyền được sửa chữa" rất quan trọng. Các nhà sản xuất có thể chuyển sang đóng gói thân thiện với môi trường và loại bỏ bộ sạc, nhưng nếu như không có sự thay đổi hệ thống, những động thái này chẳng gì hơn ngoài những chiến lược PR, trong khi rác thải điện tử vẫn hàng ngày chất đống thêm.

Giang Vu theo Android Authority

Chủ đề khác