VnReview
Hà Nội

SARS-CoV-2 đã âm thầm phát triển trên loài dơi từ hàng thập kỷ?

Nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 đã phát triển trên loài dơi khoảng từ 40 đến 70 năm trước.

Các nhà khoa học đã bắt đầu tìm hiểu nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19 ngay từ khi nó xuất hiện. Những báo cáo đầu tiên cho thấy virus bắt nguồn từ loài dơi sau đó lây sang một loại động vật có vú làm trung gian (có khả năng là loài tê tê) và cuối cùng lây sang người.

Dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn con đường lây nhiễm của SARS-CoV-2. Nhiều phỏng đoán cho rằng SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trực tiếp từ dơi sang người mà không "cần" trung gian. Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Microbiology đã đưa ra giả thuyết SARS-CoV-2 có thể đã "âm thầm phát triển trên loài dơi trong hàng thập kỷ". Nếu giả thuyết này đúng, nghiên cứu sẽ giúp xác định những yếu tố quan trọng trong quá trình tiếp xúc giữa con người và động vật dẫn đến sự xuất hiện của một dịch bệnh lây từ động vật sang người.

"Mục đích của nghiên cứu này là để xác định SARS-CoV-2 có họ hàng với các loại virus tương tự ở những nơi khác hay không", tác giả nghiên cứu Maciej F. Boni cho biết, ông là giáo sư sinh học tại bang Pennsylvania. Nếu nó có họ hàng gần với virus nào đó, Boni và các nhà nghiên cứu khác có thể so sánh gen của chúng với SARS-CoV-2 để hiểu rõ hơn giai đoạn tồn tại trong tự nhiên của virus này.

Boni và các cộng sự đã so sánh SARS-CoV-2 với các mẫu virus khác lấy từ loài dơi lá mũi vào năm 2013, chúng đều thuộc một loại virus có tên sarbeco. Bằng cách sử dụng một số kỹ thuật phân tích trình tự gen, các nhà khoa học cho rằng một loại virus khác có tên RaTG13 và SARS-CoV-2 có cùng tổ tiên và chúng đã tách ra từ 40 đến 70 năm trước. Nghiên cứu cũng đã phân tích một vài mẫu virus sarbeco, được cho là có nguồn gốc từ loài dơi, lấy từ tê tê. Kết quả cho thấy dường như chúng đều có họ hàng với nhau.

Nếu có càng nhiều virus tồn tại trong tự nhiên và sinh sống trong quần thể các loài động vật như dơi và tê tê, rất có thể chúng cũng sẽ lây lan sang người. Và từ nghiên cứu này, Boni cho biết "Rất có thể các họ hàng khác của chúng đang lặng lẽ sinh sống trong loài dơi. Và có khả năng cao những dòng virus này có thể tác động đến tế bào con người".

Ông cũng cho biết việc phát hiện tất cả các loại virus không phải là điều dễ dàng. Nguyên nhân vì virus corona là một loại virus có khả năng tái tổ hợp rất cao, có nghĩa là chúng có thể lấy vật liệu di truyền từ rất nhiều nguồn có họ hàng khác nhau trong khoảng thời gian rất ngắn. Do đó, các nhà khoa học phải tiến hành thêm rất nhiều nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc đặc điểm di truyền của chúng. Boni và các cộng sự đã phải tìm ra phần nào trong gen của virus liên quan đến tổ tiên của nó trên loài dơi và nghiên cứu chúng độc lập với các vật liệu di truyền khác.

Thông thường, khi các nhà khoa học tiến hành phân tích dạng này, họ có thể có đến hàng trăm mẫu được thu thập từ trước đó để xác định quá trình phát triển của virus. Tuy nhiên, nhóm của Boni chỉ có 68 mẫu virus sarbeco.

Điều đó có nghĩa là nghiên cứu này không thể cho thấy toàn bộ quá trình tiến hóa của virus, Shing Zhan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học British Columbia, cho biết. Nếu có nhiều mẫu vật hơn được tìm thấy trong tương lai, kết quả có thể thay đổi hoàn toàn. Nhưng "nghiên cứu này sẽ cho chúng ta manh mối về hình thức tiếp xúc nào đã khiến virus lây từ động vật sang người"; và đây là nghiên cứu phân tích toàn diện nhất tính đến nay, ông nói.

Theo báo cáo, nghiên cứu còn cho thấy thách thức trong việc phát hiện và theo dõi một dịch bệnh tiềm tàng gây ra bởi virus liên quan đến động vật hoang dã. "Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của một mạng lưới toàn cầu giám sát dịch bệnh ở người theo thời gian thực… với khả năng triển khai nhanh chóng các công cụ gen cùng với các nghiên cứu chuyên sâu để xác định và phân loại mầm bệnh".

Thêm vào đó, báo cáo còn cho rằng SARS-CoV-2 có thể không cần vật chủ trung gian để lây nhiễm từ dơi sang người như những nghiên cứu trước đó. "Từ khi dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đã nghiên cứu vật chủ trung gian lây nhiễm", Alina Chan, một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Broad thuộc MIT. Cô cho biết tê tê là loài thường xuyên được nhắc đến. SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm trên cả tê tê và người, vì vậy có thể virus không cần tê tê làm vật chủ trung gian để lây sang người dù có thể đây là con đường lây nhiễm trên thực tế.

Cô Chan cho biết ý tưởng về việc có vật chủ trung gian lây truyền SARS-CoV-2 đã được thảo luận rất nhiều. Nhưng trên thực tế, vấn đề này chưa từng được xác định rõ ràng và "đặt ra rất nhiều câu hỏi", cô nói. "Tôi nghĩ nghiên cứu lần này có thể giải đáp một số câu hỏi đó".

Minh Bảo theo Popular Science

Chủ đề khác